Viêm mũi dị ứng: Biến chứng của sốt hoa cỏ (Hay Fever)

06 Tháng Sáu, 2008 | Y học - Khoa học

 

Viêm mũi dị ứng mãn tính, một biến chứng khó chịu của sốt hoa cỏ, tìm thấy ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội,không chừa một ai. Triệu chứng thông thường là chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa ngáy, mắt đỏ, chảy nước mắt và đôi khi nghẹt mũi.

 

Viêm mũi là gì?

 

Người bệnh thấy nghẹt mũi, chảy mũi,những triệu chứng này tự nó biến đi sau một thời gian rồi lại tái phát nên được gọi viêm mũi mãn tính (hay kinh niên, chronic rhinitis). Tuy vậy, viêm mũi còn do những nguyên nhân khác gây ra chứ không độc quyền của phấn hoa. Viêm mũi có thể do kích thích (irritation) hay viêm nhiễm (inflammation), do đó viêm mũi được phân biệt là dị ứngkhông dị ứng.

 

a/ Viêm mũi dị ứng: Theo ngôn từ nhân gian, khi “trái nắng trở trời” người bệnh thường hắt hơi từng hồi dài (2-3 chục cái) chảy nước mũi liên tục, phải dùng khăn tay để hỉ mũi, nghẹt mũi thở không được phải dùng đường miệng do đó bị khô niêm mạc miệng và cổ họng.

 

Nước mũi tuy chảy nhiều nhưng lỏng, sắc trong, chỉ khi nào bị nhiễm trùng, nước mũi mới trở nên đặc, đục và có màu, đôi khi thấy máu. Người bình thường, khi thức dậy sau giấc ngủ đêm, hỉ mũi đôi khi có vấy máu chút ít, đấy không phải triệu chứng bệnh mà do thay đổi,biến thiên áp lực khiến niêm mạc mũi bị chảy máu.

 

Chất gây ra viêm mũi dị ứng được gọi là allergens hay dị ứng nguyên. Thông thường nhất là các hạt phấn hoa (pollen) được gió mang đi rất xa. Phấn hoa là một cụm từ bao gồm phấn các loài hoa mà cũng có thể bụi phấn của cây, cỏ, cỏ dại, các loại bụi bặm của chí rận, thú vật nuôi trong nhà, mốc meo (molds) ở bên ngoài, những hóa chất nơi làm việc, thực phẩm v.v…

 

Người bệnh cũng có thể kèm theo triệu chứng viêm mắt dị ứng (allergic conjunctivitis), mắt bị xốn hay ngứa ngáy, đỏ, chảy nước mắt.

 

b/  Viêm mũi không dị ứng: Loại viêm mũi này có thể nhiều người mắc phải nhưng nguyên nhân thì chưa rõ. Triệu chứng thông thường là nghẹt mũi, có thể có hay không chảy nước mũi, còn ngứa ngáy (xốn) thường không nặng như viêm mũi dị ứng.

 

Viêm mũi không dị ứng có liên hệ với hệ thần kinh trung ương, cơ quan kiểm soát các mạch máu mũi ở mũi. Do đó khi nhiệt độ ẩm, cảm ứng thay đổi ảnh hưởng đến khứu giác và gây ra viêm mũi. Do đó khi thai phụ bị nhiễm viêm mũi, sau khi sinh nở bệnh cũng hết.

 

 Những hậu quả của viêm mũi

 

Triệu chứng nghẹt mũi do niêm mạc của vách mũi bị sưng hay bướu màng pôlíp (polyps) làm tắc nghẽn đường hô hấp qua mũi. Thường thường pôlíp và nhiễm trùng làm nước mũi đặc và có màu xanh. Sự nhiễm trùng còn gây đau đớn, gây sức ép nơi xoang má, trán, khóe mắt hoặc đỉnh đầu.

 

Làm sao chẩn đoán viêm mũi thuộc loại nào?

 

Cũng khó cho bệnh nhân tự chẩn đoán, phải đến bác sĩ khám bệnh, hỏi bệnh sử và làm thử nghiệm mới biết được.

 

– Bệnh sử: các bác sĩ sẽ hỏi rõ bạn về bệnh sử xảy ra. Thí dụ bị viêm mũi một số lần nào đó trong năm, vào quãng thời gian nhất định. Chắc chắn bạn bị dị ứng bởi phấn hoa gây ra. Nếu viêm mũi suốt năm có thể do bụi bặm trong nhà, hoặc ở chung với chó mèo nuôi trong nhà làm cảnh, các loại bụi bặm cho chí rận sinh sống trong thảm hoặc mốc meo bên ngoài.

 

Đối với viêm mũi không dị ứng như  trên đã nói rất khó chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân. Các bác sĩ thường có hàng chục loại allergens để làm trắc nghiệm ở da (skin tests) may ra tìm được nguyên nhân. Chụp hình Xquang đầu và thử máu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán các xoang có bị nhiễm trùng hay không để sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân.

 

Sự trị liệu

 

Nếu bạn bị di ứng với  một vài thứ hay vài chất gì được biết rõ thì cứ việc tránh chúng là xong (chẳng hạn thú vật trong nhà, thảm lót nhà lâu ngày không tẩy hút khử trùng). Thế nhưng những phấn hoa bay trong không khí biết đâu mà tránh. Ở lì trong nhà cũng không bảo đảm hoàn toàn.

 

Nếu bị viêm mũi dị ứng, các bác sĩ có thể kê toa để bạn mua thuốc kháng dị ứng (antihistamines) và những loại thuốc xịt mũi rất hữu hiệu, nghĩa là không kiểm soát được bệnh chứng thì bác sĩ có thể dùng loại thuốc chích gọi là trị liệu miễn nhiễm  để làm gia tăng sự chịu đựng allergen sau khi làm thử nghiệm ở da. Đây là phương pháp làm cho cơ thể quen dần với những liều lượng gia tăng chất allergens chích vào cơ thể.

 

Nhiều bệnh nhân thì nghẹt mũi, bác sĩ biên toa mua thuốc nhỏ mũi có tính chất làm thông mũi. Lẽ tất nhiên có nhỏ thuốc thì niêm mạc mũi nhỏ lại, làm cho đường hô hấp được dễ dàng, bệnh nhân thở được bình thường không phải dùng đường miệng.

 

Nhưng nếu dùng quá liều thì thời gian thở dễ dàng ngày càng ít đi, do đó phải nhỏ thêm thuốc. Bệnh nhân trở nên quen thuốc, lờn thuốc rất có hại. Thuốc nhỏ mũi chỉ là thuốc trị triệu chứng mà thôi, muốn trị liệu hữu hiệu phải dùng thuốc kháng dị ứng mới dứt căn được.

 

Nếu xoang mũi bị nhiễm trùng, các bác sĩ sẽ cho thuốc kháng sinh. Trường hợp vách mũi bị xẹo hay biến thái thì phải làm phẫu thuật để chữa trị.