Viêm nhiễm chính là nguyên nhân gây ra một số bệnh tật

05 Tháng Hai, 2008 | Y học - Khoa học

Tác giả: Nguyễn Phước

 

Viêm nhiễm (Inflammation) là phản ứng của cơ thểchống lại thương tích với sự xâm nhập của vi trùng. Viêm nhiễm có thể cấp tính hay mãn tính với những triệu chứng như da mẩn đỏ, da nóng sốt, sưng phồng và đau nhức, kèm theo mất khả năng hoạt động của một vùng thuộc cơ thể.

 

Cơ chế viêm nhiễm đầu tiên là tăng gia tính thẩm thấu của mạch máu, kế đến là sự đào thoát một lượng nước nhờn từ máu mà ra, giai đoạn thứ ba là bạch hầu được gọi đến để vây hãm và tiêu hủy vi trùng xâm nhập, chất fibrin được tích tụ trong thành mạch máu, cuối cùng là những tế bào sợi sẽ xây dựng lại vùng cơ thể bị tổn thương.

 

Viêm nhiễm khác hẳn với sưng phù (Edema) do sự tích tụ một số lượng dịch trong các mô của cơ thể. Sưng phù cũng do sự gia tăng thẩm thấu của mạch máu, nhưng không phải do vi trùng hay siêu vi gây ra.

 

Viêm nhiễm là dấu hiệu báo động khiến ta phải chú ý đến sự phòng chống do lây nhiễm. Nếu viêm nhiễm kéo dài (mãn tính) sẽ là nguyên nhân gây ra một số chứng tật  như tai biến tim, mạch não, ung thư đại tràng, bệnh lú lẫn Alzheimer, bệnh phong thấp v.v…  Đây là phát hiện mới nhất của Y học được đăng tải trên tuần báo Time.

 

Sau đây là phần lược dịch.

 

* * *

 

 

Sao lại có thể như thế được?

 

Một cái gai nhỏ đâm vào ngón tay hay ngón chân gây nên một vết thương nhỏ, nhưng lại có thể là nguy cơ gây bệnh lú lẫn Alzheimer, tai biến tim mạch hay ung thư đại tràng được ư?

 

Thưa rằng, điều này có thể xảy ra, và chính các khoa học gia đã nghiên cứu sâu rộng cơ chế gây bệnh để qui  lỗi cho sự viêm nhiễm, một phương cách phòng chống xưa cũ của cơ thể. Điều hiểu biết mới mẻ này có thể sẽ làm thay đổi quan niệm của các vị thầy thuốc về cách phòng chống và chữa trị các chứng bệnh do viêm nhiễm gây ra.

 

Xem ra,  như mọi vật dụng ta  dùng hàng ngày  cũng có mặt trái của nó. Một cây dao bén rất hữu ích dùng để cắt, gọt  thì cũng dễ làm ta đứt tay nếu xài lâu  sơ ý. Sự viêm nhiễm cũng vậy. Đấy là phương cách khá hữu hiệu đểcơ thể chống lại sự xâm nhập của vi  trùng, siêu vi hay ký sinh trùng.

 

Ngay sau khi đoàn quân ngoại xâm này đột nhập cơ thể, phản ứng tự vệ đầu tiên của chúng ta là có sự sưng đỏ hay viêm ngay tại đầu cầu của sự xâm nhập. Kế đến là giai đoạn kháng cự được hình thành nhằm làm lành vết thương. Thường thường  sự phòng chống  với  viêm nhiễm có gây sốt nhẹcủa cơ thể không phải lúc nào cũng thành công. Có khi  do yếu tố di truyền, tật nghiện thuốc lá, cao huyết áp v.v…  khiến sự phòng chống kéo dài. Hậu quả là viêm nhiễm trở nên kinh niên  thay vì chỉ xuất hiện tạm thời rồi biến mất. Một khi viêm nhiễm kéo dài kinh niên (mãn tính) thì đây chính là lúc yếu tố tự vệ sẽ gây tác hại cho cơ thể.

 

Viêm nhiễm hiện nay là phạm vi nghiên cứu “thời thượng” nhất của y học  với  khá nhiều công trình được công bố và được lý giải như sau: Sự viêm nhiễm làm xáo trộn vị thế của Cholesterol đóng trên thành mạch của động mạch vành cơ tim hay động mạch não. Từ đó đưa đến những tai biến về tim (cơn đau tim) và nhất là đột quị (tai biến mạch não).

 

Hậu quả khác của viêm nhiễm kinh niên là làm tan biến những tế bào thần kinh  của não bộ  gây ra chứng lú lẫn Alzheimer, ngoài ra còn gây biến đổi  các tế bào để biến đổi chúng thành tế bào ung thư.

 

Nói tóm lại viêm nhiễm mãn tính có thể trở thành nguyên nhân gây nhiều chứng bệnh cho tuổi trung niên và cao niên.

 

Với quan niệm mới mẻ này, y học phải thay đổi thái độ hành xử. Thay vì dùng sự trị liệu cổ điển như trước đây, chẳng hạn như trị các chứng bệnh tai biến tim, Alzheimer, ung thư đại tràng, thì cách điều trị mới sẽ là hạn chế sự viêm nhiễm nhờ đó có thể phòng ngừa được các chứng bệnh nêu trên.

 

Viêm nhiễm mãn tính gây kinh ngạc cho các nhà nghiên cứu  bởi vì một  phương cách trị liệu hữu hiệu của cơ thể nay trở thành tác hại.

 

Bs Peter Libby, trưởng khoa tim mạch tại Bệnh viện Phụ nữ ở Boston giải thích: “Chiến lược này của cơ thể nhằm tạo được sự sống còn cho con người vaò thời kỳ chúng ta  chưa có những nhà máy lọc nước hay hệ thống cống rãnh để bảo vệ môi sinh.” Nay chúng ta đã có một đời sống lâu dài hơn thì chiến lược sử dụng viêm nhiễm đã lọt ra khỏi tầm kiểm soát. Sự việc còn tệ hại hơn khi chúng ta có nếp sống theo kiểu “Tây phương” nghĩa là những khẩu phần dinh dưỡng có quá nhiều đường và chất béo bảo hòa, lại thêm kém vận động khiến cơ thể dễ bị viêm nhiễm hơn.

 

– Đối với  những tai biến về tim, đã từ lâu các chuyên viên cho đấy là vấn đề của “ống nước” (plumbing). Theo ngày tháng những chất mỡ đóng bên trong thành của động mạch vành khiến lưu lượng máu bị hạn chế hay bị tắc nghẽn, gây tai biến tim. Một phân tử chất béo được gọi là LDL (hay chất cholesterol xấu) đã cung cấp vật liệu để gây ra sự tắc nghẽn động mạch. Vì vậy nếu quá nhiều LDL thì dễ bị tai biến tim (đau tim).

 

Thế nhưng cũng có sự tương phản với điều lý giải  trên, vì một nửa số người  bị cơn tai biến tim  lại có số lượng cholesterol bình thường. Chính vì vậy người ta mới cố gắng tìm cho ra một nguyên nhân khác, và nguyên nhân ấy chính là sự viêm nhiễm mãn tính.

 

Theo Bs Ridker (năm 1997) thì viêm nhiễm mãn tính đã bổ túc cho những nguyên nhân khác như cholesterol đóng vào thành mạch, cao huyết áp, nghiện thuốc lá, tất cả góp phần tạo ra các chất cặn bã làm hạn chế tiết diện của động mạch vành rồi làm tắc nghẽn hay vỡ các động mạch ấy.

 

– Đối với bệnh tiểu đường, trước khi Bs Banting phát hiện ra chất Insulin vào thập niên 1920 thì sự trị liệu chủ yếu dùng liều cao dược phẩm Salicylate (một loại như Aspirine). Salicylate làm hạ thấp  đường lượng nhưng gây biến chứng ù tai, nhức đầu, chóng mặt. Ngày nay sự trị liệu tiểu đường được an toàn hơn nhờ sử dụng Insulin. Tuy vậy các nhà nghiên cứu lại bắt đầu tái xét vai trò của Salicylate trong cơ chế chữa trị bệnh. Họ phát hiện có sự liên hệ giữa viêm nhiễm-Insulin-chất béo.

Chất béo này có trong thức ăn hay tồn trữ dưới da của cơ thể. Sự viêm nhiễm có thể là nguyên nhân hoặc là hậu quả của căn bệnh, điều này chưa được xác định rõ ràng.

 

Bs Shoelton thuộc Joslin Diabetes Center ở Boston nhận định rằng, nếu thí nghiệm vỗ béo một  bầy chuột thì  thấy chúng dễ bị viêm. Chuột trở nên kém hữu hiệu khi dùng Insulin và dễ trở thành tiểu đường. Ông nói: “Chúng tôi có thể gây ra hợp chứng tiểu đường  nếu chỉ gây ra sự viêm nhiễm mà thôi.”

 

– Đối với ung thư thì ngay từ năm 1860 khoa học gia Virchow đã có nhận định tế bào ung thư xuất hiện tại nơi có viêm mãn tính. Một thế kỷ sau các nhà nghiên cứu ung bướu đã chú ý đến nhiều loại di thể biến hoán (genetic mutations) đóng vai trò biến cải tế bào thành ung thư.

 

Lại có khoa học gia khác nhận thấy rằng, một phân hóa tố có tên Cyclo-Oxygenase 2 (COX-2) gây ra ung thư đại tràng. Mà COX-2 lại do cơ thể sản xuất  ra khi có  viêm mãn tính. Vì thế trong những năm qua có sự sử dụng Aspirine (chất này ngăn chặn COX-2) để phòng ngừa ung thư đại tràng phát triển.

 

– Đối với bệnh lú lẫn Alzheimer thì có nhận xét rằng: bệnh nhân bị phong thấp hoặc bệnh tim mạch thường sử dụng Aspirine dài hạn sẽ giúp bệnh Alzheimer ít xảy ra với họ. Aspirine cũng là một chất chống viêm do đó đã đóng vai trò bảo vệ các tế bào thần kinh của não bộ.

– Đối với bệnh suyễn thì một câu hỏi gây thắc mắc cho mọi người là tại sao có người mắc bệnh suyễn có người không? Câu trả lời là, không khí chúng ta đang thở hít chung chứa đầy vi trùng, siêu vi, bụi bặm, phấn hoa và các hóa chất gây tác hại. Tại Mỹcó 17 triệu người mắc bệnh suyễn. Họ rất nhạy bén đối với các nguyên nhân như mùi hôi của mèo, phấn hoa, các hóa chất sử dụng trong nhà để gây thành cơn suyễn với sự viêm mãn tính khí quản và phế nang. Nguyên nhân được cho là dị ứng. Sự trị liệu được căn cứ vào sự kiểm soát viêm nhiễm, mặc dầu chẳng trị dứt được căn bệnh.

 

Do vậy các bác sĩ mới lo ngại vì đâu đâu họ cũng thấy viêm nhiễm đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành các bệnh mãn tính. Thế nhưng, với sự hiểu biết mới mẻ này không có nghĩa họ sẽ tìm ra cách để phòng chống. Bs Gailen Marshall thuộc trường y khoa Houston phát biểu rằng: “Chúng ta đưa ra ý kiến để nâng cao kiến thức, nhưng chúng ta chưa thể đề nghị một cách trị liệu chuyên biệt nào cả.”’

 

Hiện tại những lời khuyên thực tế là chỉ có thể dùng những loại thuốc như Aspirine, thuốc hạ cholesterol trong máu như Statins đồng thời cũng có tác dụng chống viêm, thuốc hạ huyết áp như Beta blockers và ACE cũng có công dụng chống sưng. Vận động cơ thể 30 phút mỗi ngày hay ít ra vài ngày trong tuần. Dùng chỉ (floss) để loại bỏ thức ăn dính vào kẽ răng và đánh răng đều đặn để tránh viêm nhiễm nướu răng mãn tính. Dùng thức ăn ít chất béo, tránh mỡ bảo hòa và thịt đỏ (red meat), nên ăn cá, rau quả và dầu thực vật.