Những phát giác mới về giấc ngủ

29 Tháng Tư, 2008 | Y học - Khoa học

 

Tâm trạng của bạn lo lắng, xao xuyến vì ngày hôm sau phải đến gặp “boss” để phỏng vấn xin việc, hoặc phải trao gấp một món hàng cho người khách ở cách xa 250km nhưng phải đúng giờ. Vì vậy bạn mất ngủ hay chỉ ngủ chập chờn “mơ màng giấc điệp”.

 

Bạn đã làm việc suốt 16 giờ không nghỉ, nhưng công việc vẫn chưa xong, bình thủy cà phê đậm bên cạnh không đủ hiệu lực làm cho bạn tỉnh táo hơn, chống lại cơn mỏi mệt. Cơ thể bạn bắt đầu rã rời, nhưng não bộ của bạn đã cảnh giác trước đó bằng cặp mắt nhướng lên khó khăn.

 

Sau 18 giờ không ngủ, phản ứng của bạn trở nên chậm lại từ một phần tư hay nửa giây và thời gian càng lúc càng kéo dài. Nếu bạn đang lái xe thì đây là dấu hiệu cảnh cáo bạn chớ nên tiếp tục cuộc hành trình, hãy đậu xe lại bên vệ đường và chợp mắt một lát độ 15 đến 20 phút là tốt nhất.

 

Ngủ trở nên cần thiết cho sự sống còn của mọi loài vật, không cứ gì cho loài người Homo sapiens. Thế mà các khoa học gia vẫn chưa hiểu một cách tường tận công dụng của giấc ngủ.

 

Có phải ngủ để làm tươi mát cơ thể, hay gây sự sinh động trở lại?

 

-Không hẳn như vậy, vì các khoa học gia chẳng thấy có sự thay đổi các chức năng sinh học của cơ thể sau giấc ngủ. Chúng ta biết rằng các bắp thịt không cần có giấc ngủ để phục hồi sự hoạt động sau khi làm việc cực nhọc. Chỉ cần ngồi nghỉ một thời gian là sẽ bớt mệt.

 

Giấc ngủ làm trí óc được tỉnh táo?

 

-Đây có lẽ là câu trả lời. Não bộ có được lợi ích là trở nên sinh động hơn sau một đêm ngủ ngon. Thế nhưng lợi ích thế nào thì các nhà khoa học chưa nhất trí.

 

Có 3 giả thuyết:

 

-Giả thuyết thứ nhất cho rằng, giấc ngủ cho phép não bộ kiểm soát và củng cố nguồn tin tức được thâu nhận khi tỉnh thức.

 

-Giả thuyết thứ hai cho rằng, giấc ngủ cho phép não bộ tích tụ dinh dưỡng (chất đốt) và loại bỏ chất cặn bã.

 

-Giả thuyết thứ ba có lợi nhất, đó là giấc ngủ giúp não bộ thêm khả năng để hành động (bạn tìm ra được lời giải một bài toán hay một vấn đề sau một giấc ngủ ngon).

 

Tất cả các môn khảo cứu về giấc ngủ đều căn cứ trên trắc nghiệm EEG (Electro Encephalo Gram = Não điện đồ) ghi chú lại trên giấy tần số và sự biến thiên của dòng điện não, khi não bộ hoạt động.

 

Những khảo cứu tân tiến hơn còn có hình ảnh chụp được và kỹ thuật lập đồ bản thần kinh (Neurological mapping techniques). Những kỹ thuật hiện đại này cho phép các nhà khoa học có thêm chi tiết hình ảnh của não bộ khi ngủ, những gì xảy ra trong lúc não bộ nghỉ ngơi cho đến sự khác biệt của các tế bào thần kinh.

 

Nhờ vậy, Bs Giulio thuộc đại học Wisconsin đã xoa tay vui mừng nói: “Tôi cảm thấy sự suy nghĩ hiện nay khác hẳn so với cách nay vài năm về giấc ngủ.”

 

Khi không định nghĩa được giấc ngủ là gì thì các khoa học gia trước đây quay ra mô tả nó, xác định những yếu tố liên hệ đến giấc ngủ như sự lo âu (anxiety) hội chứng chân bất an (restless-leg syndrome) và chứng ngộp thở khi ngủ  (sleep apnea).

 

Các khoa học gia tìm thấy loài có vú (ngoại trừ cá heo và cá voi) có hai giai đoạn khác nhau của giấc ngủ: Giai đoạn đầu khi ngủ, hai con mắt (nhãn cầu) cử động nhanh (gọi là REM=Rapid Eye Movement) và một giai đoạn non-REM khi ngủ, nhãn cầu không cử động nhanh.

 

Ở con người thời gian chung cho cả hai giai đoạn để hoàn tất chu kỳ là 90 phút. Vào lúc bình minh chúng ta dành nhiều thời gian cho giai đoạn REM hơn là giai đoạn non-REM.

 

Nếu nhìn vào não điện đồ của một người đang ngủ trong giai đoạn REM, ta thấy sự hoạt động của não bộ tích cực, nếu ta đánh thức họ lúc ấy, họ sẽ nói đang trải qua một giấc mộng.

 

Giấc mộng trong giai đoạn non-REM thường đơn giản hơn, chỉ với một hay hai hình ảnh mà thôi.

 

Vấn đề mộng mị được bao trùm bởi những huyền thoại mà các nhà khoa học khó lòng giải thích. Tuy nhiên tất cả đều cho rằng mộng chỉ là sự tái xuất hiện của những sự việc xảy ra vài ngày trước đó.

 

Não điện đồ trong giai đoạn non-REM cho thấy có 4 thời kỳ xảy ra khi  con người đang ngủ từ trạng thái mơ màng đến ngủ say. Thời kỳ 3 và 4 trong giai đoạn non-REM  được biểu thị bằng những sóng điện đồ có tần số thấp (còn được gọi là sóng ngủ nhỏ = slow-wave sleep) xảy ra khi con người ngủ trong 3 giờ đầu tiên. Và sóng ngủ lớn xảy ra vài giờ trước khi thức giấc.

 

Trẻ con thường có sóng ngủ nhỏ, vì vậy khi chúng ta bế trẻ từ xe vào nhà mà chúng vẫn ngủ say.

 

Người lớn ít có sóng ngủ nhỏ và điều này tỉ lệ nghịch với tuổi tác.

Chúng ta đều trải qua các kinh nghiệm như lo âu, xao xuyến, sợ hãi, suy nghĩ đã làm chúng ta mất ngủ.

 

Các bác sĩ còn kể đến hội chứng đau nhức chân (restless legs syndrome) và không tìm ra nguyên nhân vì sao hội chứng này xuất hiện. Người bệnh cho biết có cảm giác bất an, mệt mỏi, ngứa ngáy ở phần sâu trong bắp thịt chân, nhất là cẳng chân, đôi khi còn đau nhức nữa. Để làm giảm đi hội chứng này, người bệnh phải cử động chân hay đi bộ. Hội chứng này được ghép vào loại rối loạn tâm thần và thường gây mất ngủ.

 

Ngộp thở khi ngủ (sleep apnea). Bạn đi ngủ trong tâm trạng bình thường, giấc ngủ diễn tiến tốt đẹp. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngủ, nếu bạn may mắn được não bộ báo một dấu hiệu cảnh cáo: bạn đang thiếu dưỡng khí và não bộ có thể lâm nguy.

 

Lúc ấy bạn sẽ khụt khịt lỗ mũi, thở khò khè, và bạn sẽ hít vào thật mạnh, để rồi mọi sự trở lại bình thường, hoặc bạn sẽ ngáy to hơn và chu kỳ sau đó lại tái diễn. Người ta gọi đó là ngộp thở khi ngủ, điều này xảy ra khi bạn đang ngủ ngon giấc và không hay biết sự việc xảy ra.

 

Sự ngộp thở do phần trên của bộ hô hấp mũi và cuống phổi bị tắt nghẽn trong lúc bạn ngủ, vì thế sự hô hấp bị tắt nghẽn một cách tai hại. Chứng ngộp thở thường xảy ra ở đàn ông nhiều hơn đàn bà, và người mập nhiều hơn người ốm. 

 

Một máy thở (respirator) được dùng để trợ giúp người bị ngộp thở khi ngủ. Đấy là máy CPAP (Continuous Positive Airway Pressure = Máy gây áp lực dương tính liên tục cho khí quản), với mục đích bơm dưỡng khí điều hòa vào khí quản của bạn, giúp bạn thở được bình thường.

 

Nếu không có máy này, một đêm bạn có thể bị ngộp thở từ 20 đến 40 lần trong một giờ. Người bị ngộp thở sẽ không có thời kỳ 4 của giai đoạn non-REM giúp não bộ lấy lại sự tươi mát bình thường. Với máy thở CPAP bệnh nhân tìm lại phần lớn của thời kỳ 4 và giấc ngủ trở nên bình thường.

 

Lý thuyết về giấc ngủ

 

Khi bạn đi vào giấc ngủ tựa như bạn ra khỏi nhà, trao căn nhà lại cho đám thầy thợ sửa chữa trang hoàng, vì bạn không muốn ở trong căn nhà với vật liệu xây cất cùng những dụng cụ ngổn ngang khắp nơi.

 

Quan niệm trên có phần đúng, nhưng theo chuyên gia thần kinh Robertvertes thuộc đại học Florida Atlantic thì, “giấc ngủ là điều cần thiết cho sự tịnh dưỡng”. Các khoa học gia khó lòng đồng thuận cho rằng não bộ phải hoàn toàn “tắt máy nghỉ ngơi trong 8 giờ mỗi đêm”. Vậy, trong thời gian ấy, não bộ làm gì? –“Chúng tôi không biết”.

 

Có thể não bộ cũng mệt mỏi cần được nghỉ ngơi cho lại sức để “kéo cày ngày hôm sau”. Vì vậy một vấn đề nan giải của bạn trong ngày đã tìm ra lời giải sau một giấc ngủ ngon.

 

Não bộ cũng như các bộ phận khác của cơ thể cần glucose để sinh hoạt. Trường hợp người bị bệnh tiểu đường nếu bị hạ đường huyết sẽ bị hôn mê vì các tế bào não thiếu glucose.

 

Sau một thời gian làm việc liên tục 24 giờ, sự hoạt động của não bộ sẽ bị suy giảm, con người không còn suy nghĩ chính xác, sáng suốt được nữa, dù có ăn uống thêm glucose cũng vậy. Vì sao? –Không ai biết.

 

Có thể rằng giấc ngủ giúp não bộ đương đầu với những chất tai hại có gốc tự do (freeradicals).

 

Cách nay vài năm các khoa học gia đã tìm ra một kích thích tố mới có tên Leptin, chất này nếu có nhiều trong cơ thể sẽ thông báo cho não bộ biết cơ thể có quá nhiều mô mỡ. Sự mất ngủ sẽ làm giảm số lượng leptin trong máu, do đó cơ thể sẽ đòi hỏi thêm năng lượng cần thiết.

 

Những người mập phì giấc ngủ thường không được bình thường và không “ngon giấc”. Vậy có thể nói giấc ngủ không chỉ dành cho não bộ mà còn giúp cho sự nghỉ ngơi của cơ thể.

 

Ngủ bao lâu là đủ?

 

Các giám đốc công ty thường khuyến cáo nhân viên phải ngủ 8 giờ mỗi đêm mới mong đạt năng suất cần thiết khi làn việc.

 

Thế nhưng một nghiên cứu cho thấy, những người ngủ trên 7 giờ mỗi đêm thì chết sớm. Vậy, ngủ nhiều cũng gây tai hại cho sức khỏe.

 

BS Luppi thuộc đại học Lyons ở Pháp khuyến cáo rằng: “Nếu bạn ngủ mà ngày hôm sau vẫn còn thấy buồn ngủ có nghĩa là thời gian bạn ngủ chưa đủ. Không có một luật lệ nào ấn định thời gian ngủ là bao nhiêu cả.”

 

Người cao niên thường tỉnh ngủ (ngủ không say) và thời gian ngủ mỗi đêm ngắn hơn người trẻ.

 

Một triệu chứng của một số người bệnh là không ngủ được hay mất ngủ (Insomnia)

Và có một loại người không muốn ngủ, do đó có nên gọi họ là Somnorexia (giống như chứng biếng ăn được gọi là Anorexia).

 

Ngủ là một trong tứ khoái của con người. Phải chăng vì vậy mà người Việt Nam chúng ta thường nói:

 

“Ăn được, ngủ được là tiên

Biếng ăn biếng ngủ thì liền ra ma”.