Vì sao NASA chậm công bố vụ nổ thiên thạch mạnh gấp 10 lần bom nguyên tử Hiroshima?

20 Tháng Ba, 2019 | Y học - Khoa học
NASA đặt mục tiêu đến năm 2020 có thể phát hiện 90% các vụ nổ sao băng hay thiên thạch có kích thước hơn 140m – Ảnh: NASA

Phải sau 3 tháng, thông tin về vụ nổ thiên thạch trên biển Bering với năng lượng gấp 10 lần quả bom nguyên tử ở Hiroshima mới được các nhà khoa học NASA công bố.

Vụ nổ xảy ra vào ngày 18-12-2018, phát ra năng lượng tương đương 170.000 tấn chất nổ TNT và mạnh gấp 10 lần sức công phá của quả bom nguyên từ quân đội Mỹ thả xuống Hiroshima vào năm 1945.

Đây cũng là vụ phát nổ trong khí quyển lớn nhất trong vòng 6 năm qua, kể từ khi một thiên thạch khác nổ trên bầu trời Chelyabinsk, miền tây nam nước Nga; đồng thời là vụ nổ thiên thạch lớn thứ 2 trong 30 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, khác với sự kiện Chelyabinsk thu hút sự quan tâm lớn từ giới truyền thông và người dân, vụ nổ hồi tháng 12 vừa qua trên vùng Bering bình lặng đến bất ngờ.

Theo trang The Guardian, NASA không phải đơn vị đầu tiên phát hiện vụ nổ mà họ chỉ nhận được thông tin từ không quân Mỹ.

Đồng thời, có thể do vị trí thiên thạch này quá xa nên không mấy người có thể ghi lại khoảnh khắc nó phát nổ.

Mãi đến đầu tuần này, tại Hội nghị khoa học về hành tinh và vệ tinh lần thứ 50 diễn ra ở Texas (Mỹ), bà Kelly Fast – quản lý chương trình quan sát vật thể gần Trái đất tại NẤ, mới lần đầu công bố chi tiết về vụ nổ.

Bà Kelly Fast cho biết qua phân tích, thiên thạch có chiều rộng chỉ vài mét, di chuyển với vận tốc gần 116.000km/h trong bầu khí quyển Trái đất và phát nổ ở độ cao khoảng 25km.

“Dẫu vậy, năng lượng của vụ nổ này chỉ tương đương 40% năng lượng vụ nổ Chelyabinsk” – bà Kelly Fast nói.

Song đây vẫn là sự kiện đáng chú ý vì theo ông Lindley Johnson – chuyên viên NASA chịu trách nhiệm phòng thủ cho Trái đất, việc một vật thể có kích thước lớn như thiên thạch ở Bering phát nổ bên trên Trái đất chỉ xảy ra 2-3 lần trong vòng 100 năm.

Trang The Guardian nhận xét vụ nổ ở biển Bering một lần nữa cho thấy mặc dù bản thân NASA đã nỗ lực rất nhiều, cơ quan này vẫn “để lọt” những sao băng có kích thước lớn vào khí quyển Trái đất mà không hề nhận được thông báo từ các thiết bị tối tân.

“NASA đang nghiên cứu để đến năm 2020 có thể xác định được 90% vật thể gần Trái đất có kích thước rộng hơn 140m bay vào khí quyển Trái đất. Tuy nhiên dường như mục tiêu này có thể cần đến 30 năm nữa mới hoàn thành” – tờ báo viết.

Vụ nổ thiên thạch lớn nhất trong lịch sử nước Nga xảy ra vào năm 1908, tại vùng Tunguska thuộc Siberia. Sức mạnh của vụ nổ san phẳng cánh rừng gần 2.000 km2 với hơn 80 triệu cây rừng.

Theo TTO