Ca-li được mùa biểu tình. Vì cái tên Little Saigon, người Việt ở San Jose quyết chiến đấu tới cùng

21 Tháng Hai, 2008 | Người Việt đó đây

Nay, mặt tiền trụ sở nhật báo Người Việt là nơi có nhiều cuộc biểu tình chống đối nhất ở Quận Cam. Báo này bị biểu tình vì trong số báo xuân năm nay có đăng bài viết kèm minh họa cái chậu rửa chân có vẽ hình lá cờ VNCH. Ông Vũ Ánh, chủ bút tờ Người Việt, một sĩ quan từng bị học tập cải tạo 13 năm, đã viết bài giải thích tại sao ông chọn hình vẽ đó và cuối cùng đã xin lỗi.

 

Công ty Người Việt sau đó cách chức ông Vũ Ánh và ra một thời hạn để những ai muốn trả lại tờ báo Xuân Mậu Tý đã mua, được đem tới trả và lấy lại tiền mua báo. Nhưng tuần qua, tờ báo Người Việt vẫn bị một số người (nghe nói gần 100 người) kéo đến tòa soạn biểu tình. Người biểu tình mang cờ vàng kèm những bích chương có hình ông Vũ Ánh mặt bị gạch chéo.

 

Biểu tình chống tờ Việt Weekly

Chưa hết, những người biểu tình nay còn dựng bản thờ tổ quốc phía trước tòa soạn báo Người Việt để biểu tình. Bàn thờ ngày đêm hương khói với di ảnh của các chiến sĩ và tướng lãnh VNCH tử trận.  Những người biểu tình nói họ sẽ luân phiên biểu tình 24/24 giờ. 

 

Thời gian tờ  Việt Weekly mới bị biểu tình, nhật báo Người Việt và đài phát thanh VNCR của công ty Người Việt  (2) bị tố cáo là ủng hộ và xách động người biểu tình chống Việt Weekly vì “lo sợ Việt Weekly cạnh tranh”.   Tờ Người Việt thời còn chủ nhiệm & chủ bút Đỗ Ngọc Yến đã có công giúp đỡ và hứa dẫn “đàn em” Việt Weekly.

 

Nay báo Người Việt lại cho rằng tờ báo Xuân Mậu Tý đã phát hành cả tháng nhưng chẳng có ai nói gì cho đến lúc có một bài báo đặt vấn đề cái chậu rửa chân có hình lá cờ VNCH.  Không biết tờ báo nào (1) làm cái chuyện “vạch lá tìm sâu” đó, nhưng rõ ràng tờ Người Việt có rất nhiều đối thủ, địch thủ trong làng báo in và lúc này cả trong làng báo điện tử nữa. Người Việt là tờ báo Việt ngữ thành công nhất ở Hoa Kỳ, xét về số lượng phát hành lẫn tài chánh (nghe nói tài sản đã lên tới vài triệu rồi).

 

Năm trước, tờ Người Việt cũng đã phải xin lỗi vì trong số báo Xuân hồi đó có đăng bài thơ của một ông thầy tử vi, bói về vận mạng của

Biểu tình trước tòa soạn Người Việt

 

 Việt Nam, bị coi là ca ngợi và ủng hộ chế độ CSVN. Vì vậy, những người biểu tình cho rằng đây không phải là sự vô ý mà là cố ý. Tờ Việt Weekly bị biểu tình đã hơn 6 tháng, tờ Người Việt mới bị biểu tình chừng một tháng thôi. Với cái đà này, tờ Người Việt còn bị biểu tình dài dài.

 

Đó là chuyện dài Quận Cam nơi bị xem là “chiến trường” của nhiều trận chiến, kể cả chiến tranh giữa những người Mỹ gốc Việt đi vào trận địa công danh…

 

Trong khi đó, mặt trận phía bắc Ca-li trở cũng đã tới hồi quyết liệt.  Mục tiêu để tấn công là người đẹp Madison Nguyễn, cô gái Việt làm nghị viên đầu tiên ở thành phố thung lũng hoa vàng, nơi có đến 100 ngàn người Việt. San Jose được xem là thành phố có nhiều người Việt nhất ngoài Việt Nam.

 

Có đông người thì có tiếng nói mạnh. Bởi vậy mới được hội đồng thành phố San Jose ưu ái dành cho cái vinh dự đặt một tên tượng trưng cho Việt Nam trong khu phố. Khi được thăm dò thì đa số cư dân người Việt nói họ muốn chọn cái tên “Little Saigon”,  một cái tên đã được đặt cho một khu phố của thành phố Westminster thuộc Quận Cam, Nam California.

 

Nhưng không biết “ma đưa lối quỷ dẫn đường” thế nào  mà khi hội đồng họp để biểu quyết, đa số nghị viên lại không chọn cái tên Little Saigon. Trong số này có ông thị trưởng Chuck Reed, một người nổi tiếng thân người Việt Nam và cả bà nghị viên Madison Nguyễn. Điều đáng nói hơn cả chính bà nghị viên gốc Việt này lại không muốn cái tên Little Saigon mà lại vận động các đồng nghiệp chọn cái tên Saigon Bussiness Centre.

 

Thế là có biểu tình ngay. Sự tức giận của buổi ban đầu đã tạo nên một cuộc mít tinh trở thành biểu tình có tới ngàn người dự. Cái ngày khu phố bị hội đồng quyết định đặt tên Saigon Business Centre được gọi là Thứ Ba Đen (Black Tuesday). Và từ đó đến nay, đã gần ba tháng, dù đó là ngày Lễ Giáng Sinh hay Tết, dù mưa dù nắng, vẫn có biểu tình trong Ngày Thứ Ba Đen dù chỉ với vài chục hay chừng trăm người.

 

Các vụ biểu tình, chống đối và đòi kiện tụng hội đồng thành phố, đòi bỏ phiếu cách chức nghị viên Madison Nguyễn được một vài khuôn mặt hoạt đầu chính trị ở Bắc Ca-li hết mình ủng hộ.

 

Việc đòi đặt cho được cái tên Little Saigon trở thành “chính nghĩa”, bởi nhiều lý do.

Little Saigon đã trở thành một cái tên thân thương của người Việt tị nạn cộng sản. Cái tên Little Saigon là biểu tượng, khẳng định lập trường của người Việt quốc gia, người Việt chống cộng. Không chọn cái tên Little Saigon là hội đồng thành phố đã coi thường người Việt sau khi đã hỏi ý kiến của họ. Việc bỏ phiếu và thủ tục tiến hành bỏ phiếu bị xem là không có dân chủ, vi phạm luật v.v… và v.v… Và không thể bỏ qua một thực tế khác, đó là sự tranh giành quyền lực giữa những người làm chính trị gốc Việt và những người Mỹ chính mạch muốn kiếm lá phiếu của người Việt.

 

Vì thế trận chiến ở vùng thung lũng hoa vàng còn hứa hẹn nhiều chuyện bất ngờ.

Tại Mỹ đã có những ý kiến khác với những người biểu tình. Chẳng hạn ý kiến trong tờ báo Người Dân ở Nam Ca-li, một tờ báo được coi là chống cộng cực mạnh, xét về bài vở đăng trong báo. Nhưng tờ này mới đây có đặt dấu hỏi tại sao người Việt ở Mỹ cứ đi biểu tình với chuyện đâu đâu như đòi cho được cái tên Little Saigon. Tại sao không thể là Saigon District Centre?

 

Lý Tống và 3 cụ cao niên tuyên bố tuyệt thực vô hạn định

Bài viết cho rằng Little Saigon, Tiểu Sài Gòn hay Sài Gòn Nhỏ nghe yếu quá! Tại sao không là Great Saigon vì cha ông mình ngày xưa khoái chữ đại, nên đặt tên nước thì đã đặt Đại Cồ Việt, Đại Nam… Mà nói cho cùng, ở Quận Cam, khi muốn tới thủ đô của người tị nạn người ta không nói “đi Little Saigon” mà vẫn nói “đi Bôn-sa”.

Và nếu chuyện gì cũng biểu tình, thì theo bài báo trên tờ Người Dân, người Mỹ nghĩ sao về người Việt Nam mình?

 

Nhưng Mỹ là xứ dân chủ. Và “chuyện gì cũng có thể xảy ra ở Mỹ” như người ta thường nói.

 

Tin gần đây nhất là  cho Thị Trưởng Chuck Reed và nữ Nghị Viên Madison Nguyễn đã thay đổi lập trường trong vấn đề đặt tên cho khu phố thương mại của người Việt Nam (3).  Ông thị trưởng và bà nghị viên đề nghị đưa vấn đề này lên lá phiếu, để cho tất cả cử tri tại thành phố San Jose được bỏ phiếu cho tên gọi “Little Saigon.”

Sự thay đổi lập trường của hai viên chức này, cho thấy sự nhượng bộ trước áp lực chính trị của phía ủng hộ tên gọi “Little Saigon.” Trước đây ông Reed và bà Madison Nguyễn đều nói rằng họ không thể thương lượng về nghị quyết từng được hội đồng chấp thuận vào tháng 11  năm ngoái. 

 

Nhưng ra vẻ phía  ủng hộ  “Little Saigon” không chịu sự nhượng bộ này. Họ vẫn biểu tình  và lần này có sự nhập cuộc của ông Lý Tống, một người nổi tiếng chống cộng trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, từng có những hành động được nhiều người coi là người hùng.

 

Lý Tống và các cụ Nguyễn Thông (77 tuổi), cụ Nguyễn Ruộng và ông Lương Văn Ngọ, chủ tịch Tập Thể Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng Tây Bắc Hoa Kỳ tuyên bố tuyệt thực vô hạn định. Cuộc tuyệt thực đã bắt đầu từ hôm 15.2.08.

———-

(1) Theo báo Việt Weekly, người viết bài tấn công tờ Người Việt là nhà văn Bùi Bảo Trúc và bài viết xuất hiện trên tờ Viet Tide

(2) Tờ Người Việt tuần qua cho cải chính tin công ty Người Việt làm chủ nhật báo Người Việt và đài phát thanh VNCR, nói rằng hai cơ quan truyền thông này đã tách rời nhau từ năm 2006 và có các hội đồng quản trị riêng.

(3) Bài trên đây trích lại một đoạn đầu trong tờ TVTS báo in số 1143 xuất bản ngày 20.2.08 tại Úc Châu có tựa “Vì cái tên, người Việt ở San Jose quyết chiến đấu tới cùng. Nghị viên Madison Nguyễn đã có bước nhượng bộ”.