Phương pháp điều trị đột phá giúp chữa vết thương ở mắt do bị tạt a xít

11 Tháng Tư, 2019 | Y học - Khoa học
Phương pháp điều trị đột phá giúp chữa vết thương ở mắt do bị tạt a xít. Photo Courtesy: Shutterstock

Phương pháp điều trị mới này mang đến hy vọng cho gần 500.000 người trên thế giới mỗi năm có thể mất đi thị lực do vết bỏng gây ra bởi hóa chất.

Những nạn nhân bị tạt a xít có thể tránh được mất thị lực sau khi các nhà khoa học đã thử nghiệm thành công một phương pháp điều trị đột phá: sử dụng một enzyme để ngăn các tế bào gốc trong mắt mất đi khả năng chữa lành vết thương sau tai nạn.

Các tế bào gốc có khả năng chữa lành vết thương ở mắt, chẳng hạn như vết bỏng gây ra bởi a xít, nhiễm khuẩn hoặc những vết cắt, theo Daily Mail.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Newcastle (Anh) và Đại học Missouri (Mỹ) đã lấy các mô giác mạc từ mắt và phát hiện ra một enzym có thể làm mềm mô này. Họ phục hồi lại enzym trên để có thể hỗ trợ các tế bào gốc có lại khả năng chữa lành vết bỏng.

Phương pháp điều trị mới này mang đến hy vọng cho gần 500.000 người trên thế giới mỗi năm có thể mất đi thị lực do vết bỏng gây ra bởi hóa chất.

Khi tế bào gốc điều trị được giác mạc bị tổn thương thì chúng nhanh chóng phân chia và phát triển thành một số lượng tế bào rất lớn có thể tạo thành một lớp màng dày và sau đó di chuyển đến vết thương để chữa lành.

Giáo sư Che Connon của Đại học Newcastle nói trên Daily Mail:“Chúng tôi bây giờ đã chứng minh được rằng giác mạc khi bị thương, bao gồm những tổn thương do a xít tấn công thì trở nên cứng. Điều này có thể cung cấp cho chúng ta những chiến lược mới trong điều trị các bệnh về mắt”.

Trên thế giới, hơn 1,5 triệu trường hợp bị mất thị lực mới mỗi năm. Ở Anh, khoảng 4.000 người ghép giác mạc mỗi năm.

Nghiên cứu về phương pháp điều trị mới này đã được đăng tải trên tạp chí Nature Communications.

Theo TNO