Phần đông bệnh nhân không đọc được hay không hiểu toa bác sĩ

13 Tháng Mười Một, 2008 | Y học - Khoa học

 Một số bệnh nhân người Việt vì không thông thạo tiếng Anh, nên không đọc được hay không hiểu toa của bác sĩ, do đó gây ra rối loạn cho sự trị bệnh. Nhưng sự việc lại có thể xảy ra, cho cả người Mỹ hay người Úc chính gốc.

 

Y văn nổi tiếng Journal of the American Association (JAMA) đăng tải một phúc trình nghiên cứu (số báo tháng 12/1998) cho hay một số rất cao bệnh nhân điều trị ở hai nhà thương công lớn, đã không đọc được toa, hoặc hiểu toa thuốc, cũng như lời bác sĩ căn dặn.

 

Tỉ lệ mù chữ y khoa (medical illiteracy) cao nhất đối với các bệnh nhân tuổi trên 60. Hơn 80% không hiểu những lời dặn dò về một thử nghiệm thông thường như chụp hình bao tử, lấy máu khi đói, không uống bất cứ loại gì khi làm siêu âm v.v…, lý do giản dị vì trình độ văn hóa của bệnh nhân quá thấp.

 

Mà các ông thầy thuốc có tuồng chữ khó đọc khó coi. Bảy năm học y khoa (không kể những năm hậu đại học hay chuyên khoa) họ viết đứng, viết ngồi, viết tắt, viết ký hiệu, bạ đâu cũng có thể dùng để ghi chú, nên đã biến đổi tuồng chữ của phần lớn các bác sĩ, từ dễ đến khó đọc.

 

Lại thêm trong y học hay dùng chữ Latinh do đó biến ngôn từ y khoa thành ngôn từ của những người “dã man” (barbare) theo những lời phê bình.

 

Huyền thoại chữ xấu của bác sĩ trở thành phổ thông đến nỗi có giai thoại sau đây: Một bác sĩ viết thơ hẹn hò một thiếu nữ, cô gái không đọc ra liền nghĩ ngay đến dược sĩ, quen đọc toa ắt sẽ “giải mã” được bức thơ. Cô đem thơ ra nhà thuốc tây nhờ vị dược sĩ giúp đỡ. Xem xong, dược sĩ bán cho cô một lọ Aspirine!

 

Vì vậy, trường hợp dược sĩ khi bán nhầm thuốc vì đoán không ra chữ viết tên thuốc của bác sĩ không phải là ít.

 

Theo phúc trình của JAMA, việc không đọc và không thông hiểu ý nghĩa toa của bác sĩ rất quan trọng, bởi vì ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống y tế. Bệnh nhân thường được cho xuất viện sớm (để khỏi ứ đọng, tốn kém cho ngân sách bệnh viện) do đó họ được nhận đủ thứ giấy tờ, toa thuốc, lời dặn dò, ngày hẹn tái khám và nhất là phải lãnh trách nhiệm để lo tự chữa trị tại nhà.

 

Giáo sư phụ tá Nội Khoa Đại học Y dược Emory Bs David W. Baker, một trong những tác giả phúc trình nói trên đã hoảng sợ phát biểu: “Chúng tôi thật sự ngạc nhiên về kết quả, nhưng rồi chẳng làm gì được”.

 

 Ông còn nói: “Vấn đề không những chỉ riêng cho hai bệnh viện ấy mà còn lan ra bên ngoài nữa khiến tất cả hệ thống y tế đều bị ảnh hưởng”.

 

Ông Baker và cộng sự đã dùng một trắc nghiệm đặc biệt để thử mức độ mù chữ cho 2659 bệnh nhân phần lớn là nghèo và là người Mỹ chánh gốc điều trị năm 1993 và 1994 tại hai bệnh viện công lập Grady Memorial Hospital ở Atlanta và Harbor UCLA Medical Center tại Torrance, California.

 

Bệnh nhân được phát mỗi người một tờ giấy trên đó có nhiều câu hỏi, phải lựa câu trả lời đúng hay sai, mục đích để tìm hiểu họ có thông hiểu những lời bệnh viện căn dặn về các loại giấy tờ cho phép thực hiện những kỹ thuật y khoa đặc biệt hay các luật lệ medicare, healthcare không?

 

Có những câu hỏi xem bệnh nhân có hiểu lời dặn trên toa thuốc (đánh máy) như “uống lúc bụng đói bay bụng no”, uống ngày 4 lần”, “uống muỗng càphê hay muỗng canh v.v…”.

 

Một trắc nghiệm tương tự được dịch ra tiếng Tây Ban Nha dùng cho bệnh nhân nói tiếng mẹ đẻ ấy. Nói chung, cả hai bệnh viện trên 42% bệnh nhân không hiểu thế nào là uống thuốc bụng đói, 26% không biết kỳ hẹn tới lúc nào, gần hai phần ba không hiểu tại sao phải ký giấy ưng thuận trước khi thử nghiệm lớn hay làm phẫu thuật.

 

Vấn đề càng quan trọng và rắc rối hơn đối với người cao niên. Họ thường sống lẻ loi, mắc nhiều chứng bệnh rắc rối, lại thường phải uống nhiều loại thuốc và cần được chăm sóc y khoa nhiều nhất.

 

Trong bài xã luận đi kèm, nhà tâm lý học Terry Davis một chuyên gia về nạn mù chữ y khoa cho rằng vấn đề không phải là tại bệnh nhân cố tình bất tuân, không muốn điều trị hay có thái độ chống đối ngấm ngầm.

 

Họ thật sự không thể đọc được nhiệt độ ở cái ống thủy, không thể viết ra lời dặn sau khi nghe qua điện thoại , không thể hiểu được các từ y học chuyên môn như “đường miệng, ml (hay cc), muỗng càphê, 3/4 muỗng canh v.v.”

 

Một số bệnh nhân hiểu được chữ “orally” (đường miệng) nhưng nghĩ có nghĩa là mỗi ngày một lần. Những người cao niên sống lẻ loi phải dùng thuốc chích Insullin trị tiểu đường nhưng không làm sao tính được số đơn vị cần thiết vì ống chích tối tân rất phức tạp.

 

Nạn mù những chữ chuyên khoa không phải chỉ giới hạn cho Y khoa, mà còn lan sang các ngành nghề chuyên môn khác.

 

Bộ Giáo Dục  Mỹ năm 1993 đã nghiên cứu và thấy rằng một nửa tổng số người Mỹ trưởng thành đang bị mù chữ về mặt cơ năng. Họ đọc và viết ở trình độ lớp 4 và không biết dùng số để làm tính thông thường hay dùng máy  tính để tính tiền nên trí năng rất hạn chế.

 

TS Davis cho hay câu nói “ngày uống 4 lần” phải suy ra khá rộng mới tính ra được mà người mù chữ thì không biết sắp đặt tính toán. Do đó trong bệnh viện có nhiều bệnh nhân cao áp, tiểu đường, bệnh tim mà việc điều trị không mấy hữu hiệu. Bác sĩ nản chí và biên thêm toa, tăng thêm thuốc. Hỏi rõ ra thì bệnh nhân không dùng đủ liều lượng thuốc vì họ không hiểu rõ lời dặn.

 

Một bà mẹ có con bị viêm tai, bác sĩ kê toa kháng sinh Amoxicillin mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 3/4 muỗng canh. Người mẹ chụp đại muỗng nào gần nhất rồi đổ đầy thuốc, sau đó không biết đổ vào miệng hay vào tai đứa trẻ?

 

Một bệnh nhân cất toa thuốc cẩn thận. Trong thời gian đầu điều trị, bệnh không thuyên giảm, ông mới đưa chai thuốc cho người nhà xem, khi ấy mới vỡ lẽ là chai thuốc không phải của mình mà có tên người khác. Bệnh nhân không biết đọc nên không biết mình lấy thuốc lầm.

 

Một nguyên nhân quan trọng khác do các ông bác sĩ viết nguệch ngoạc, cẩu thả, dùng danh từ bí hiểm chuyên môn quá khó đối với người thường.

 

Y khoa Mỹ hay các nước khác theo truyền thống xa xưa nên còn dùng những huấn thị bằng từ ngữ cổ kính Latinh. Thay vì nói rõ một ngày hai lần thì viết tắt: B.I.D (bis in diem), hoặc thay vì trước khi ăn cơm thì họ biên : a.c (ante acibum) hoặc uống hay dùng bằng miệng thì họ biên: per os.

 

Không trách bệnh nhân không đọc nổi toa vì họ đâu có học qua ký hiệu chữ Latinh như các bác sĩ hay dược sĩ.

 

Vì vậy hiện nay có quan niệm viết lại cẩm nang y học hoặc những lời dặn dò bệnh nhân bằng một lối ngôn từ bình dân dễ hiểu. Nếu cần thì các nhân viên liên hệ giải thích thêm và bắt bệnh nhân lập lại để trắc nghiệm sự hiểu biết.

 

Một nguyên tắc sư phạm khác nữa nên được áp dụng là dùng hình vẽ dễ hiểu thay vì dùng chữ viết để giải thích.

 

Thế nhưng không thể nào dùng hình vẽ mà nói cho hết, cũng không mong nói miệng mà bệnh nhân nhớ tất cả. Đáp số của vấn đề là phải phát huy sự giáo dục, dạy cho người biết đọc, biết viết đầy đủ để họ có khả năng tiếp thu tốt. Kế hoạch giáo dục này đưa đến một vấn đề phức tạp hơn nhiều là phải tốn công tốn của và thời gian để thực hiện.

 

(TVTS – 687)