Một cộng đồng chia rẽ vì cái tên Sài Gòn Nhỏ: Cuộc tranh đấu của người Việt dưới mắt người Mỹ

26 Tháng Ba, 2008 | Người Việt đó đây

 

Hệ quả của cuộc đối đầu kéo dài quá lâu đó với những diễn biến như trong một vở kịch chưa biết sẽ ra sao, dù nay mai con đường đó sẽ có cái bảng hay cái cổng chào với giòng chữ “Welcome to Little Saigon”. Hân hoan chào đón quý vị tới Tiểu Sàigòn?  Hy vọng du khách sẽ không nhớ hay không biết đến một cuộc đối đầu để có được cái giòng chữ đó dựng ở lề đường.

 

Báo chí Việt ngữ đã đưa tin liên tục về các vụ biểu tình nhỏ lớn và chuyện ông Lý Tống tuyệt thực. Nhưng có lẽ chúng ta cũng nên biết cộng đồng chính mạch, qua những tờ báo lớn như San Jose Mercury News đã nghĩ gì về cuộc tranh đấu đòi tên Little Saigon đó.

 

Sau khi có hàng ngàn người biểu tình trong ngày Chủ nhật 2.3.08 trước Tòa Thị Chính San Jose, tờ Mercury News số ra ngày 4.3.08 có bài xã luận, xin được chuyển ngữ nguyên văn như sau:

 

Hãy chấm dứt cuộc tranh chấp và gật đầu cho Little Saigon”

 

Đủ rồi. Hãy gọi nó là “Little Saigon đi”.

 

Cuộc xung đột kéo dài hàng tháng về cái tên khu thương mại Story Road đang làm tiêu hao San Jose vì phải đối đầu với những thử thách nghiêm trọng, bao gồm cả một sự thâm thủng ngân sách nặng nề.  Chuyện này không những chỉ gây tổn hại cho hình ảnh của thành phố mà còn cho cả hình ảnh của cộng đồng Mỹ-Việt nữa, trong đó những chiến thuật rất quá khích của họ – tuyệt thực, những cáo buộc lạ lùng về ảnh hưởng của cộng sản—là những gì mà người ta sẽ ghi nhớ.

 

Thị trưởng Chuck Reed nói chuyện với Lý Tống tại lều tuyệt thực (Hình Việt Báo)

Vì những chiến thuật đó, và vì sự ủng hộ cái tên “Little Saigon” ít đồng nhất giữa người Mỹ gốc Việt, nên phần lớn hội đồng thành phố đã chống lại với áp lực. Nhưng có một sự ủng hộ mạnh mẽ và sâu xa cho “Little Saigon”. Đã đến lúc đặt một câu hỏi căn bản: Việc đặt cái tên có gây tác hại hơn là để cho sự xung đột lố bịch này tiếp tục kéo dài? Sẽ không có hại.

 

Tối hôm nay, ít lắm thì  hội đồng sẽ hủy bỏ một cuộc bỏ phiếu trước đây chọn cái tên Saigon Business District. Đó là điều quan trọng vì một cuộc phỏng vấn trên truyền hình với Nghị viên Forrest Williams tháng vừa qua cho thấy có vẻ cuộc bỏ quyết đó đã được sắp xếp trước.

 

Thị trưởng Chuck Reed và Nghị viên Madison Nguyễn đề nghị hội đồng nay hãy rút lại và đưa ra một thủ tục rõ ràng để đặt tên cho các khu thương mại, bao gồm cả khu này. Sự thiếu trong sáng trong năm ngoái đã dẫn đến thảm trạng này, với những người tranh đấu cho “Little Saigon” nay tự nhận là họ bị từ chối “nền dân chủ”.

 

Cần làm theo nguyên tắc. Và ý kiến tạm hoãn một thời gian (cooling-off period) được coi là dễ hiểu, hay sẽ như thế, nếu nguyên tắc thông thường được áp dụng trong vụ tranh cãi này. Nhưng chúng tôi không chắc sẽ có như vậy không.  Nguyễn và Reed trước đây đã đưa ra những đề nghị thỏa hiệp họ nghĩ sẽ xoa dịu những người tranh đấu, và họ đã sai.

 

Một vài trận chiến đáng chiến đấu trên nguyên tắc dù có tốn hao bao nhiêu đi nữa. Còn cái tên của một khu thương mại trải dài một dặm? Chẳng đáng bao nhiêu. Ông thị trưởng và hội đồng thành phố cần dẹp bỏ sự tranh luận này để thành phố có thể tiến lên.  Cách chắc chắn nhất để làm tối nay là chấp thuận cái tên Little Saigon.

 

* * *

Đó là bài bình luận, là tiếng nói chính thức của tờ báo lớn nhất ở thành phố San Jose. Nhưng hội đồng thành phố không thèm nghe. Họ dẹp cái tên  Saigon Business Centre, không bàn thảo cái tên Little Saigon và để cho các thương gia, người dân trong khu Story Road quyết định đặt hay không đặt tên cho khu vực này.

 

Lần trước, khi chọn cái tên Saigon Business, hội đồng thông qua với số phiếu 8/11. Lần này sau mấy giờ thảo luận, qua sự góp ý của một số cư dân, hội đồng quyết định với 7/4 phiếu thông qua đề nghị xù của Nghị viên Sam Liccardo.

 

Ông Licardo đưa ra đề nghị này căn cứ vào việc ông thương gia Lê Văn Hướng đại diện cho 92 thương gia trên con đường Story Road không muốn ai khác bên ngoài áp đặt cái tên lên con đường của họ đang làm ăn và cũng chẳng muốn can dự và chuyện chính trị chính em.

 

Chiến dịch 9 ngày

 

Sau quyết định của hội đồng thành phố vào ngày 4.3.08, Lý Tống chuyển qua chiến thuật tuyệt ẩm. Trước đó ông Lý Tống đã bắt đầu cuộc tuyệt thực từ ngày 15.3.08  và tuyên bố sẽ kéo dài cuộc tuyệt thực cho đến khi nào hội đồng chấp nhận cái tên Little Saigon.  Ông Lý Tống luôn được những người biểu tình tung hô và khuyến khích, coi ông như một vị cứu tinh trong trận chiến với hội đồng thành phố.

 

Nay ông chuyển qua chiến thuật nhịn ăn, một số người thích thú nhưng cũng có người lo ngại cho mạng sống của ông, khuyên ông không

Lý Tống trả lời phóng viên CaliToday khi đang còn tuyệt ẩm (Hình CaliToday

 nên nhịn uống hoặc ngưng tuyệt thực để tranh đấu bằng cách khác.

 

Nhưng Lý Tống là một người bản lĩnh, có sức khỏe và đã có kinh nghiệm chịu đói, chịu khát kể từ thời gian bị tù cộng sản, vượt biên từ bằng đường bộ từ Việt Nam sang Cam Bốt, Thái, Mã Lai và lội bộ đến tận Tân Gia Ba. Chuyến vượt biên đã trở thành một câu chuyện độc đáo được đăng trên tạp chí quốc tế Readers Diggest.

 

Rồi sau đó ông còn làm những việc không ai đủ khả năng hay không dám làm như  ép máy bay Hàng Không Việt Nam bay thấp trên thành phố để thả truyền đơn, nhảy dù xuống Sài gòn và bị bắt, bị giam tù. Ông đúng là một người hùng của thời gian đó. Nhiều người Việt hải ngoại gọi ông là anh hùng. Nhiều ủy ban được lập ra để yểm trợ ông. Một số người đua nhau, giành nhau để được tiếng là người có công yểm trợ ông hoặc bằng miệng, bằng thì giờ hay bằng tiền.

 

Ra tù, ông được đón tiếp ở mọi nơi ông đến nói chuyện. Được chụp hình với ông là niềm hãnh diện đối với một số người. Rồi chỉ thời gian ngắn, ông lại chơi nổi bằng cách bay qua bên nước Cuba để thả truyền đơn chống Fidel Castro. Lần này ông được người Cuba tị nạn cộng sản coi là người hùng.

 

Đến khi Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam, ông lại thuê máy bay nhờ phi công Thái lái ông qua Sàigòn thả truyền đơn. Ông bị bỏ tù vì các cáo buộc không tặc, vi phạm lãnh thổ Thái Lan. Ở trong tù, ông Lý Tống đã tuyệt thực nhiều lần để chống chính quyền Thái trong việc giam giữ ông, bỏ tù ông một cách sai trái. Ngày trở về Mỹ, Lý Tống lại được đón như người hùng, dù không được đông đảo như lần trở về từ nhà tù Việt Nam.

 

Ông Lý Tống đã trở thành con người của tranh đấu. Nơi đâu có đấu tranh là có ông. Chống báo Việt Weekly, có ông. Chống hội đồng thành phố San Jose, cũng có ông luôn.

Lần này Lý Tống dùng khả năng chuyên môn –tuyệt thực và tuyệt ẩm– của ông để giúp đồng hương đối đầu với một chính phủ địa phương của đại cường quốc Hoa Kỳ.  Ông chơi cho Mỹ biết tay.

 

Khoảng hai ngày sau khi hội đồng xù cái tên Saigon Business District và bỏ qua luôn cái tên Little Saigon mà hàng ngàn người biểu tình mấy ngày trước đó đòi cho được, ông Lý Tống chuyển qua tuyệt ẩm. Đây là chiến thuật mà ông Lý Tống tin là sẽ áp lực được hội đồng thành phố vì ông cho rằng dư luận cả nước Mỹ sẽ chú ý nếu ông nhịn khát. Ông Lý Tống tin tngười Mỹ sẽ có phản ứng nếu ông xỉu sau khi thời gian nhịn nước. Hình ảnh ông ốm o, gần kề cái chết vì tranh đấu cho cái tên Little Saigon sẽ đánh động lòng trắc ẩn của một số người Mỹ.

 

Thị trưởng Reed đã xuống lều của Lý Tống thăm và hỏi chuyện, gởi cho Lý Tống cái thư cho rằng ông cũng từng là một sĩ quan không quân của quân lực Mỹ, là người rất mến mộ những việc làm của Lý Tống tranh đấu cho dân chủ ở Việt Nam và mới đây khi Lý Tống từ ngục tù Thái Lan về, ông đã tổ chức buổi lễ chào đón Lý Tống như người hùng. Nhưng Lý Tống vẫn tiếp tục nhịn khát.

 

Vài ngày sau, những người biểu tình và ủng hộ tổ chức đêm thắp nến cầu nguyện cho sức khỏe của Lý Tống, nhưng rồi sức khỏe ông giảm dần. Khoảng sáu ngày sau, phóng viên của nhật báo điện tử CaliToday tới tận nơi để làm cuộc phỏng vấn và đưa lên mạng cho khán thính giả xem. Trong khi phóng viên lo lắng cho sức khỏe của Lý Tống thì ông ta tỉnh bơ, dù nói yếu ớt, không ra hơi vì hai môi dính vào nhau do mất nước. Ông Lý Tống cho biết ông mất đi 30 cân Anh.

 

Phóng viên CaliToday đưa ra ý kiến của đồng hương là ông nên ngưng tuyệt thực tuyệt ẩm để bảo toàn sức khỏe dành cho những cuộc tranh đấu khác sau này nhưng ông Lý Tống gạt ngang, bảo chớ khuyên  ngăn ông vì ông biết ông, lượng được sức chịu đựng của ông. Lý Tống nói ông đã quen nhịn ăn nhịn uống, và chuyện nhịn hôm nay chỉ là chuyện nhỏ, đừng lo.

 

Rồi lại có ý kiến chắc phải nhờ anh ruột của ông  là ông Lê Xuân Nhuận ra khuyên can thì ông Lý Tống lại bác bỏ ngay, cho rằng ông anh đã không chịu làm những điều ông yêu cầu làm, nay lại còn can ngăn gì nữa. Ông Lý Tống thường tỏ ra bực tức mỗi khi có lời khuyên ông nên ngưng tuyệt thực tuyệt ẩm.

 

Ông cho rằng theo kế hoạch ông đã vạch sẵn, công việc của ông sắp thành tựu đến nơi, đừng ai khuyên ngăn gì nữa, vì ông sẽ không chết do nhịn khát mà chỉ sẽ xỉu thôi. Người Mỹ sẽ không để cho ông chết đâu,  họ sẽ có xe cứu thương chờ sẵn chở ông vào bệnh viện ngay khi ông bắt đầu xỉu. Ông Lý Tống dự trù sẽ còn khoảng 4 ngày nữa ông mới xỉu (tức khoảng ngày thứ 10 kể từ khi không còn uống nước) và khi đó hãy kêu gọi đồng bào xuống đường, kéo 10 ngàn, hô hào vài chục ngàn người xuống đường để tỏ cho người Mỹ, hội đồng thành phố thấy cái people power (sức mạnh của quần chúng).

 

Nhưng chỉ hơn một ngày sau, nghĩa là sau khoảng 6 ngày tuyệt ẩm, Lý Tống đã đạt được phần nào cái mục tiêu mà ông đề ra.

 

Công này là của ai?

 

Lý Tống là anh hùng, người hùng, người có tài;  là chàng chơi ngông, chơi lấy tiếng và hơi tốc-kê? Có thể tất cả danh hiệu đó đều đúng phần nào cho chàng trai xứ Huế này.

 

Ông Đỗ Hùng được tiếp đón như ứng viên tổng thống Obama (Hình Việt Báo)

 

Trong thời gian Lý Tống tuyệt thực, đã có những bài chỉ trích nhau trên mạng về việc giành công trạng, và dù kết quả chưa thấy,  đã có một nhân vật Việt Nam bị lên án là đang muốn cướp công của Lý Tống.

 

Nhưng báo Mercury News hôm 13.3.08,  qua bài viết tổng hợp bởi các ký giả Deborah Lohse, Denis C. Thertiault và Mark Gomez,  đã nói rõ công trạng của Lý Tống qua bài báo với tựa đề: Lý Tống chấm dứt tuyệt thực sau khi đã đạt được  cuộc thương lượng về ‘Little Saigon’.

 

Các ký giả mở đầu bài viết như sau:

 

“Báo hiệu chấm dứt một bi kịch làm cho cộng đồng Việt Nam ở San Jose phấn khởi và chiếm ngự chính trường Tòa Thị Sảnh San Jose trong nhiều tháng, các lãnh đạo của thành phố đã thử làm một cuộc thương lượng hôm Thứ Năm với một nhóm người biểu tình quá khích (diehard group of protestors) để cho phép dải đường Story Road sẽ được biết tới như là Little Saigon.

“Quyết định của thành phố chấp thuận một bảng hiệu được tài trợ bởi các tư nhân đã chấm dứt cuộc tuyệt thực kéo dài một tháng trời bởi nhà tranh đấu Lý Tống, người mà mấy tiếng đồng hồ sau đã được chở vào bệnh viện vì có vẻ bị ngất xỉu”.

 

Theo các ký giả,  ván bài tuyệt thực của Lý Tống ở cái lều dựng trước Tòa Thị Chính  đẩy sự tranh luận về cái tên “Little Saigon” thêm một bước và tạo sự căng thẳng hơn là chỉ những cuộc biểu tình thường ngày”.

 

Một phát ngôn viên của nhóm biểu tình và Thị trưởng Reed hy vọng sự việc sẽ chấm dứt tại đây và mọi người sẽ sống trong hòa hợp, mang lại hòa bình cho thành phố. Nhưng theo các nhà báo thì chưa biết ước mong như thế có trở thành hiện thực không vì một trong những người ủng hộ “Little Saigon” hăng hái nhất vẫn tiếp tục đòi truất phế (recall) bà Nghị viên Madison Nguyễn và một vài quan sát viên đặt câu hỏi liệu khả năng lãnh đạo của ông Reed có bị tổn hại bởi cuộc tranh luận kéo quá dài này không.

 

Tờ thỏa thuận kêu gọi chấm dứt biểu tình, cho phép dựng một cái bảng hiệu tạm thời trong 3 năm trên đường Story Road, không quy định ngôn ngữ trên bảng hiệu, có nghĩa là hội đồng cho phép nhưng hội đồng không ủng hộ cái tên “Little Saigon” nhưng những người biểu tình nói bảng hiệu sẽ có những giòng chữ đó.  Tờ thỏa thuận kêu gọi tạo một tiến trình do cộng đồng địa phương thực hiện để chọn một cái tên vĩnh viễn cho khu bán lẻ có rất nhiều người  Việt đó. 

 

Sự thỏa thuận này có được, theo các ký giả của Mercury News, là do Thị  trưởng Reed và Nghị viên Liccardo,  khi họ được một người Việt làm nghề địa ốc đứng ra làm trung gian. Ông Michael Lưu, một người ủng hộ cái tên Little Saigon, đề nghị cộng đồng Việt Nam sẽ tự vận động gây quỹ để dựng bảng hiệu và nghe đâu ông đã được các mạnh thường quân hứa sẽ hỗ trợ khoảng một trăm ngàn đô la. Thật ra, ý kiến này đã được Phó Thị trưởng Dave Cortese đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái nhưng không được chấp nhận.

 

Lần này, nghe đề nghị như thế cả ông Reed, ông Cortese và bà Madison Nguyễn chụp lấy ngay. Và để cho bà Madison lánh mặt, họ gặp các lãnh tụ Việt Nam cùng có ý kiến như vậy để bàn thảo. Đến tối Thứ Tư, các lãnh tụ Việt Nam đóng vai trò con thoi lên văn phòng hội đồng và xuống lều của ông Lý Tống để bàn thảo với ông ta. Báo chí điện tử Việt ngữ loan tin sắp có thỏa hiệp và có tên Little Saigon, rằng “ta sắp thắng” đến nơi.

 

Đến chiều Thứ Năm, 6 lãnh tụ Việt Nam ký bản thỏa thuận trong đó có hai lãnh tụ hội đoàn ở bắc California là ông Tiến Nguyễn và Dân Hoàng, là những người thường bất đồng ý kiến với nhau. Ông Hùng Đỗ, một trong những người thành lập phong trào Cử Tri San Jose Tranh Đấu Cho Dân chủ đã được những người ủng hộ đón tiếp như ứng viên tổng thống Barack Obama, và khi ông nói thường bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay, tiếng la ó vui mừng.

 

Một số người nhận định sự nghiệp chính trị của nghị viên người Việt duy nhất trong hội đồng sẽ tiêu tan. Ông Thomas Nguyễn, người trong nhóm ông Hùng Đỗ, tuyên bố phong  trào của ông sẽ tiếp tục việc truất phế bà Madison Nguyễn “vì đó là tiếng nói của cộng đồng”.

 

Các ký giả hỏi Thị trưởng Reed  liệu vụ này có tạo tiền lệ để rồi các nhóm khác sẽ dùng chiến thuật tuyệt thực để đạt mục tiêu của họ không, ông Reed  nói không biết mai kia có xảy ra không nhưng ông hy vọng là không.

 

Qua ngày 14.3.08, ký giả Scott Herhold của tờ Mercury News có một bài viết với tựa “Cuối cùng mớ bòng bong Saigon đã kết thúc, ít ra là lúc này”. Ký giả này viết tiếp:

 

“Đó là một ngày khi các đầu óc bình tĩnh thắng thế, một ngày khi các máy thổi sương mù ngoài Tòa Thị Chính có thể ngừng đôi phút để tôn vinh. Đó là ngày khi ba ly nước chanh và một tô phở báo hiệu chiến thắng. Đó là, có thể thôi, sự chấm dứt cơn ác mộng lâu dài của San Jose.

 

“Khi Lý Tống bước vào chiếc xe Toyota Avalon và lái đi sau khi  đã chấm dứt cuộc tuyệt thực của ông ta,  các nhà tranh đấu cho “Little

Lý Tống trong tiệm Phở (Hình Việt Báo)

Saigon” của ông ta có thể tuyên bố họ thắng trong cuộc chiến với Tòa Thị Chính về việc đặt cho dải  đường Story Road cái tên như thế nào.

 

“Quan trọng hơn nữa, tất cả chúng ta có thể tuyên bố sự sáng suốt đã chiến thắng. Sự phác họa một cuộc thương lượng –ngân quỹ tự túc và bảng hiệu vắn tắt “Little Saigon”—quá tế nhị khiến người ta phải thắc mắc tại sao nó phải kéo lâu dài như thế.

 

“Đây là một cuộc chiến đấu xem ra tầm thường đối với những ai không thật sự  hiểu cộng đồng Mỹ gốc Việt. “Little Saigon” là tiếng gọi đoàn kết lại những ai cảm thấy bị đàn áp bởi chế độ cộng sản ở Việt Nam, một niềm hãnh diện ở Hoa Kỳ.

 

“Những người của “Little Saigon” có thô lỗ (rude) và quá độ (intemperate) khi đưa ra quan điểm của họ không? Có. Việc sử dụng tuyệt thực có thể tạo một tiền lệ xấu không? Vâng, có thể, nhưng thật khó tưởng tượng thấy một ông trùm xây cất hay một lãnh tụ nghiệp đoàn ăn chay (fasting) trước mặt Tòa Thị Chính (đớp hít, vâng; ăn chay, không bao giờ)”. Nhà báo Mỹ này có ý ám chỉ khi người Mỹ tổ chức biểu tình, họ thường kèm barbecue, nướng xúc xích để thu hút người biểu tình.

 

Nhà báo Scott Herhold đưa ra một sự kiện khác khiến việc thương thảo đã được tiến hành nhanh chóng đó  là khi hội đồng họp vào ngày 4.3.08, Nghị viên Liccardo đệ trình một kiến nghị được cho là thỉnh nguyện thư ký bởi 92 thương gia chống “Little Saigon”. Nhưng vài ngày sau, người ta biết rõ không phải tất cả 92 chữ ký đó thật sự là quan điểm của những người ký.  Nghị viên Liccardo nói có vẻ tài liệu này là một sự mạo danh ở mức nào đó và người ủng hộ “Litttle Saigon” gọi đấy là trò bịp.

 

Với phát hiện này, Nghị viên Liccardo khẩn cấp đi gặp các lãnh tụ của phía “Little Saigon” và sau đó họ trở lại ý kiến đã được đề nghị trước đây: Làm cái bảng “Little Saigon” khiêm tốn, tư nhân đóng góp làm và thành phố không chính thức ủng hộ hay dính dáng vào.

 

Theo ký giả Scott Herhold, Thị trưởng Reed sẵn sàng thỏa hiệp, Nghị viên Madison Nguyễn vắng mặt trong hầu hết các buổi họp đó, nhưng theo yêu cầu của văn phòng thị trưởng, tên của bà nghị viên Việt Nam được ghi vào trong biên bản ngày Thứ Năm đó.

 

Nhà báo của tờ  Mercury News nhận định sau vụ này Nghị viên Madison Nguyễn bị lu mờ, Nghị viên Liccardo lên hương với lời đồ đoán bấy lâu ông sẽ là thị trưởng tương lai. Thị trưởng Reed bị thiệt hại nhưng vẫn sống sót.

 

Vụ đặt tên cho con đường Story Road ban đầu tưởng là để vinh danh người Việt đã đóng góp vào sự hưng thịnh của dãy phố này với sự ủng hộ và trợ giúp về mặt tài chánh của thành phố, nhưng sau lại trở thành một cuộc kình chống, chụp mũ, bôi bác nhau giữa hai phe;  giữa những nghị viên trong hội đồng; giữa người Việt và hội đồng; và giữa người Việt và người Việt, thậm chí còn nghe những tố cáo hù dọa nhau giữa các lãnh tụ người Việt!

Bởi vậy báo chí Mỹ mới phê bình cả hai phía,  gọi đấy là một vở kịch, một ác mộng, một trò cười.

 

Thị trưởng Chuck Reed nhìn Lý Tống ký vào bản thỏa thuận (Hình Việt Báo)

 

Không phải những ai sống ở Quận Cam khi tới khu phố Phúc Lộc Thọ ở Westminster đều nói rằng họ tới Little Saigon. Đa số đều nói tới Bôn-xa (do tên con đường Bolsa), đi chợ Bôn-xa. Giới báo chí Mít-tộc khi nói về Sài Gòn Nhỏ ở Quận Cam đều gọi đó là Bôn-xa, như máu đổ Bôn-xa, chuyện dài Bôn-xa, chiến trường Bôn-xa hay chính phủ Bôn-xa.

 

Vụ tranh đấu đòi tên Little Saigon có vẻ chưa xong đâu, vì còn nhiều lắt léo của chữ nghĩa trong bản thỏa thuận và nhất là luật lệ của thành phố San Jose.

 

Và cuối cùng, vụ tranh đấu ở San Jose không hẳn chỉ vì cái tên Little Saigon mà thôi. Còn nhiều chuyện bên trong mà người ta sẽ từ từ được nghe.

 

Nên chăng, đặt tên con đường Story Road là Con Đường Lắm Chuyện?

 

(Trích TVTS số 1147 –  phát hành ngày 19.3.08)