Miếng dán da theo dõi tiểu đường thay cho chích máu ngón tay

11 Tháng Tư, 2018 | Y học - Khoa học
Các nhà nghiên cứu đã chế tạo ra miếng dán dính trên da có thể theo dõi đường huyết mà không cần chích máu. Photo Courtesy: MNT

Test chích máu ngón tay để theo dõi đường huyết có thể sớm trở thành quá khứ, nhờ các nhà khoa học đã phát triển một loại miếng dán trên da đo chỉ số đường huyết 10-15 phút một lần.

Được chế tạo bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Bath ở Anh, miếng dán da mới này đã được chứng minh là một chiến lược không xâm lấn khả thi để theo dõi đường huyết trong các thí nghiệm trên cả da lợn và da người.

Giáo sư Richard Guy, đồng tác giả nghiên cứu, thuộc Khoa Dược lý và Dược học, cùng các cộng sự đã báo cáo kết quả trên tạp chí Nature Nanotechnology. Ước tính khoảng 30,3 triệu người Mỹ bị bệnh tiểu đường, và khoảng 1,5 triệu trường hợp mới được chẩn đoán mỗi năm.

Đái tháo đường týp 2 là dạng phổ biến nhất, chiếm 90-95% số trường hợp; bệnh phát sinh khi cơ thể không còn sử dụng hiệu quả insulin, hoặc không sản sinh đủ lượng hoóc-môn, khiến chỉ số đường huyết trở nên quá cao.

Gánh nặng của việc chích máu ngón tay

Để kiểm soát bệnh một cách hiệu quả, người bệnh tiểu đường cần thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết. Điều này bao gồm sử dụng một máy đo đường huyết, kiểm tra một giọt máu chảy ra khi chích kim vào đầu ngón tay.

Tần suất kiểm tra đường huyết phụ thuộc vào loại bệnh tiểu đường mà người đó mắc và loại thuốc họ đang sử dụng, nhưng việc kiểm tra hàng ngày – có thể lên đến 10 lần mỗi ngày đối với người bị tiểu đường týp 1 – là rất phổ biến.

Kiểu kiểm tra này có thể là một gánh nặng cho người mắc bệnh tiểu đường; nghiên cứu đã cho thấy sợ đau và sợ kim, chi phí của giấy thử, và sự bất tiện của quá trình tự theo dõi là những rào cản đối với việc kiểm soát tốt đường huyết.

Tuy nhiên, miếng dán trên da mới được GS. Guy và các đồng nghiệpc chế tạo có thể để thay đổi bộ mặt của việc theo dõi đường huyết.

Miếng dán theo dõi chính xác chỉ số đường huyết

Miếng dán da chứa những cảm biến tí hơn sử dụng dòng điện để “hút ” glucose từ dịch tiết ra từ tế bào trên nang lông.

Miếng dán thu thập glucose trong những “kho chứa” nhỏ và đo mức glucose 10-15 phút một lần. Hy vọng là miếng dán này sẽ có thể gửi các chỉ số glucose tới điện thoại thông minh hoặc đồng hồ thông minh của người dùng và cho họ biết khi nào cần dùng thuốc.

Điều quan trọng là miếng dán không xuyên qua da. Hơn nữa, khả năng đo glucose từ một vùng nhỏ trên nang lông khiến nó có độ chính xác cao, do đó không cần phải xác nhận chỉ số thông qua lấy mẫu máu.

Giáo sư Guy và các đồng nghiệp đã xác nhận độ chính xác của miếng dán bằng cách thử nghiệm nó trên da lợn. Họ thấy rằng nó có thể theo dõi mức đường huyết ở phạm vi thường thấy trên người mắc bệnh tiểu đường, và với độ chính xác cao.

Các thử nghiệm tiếp theo trên người khỏe mạnh cho thấy miếng dán đã có thể theo dõi chính xác chỉ số đường huyết trong vòng 6 tiếng.

Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ kéo dài thời gian theo dõi đường huyết đến 24 giờ đồng thời tăng số lượng cảm biến để tăng độ chính xác hơn nữa.

Với những sửa đổi như vậy, họ tin rằng miếng dán có thể là một kỹ thuật theo dõi glucose không xâm lấn rất cần thiết cho những người mắc bệnh tiểu đường.

Giáo sư Guy nhấn mạnh: “Một phương pháp không xâm lấn – nghĩa là không dùng kim – để theo dõi lượng đường trong máu đã là một mục tiêu khó đạt được.

“Máy theo dõi phát triển tại Bath hứa hẹn một cách tiếp cận không kim, đóng góp thiết yếu trong cuộc chiến chống lại sự gia tăng của bệnh tiểu đường trên toàn cầu”.

Theo MNT/Dân Trí