Nên điều chỉnh lại sự dinh dưỡng

30 Tháng Mười Hai, 2008 | Y học - Khoa học

Qua sách báo và truyền hình, cũng như nghe các chuyên gia dinh dưỡng phân tích, lắm khi chúng ta thật bối rối, không  biết theo lời ai, để có một khẩu phần dinh dưỡng lý tưởng. Hàng ngày những thống kê khoa học đưa ra những thống kê “cấp cứu” nhằm kêu gọi chúng ta nên có giải pháp để điều chỉnh lại việc ăn uống cho đúng cách.

 

Chẳng hạn, Công Trình Nghiên cứu Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: 64% đàn ông và 47% đàn bà Úc có thể trọng trên mức  trung bình (mập phì).

 

Sự quá tải thể trọng bắt đầu từ tuổi thiếu niên (9-11t) là 20% ở bé trai và 26% ở bé gái. Từ tuổi 12-15 đối với các cậu trai khoảng 27.5% quá tải thể trọng.

 

Chưa hết, thống kê còn cho biết 1 trong 6 người lớn trên 19 tuổi bị cao huyết áp, phân nửa dân số trên 10 tuổi bị cholesterol cao.

 

Lý do chính yếu do khẩu phần dinh dưỡng không hợp lý có thể gây nguy hại đến sức khỏe.

 

Bộ y tế Úc cho biết, có 410,000 người Úc bị bệnh tiểu đường (có thể còn một số tương đương bị mắc bệnh nhưng chưa được phát hiện). Những bệnh tai biến động mạch vành, tai biến động mạch não đạt đỉnh cao vào năm 1968, nay tuy có giảm nhưng vẫn còn quá cao nếu so sánh với các nước quanh Địa Trung Hải hay Nhật Bản.

 

Các nhà dinh dưỡng quy tội lỗi cho loại thức ăn nhanh kiểu Mỹ “fast food”, quá nhiều dầu mỡ. Một miếng hamberger kiểu Úc vào thập niên 80 có chứa 18gr mỡ thế nhưng một Hamberger hiện nay (với hai miếng thịt chiên, 2 lát phômai) chứa đến 30gr mỡ. Tuy vậy, người tiêu thụ lại thích thú vì được ăn nhiều thịt, nhiều phômai và khoai t ây chiên hơn.

 

Hàng ngày, trên đường phố chúng ta thấy có người chạy bộ, đi bộ, hoặc tập thể dục nơi công viên… nhưng con số ấy thật ít. Người Úc dùng nhiều thì giờ cho việc bấm nút: truyền hình, máy tin học, đi cầu thang máy, đi xe hơi, nói điện thoại… hơn là đi bộ hay tập thể dục, với lý do không có thời giờ.

 

Vào thập niên 60, người nội trợ Úc đến siêu thị để thấy 600 món hàng thực phẩm. Ngày nay, họ có trên 10,000 món hàng để chọn lựa. Theo thống kê của tạp chí Food in Focus thì 97% nhân dân Úc đã thay đổi khẩu phần  dinh dưỡng trong vài năm qua, nhờ hiểu biết rộng rãi làm cách nào để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh một số bệnh tật.

 

Thế nhưng 55% dân chúng lại cho hay họ băn khoăn, bối rối khi các “chuyên gia” thường thay đổi ý kiến. Một phần những lý do họ đưa ra căn cứ vào khẩu phần dinh dưỡng của dân Thụy Điển, Nhật, Hy Lạp, Nam nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp, bởi những dân tộc này sống thọ hơn, ít bệnh tật hơn, nhưng cách ăn uống của mỗi dân tộc mỗi khác. Cùng việc viết những cuốn sách rồi quảng cáo rùm beng để trở thành các “nhà dinh dưỡng”, “chuyên viên sức khỏe”…

 

Khẩu phần dinh dưỡng còn thay đổi theo thời gian, trước thập niên 50-60, bệnh lao phổi và sưng phổi là những nguyên nhân chính gây tử vong, nạn nhân là những người nghèo khổ, ốm đói. Do đó các giới chức y tế đã khuyên dân chúng ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng như thịt, cá trứng, phômai, sữa, bơ để gia tăng chất đạm và mỡ cần thiết cho sức khỏe.

 

Thế rồi sự xuất hiện của kháng sinh, những loại bệnh nhiễm khuẩn dần dần bị đẩy lùi và những bệnh tim mạch, ung thư được nhảy lên hàng đầu. Những bệnh tim mạch và ung thư đòi hỏi một cách ăn uống khác. Sự nghiên cứu ở 7 quốc gia vào thập niên 50 cho thấy những chất mỡ bão hòa là nguyên nhân  làm tắt nghẽn động mạch vành, động mạch não.

 

Do đó việc cắt giảm số lượng thịt bít tết tiêu thụ vì quá nhiều mỡ, bỏ hẳn bữa ăn sáng thịnh soạn với thịt heo ướp (bacon), trứng và xúc xích. Bắt đầu thay đổi bằng cách uống sữa có lượng mỡ thấp, thay bơ bằng margarine, dùng nhiều hoa quả và rau đậu thay thế. Việc khuyến cáo dùng nhiều ngũ cốc (grains) như cơm, bánh mì, mì sợi, break-fast cereals và ăn nhiều cá được phổ biến.

 

Với khẩu phần dinh dưỡng thay đổi như trên để ngăn ngừa chứng phì nộn, bệnh tim mạch, bệnh ung thư, cao huyết áp và tiểu đường. Vấn đề được đăng là làm cách nào để thuyết phục được quảng đại quần chúng áp dụng. Tưởng cũng nên nhấn mạnh, qua 8 phúc trình nghiên cứu, thì ăn các loại hạt (nuts) có thể phòng ngừa được những bệnh tim và tăng tuổi thọ.

 

Người Úc, nói chung đã cảm thấy thích thú khi thưởng thức các món ăn của nhiều sắc tộc thiểu số Á châu. Trong các tiệm phở của cộng đồng Việt Nam, hình ảnh những người tóc vàng, mũi cao ghé vào ăn phở, bánh cuốn, chả giò không còn xa lạ. Có lẽ do đó mà số lượng gạo tiêu thụ hàng năm cho mỗi đầu người dân Úc đã tăng từ 1.8kg lên 7.3kg và số lượng bột mì cũng tăng gần bằng số lượng tiêu thụ trong thập niên 50.

 

Ngày nay dân Úc ăn nhiều bánh mì hơn so với thập niên 80, tuy  vậy vẫn thua số lượng cách nay 50 năm trước. Phụ nữ Úc vẫn chưa tin hẳn rằng ăn bánh mì nhiều không làm tăng ký, theo họ chính mỡ và chất đạm mới chính là nguyên nhân.

 

Người Úc, theo thống kê, rất lười ăn trái cây, 50% đàn ông và 40% đàn bà không bao giờ ăn trái cây, hoặc nếu có cũng chỉ rất ít có khi họ quên hẳn. Họ cho rằng ăn fast food tiện hơn, rẻ hơn, đỡ mất thì giờ. Hiệp hội trồng tỉa Úc phát hiện rằng 50% trẻ con mang hộp thức ăn trưa đến trường, không có trái cây!

 

Những nhà khoa học mới đây khuyến cáo nên ăn một hay hai món cá mỗi tuần, có thể làm giảm các bệnh ung thư, bệnh viêm nhiễm, bệnh tim. Cà chua có chứa lycopene, một chất chống ốc xy hóa (antioxydant) yếu tố phòng ngừa ung thư tiền liệt tuyến (prostate).

 

Vậy các ông bà “nội trợ” còn chờ gì không ăn cá nướng kèm cà chua, hay kẹp vài lát cà chua trong cặp “săng uích”? Các nhà dinh dưỡng còn cho rằng, mỡ trong thịt của da súc rất “độc” và có nhiều chất bão hòa, trong khi mỡ cá lại rất tốt cho cơ thể.

 

Có người cho biết nếu phải ăn uống phức tạp như thế (như ăn rau quả để có chất chống oxy hóa, chống ung thư) thà uống thêm thuốc gồm các chất ấy cho đỡ phiền. Có những công ty dược phẩm quảng cáo trong những viên thuốc của họ thành phần cấu tạo gồm các sinh tố, muối khoáng, chống oxy hóa, chống ung thư rút ra từ trái cây và 10 loại rau đậu khác nhau.

 

Nhưng viện Nghiên cứu Anh Norwich đã kiểm chứng và thấy rằng những viên thuốc ấy chỉ chứa đựng (đối với chất chống chất oxy hóa) chỉ tương đương của 10gr thực phẩm thực vật mà thôi. Nếu uống 4 viên mỗi ngày, tương đương 40gr thực phẩm thực vật và giá thành lại khá đắt.

 

Để đơn giản và hữu hiệu hóa vấn đề, chúng ta nên ăn thêm trái cây tươi trong bữa ăn sáng và trưa, ăn xà lách thường hơn, nhất là kẹp cà chua vào sandwich, ăn cá hai lần mỗi tuần, ăn các món thịt với rau đậu. Thế nhưng thành phần chính yếu vẫn là cơm hay bánh mì để có thêm chất xơ.

 

Ngoài ra thức ăn phải đa dạng nghĩa là gồm nhiều loại món ăn, như cuốn chỉ nam dinh dưỡng của người Nhật khuyến cáo: ăn ít nhất 30 loại thức ăn khác nhau mỗi ngày. Được như vậy thì không lo thầy thuốc phải đến nhà thăm viếng sức khỏe.

 

(TVTS – 688)