Thực tập sinh người Việt bị trục xuất vì xin nghỉ phép về cưới vợ

09 Tháng Tư, 2018 | Người Việt đó đây
Bên trong một nhà máy tại Nhật Bản. Photo Courtesy: Financial Tribune

Một thực tập sinh người Việt ở Nhật Bản bị buộc phải về nước mà không hề được thông báo trước sau khi nộp đơn xin nghỉ phép hưởng lương để lập gia đình.

Tờ Japan Today ngày 8.4 đưa tin chàng trai 27 tuổi người Việt Nam đang làm việc tại công ty chế biến hải sản ở Yokohama chưa đầy 1 năm đã bị cưỡng chế về nước hôm 6.2 mà không hề được thông báo trước.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Kyodo News tại Vinh, thực tập sinh cho biết, 4 nhân viên của công ty Boso tới nhà anh vào lúc 5 giờ sáng khi anh đang ngủ. Sau khi gói ghém đồ đạc, họ chở anh tới văn phòng địa phương nộp giấy tờ và sau đó đưa anh lên máy bay về Việt Nam. Họ giải thích lý do cho hành động này là vì anh “đòi hỏi quá nhiều”.

Được biết, chàng thanh niên người Việt này quê ở thành phố Vinh, Nghệ An. Anh chia sẻ trên tờ Kyodo News: “Tâm trí tôi biến mất và thân thể tôi bắt đầu run lên. Tôi chẳng thể làm được gì”.

Khi người vợ sắp cưới của anh gửi đơn phản đối hãng quản lý lao động Boso, một thông dịch viên người Việt của công ty trả lời qua tin nhắn rằng xin nghỉ hưởng lương là hành vi “không phù hợp” đối với một thực tập sinh.

Theo Kyodo, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành chương trình thực tập dành cho người lao động nước ngoài từ năm 1993 với mục đích chuyển giao công nghệ cho các nước khác. Tuy nhiên kế hoạch này bị chỉ trích nặng nề vì bị cho rằng đây là một hàng động che đậy cho hành vi nhập khẩu lao động giá rẻ.

Liên đoàn công nhân Zentouitsu cho biết Công ty quản lý lao động Boso và công ty chế biến hải sản từ chối bình luận về vụ việc.

Luật sư Shoichi Ibusuki, luật sư chuyên về các trường hợp trong chương trình lao động tập sự cho biết có nhiều vấn đề trong chương trình này.

Ông Shoichi Ibusuki cho biết: “Các lao động thường vay mượn số tiền rất lớn để chi trả cho chuyến đi đến Nhật Bản. Các cơ quan giám sát và tuyển dụng đều có quyền lực rất lớn, tạo ra một mối quan hệ phụ thuộc như nô lệ”.

Ông Ibusuki nói thêm những trường hợp trục xuất như thế này có thể coi là phạm tội như xâm nhập bất hợp pháp, bắt cóc hoặc thậm chí là bắt cóc vì lợi nhuận.