Super Earth chỉ cách chúng ta 6 năm ánh sáng

15 Tháng Mười Một, 2018 | Y học - Khoa học
Hình phát họa trên bề mặt của “Super Earth”. Photo Courtesy: European Southern Observatory/M. Kornmesser/Handout via REUTERS

Các nhà khoa học phát hiện một Super Earth quay quanh ngôi sao lùn đỏ Barnard chỉ cách hệ Mặt Trời 6 năm ánh sáng.

Nhóm nghiên cứu do Ignasi Ribas ở Viện khoa học vũ trụ tại Tây Ban Nha đứng đầu phát hiện hành tinh Barnard’s star b có khối lượng gấp 3,2 lần Trái Đất và hoàn thành một vòng quỹ đạo sau 233 ngày. Kết quả nghiên cứu về ngoại hành tinh gần thứ hai tính từ hệ Mặt Trời được công bố trên tạp chí Nature hôm 14.11, theo IFL Science.

Barnard’s star b thu hút nhiều sự chú ý bởi hành tinh này ở rất gần. Bản thân Barnard là ngôi sao đơn độc ở gần Mặt Trời nhất. Xét về khoảng cách, chỉ có hệ Alpha Centauri gồm ba ngôi sao ở gần hơn, trong đó có Proxima Centauri, sao lùn đỏ chỉ cách chúng ta 4,2 năm ánh sáng.

Nhóm của Ribas tìm thấy Barnard’s star b bằng phương pháp tính vận tốc xuyên tâm với độ chính xác 99,2%. Họ sử dụng hơn 700 quan sát về sao Barnard từ dữ liệu thu thập trong suốt 20 năm.

Sao Barnard hay GJ 699 có khối lượng rất thấp, chỉ bằng 1/7 Mặt Trời và phát ra năng lượng bằng 2% Mặt Trời. Cơ hội tìm thấy nước lỏng trên hành tinh Barnard’s star b rất mong manh do nó ở xa gấp 5 lần vùng có thể sinh sống quanh ngôi sao chủ. Nếu đây là một hành tinh đá, nhiều khả năng nó bị đóng băng với nhiệt độ trung bình khoảng -170°C, theo Ribas.

Theo các nhà nghiên cứu, hành tinh này không đi qua phía trước ngôi sao chủ từ điểm chúng ta quan sát. Họ dự định xem xét hành tinh kỹ hơn với kính viễn vọng không gian Hubble và James Webb trong tương lai.

Theo VNE