Tổng Thống Bush không quản công sức tạo ra nhiều vấn đề lớn nhưng… thiếu phần kết thúc. Và bây giờ TT Bush không quản công sức “xuất chinh” lo tìm sự kết thúc

07 Tháng Hai, 2008 | Người Việt đó đây

Tác giả: Nguyễn Tú

Ký giả Nguyễn Tú trong chuyến Úc du ba tuần lễ vào tháng 9  năm 2002. Sau lưng là các cao ốc của thành phố Melbourne

 

Trong cuộc đời hàng ngày mưu sự tồn tại, thiển nghĩ không có gì mạnh bằng sự thúc đẩy của thời gian. Tổng Thống Bush đang nắm trong tay vận mệnh của Hoa Kỳ và thế giới, thấu rõ sự đòi hỏi khắc nghiệt đó của thời gian hơn ai hết.

 

Nếu lấy ngày mồng 8 tháng Giêng (năm nay, 2008) làm mốc số 1 và cũng là ngày ông Bush xuất chinh lo tìm một giải pháp tạo dựng được sự ổn định toàn cầu, cho tới lúc ông vĩnh biệt Dinh Bạch Ốc vào ngày 20 tháng Giêng năm 2009, thì ông tổng thống chỉ còn cầm quyền đúng 379 ngày.

 

Đúng 379 ngày định mệnh!

 

Do bản tính cương nghị có thừa, chắc chắn ông tổng thống không cất lời mượn câu thơ của một thi sĩ Pháp để than với thời gian: “Oh temps, suspend ton vol! (Ôi, thời gian, mi hãy ngừng bay…) Dĩ nhiên là không có lời than này vì ông Bush đâu có biết tiếng Pháp!

Nhưng ông tổng thống đã cùng với Đệ Nhất Phu Nhân Laura, lên máy bay Không Lực I, trực chỉ vùng Trung Đông trong một chuyến viễn du thăm 7 nước Do Thái, Kuwait, Bahrain, Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ả Rập Xê Út và Ai Cập.

 

* * *

Chuyến viễn du này của Tổng Thống Bush có một “số phận” khá đặc biệt. Thông thường, ai cũng hiểu một công du nhiều ngày qua một lúc 7 quốc gia, tất đã phải được tổ chức cẩn thận trong nhiều ngày, nhất là trước ngày 27 tháng 12 năm ngoái (2007) là ngày bà Benazir Bhutto bị thảm sát. Vụ thảm sát này, theo giới quan sát ở Hoa Thịnh Đốn, làm nổi bật tính quan trọng của cuộc viễn du tới vùng Trung Đông khởi sự ngày mồng Tám tháng Giêng năm nay (2008).

 

Hôm Chủ Nhật mồng 6 tháng Giêng, tức hai ngày trước khi Tổng Thống Bush bắt đầu cuộc viễn du, tại Vịnh Ba Tư, 5 chiếc tàu tuần thám nhỏ của Hải Quân Iran đã phóng nhanh lao tới 3 chiến hạm của Hoa Kỳ, từ cầu tầu USS Hopper, một thủy thủ đã quay được một đoạn phim lâu 4 phút video và được Bộ Quốc Phòng gửi ngay đến Dinh Bạch Ốc. Và đương nhiên ông Tổng Thống Bush đã coi.

 

Thế nên hôm mồng 8 tháng Giêng, trước khi lên máy bay đi Trung Đông, Tổng Thống Bush đã họp báo tại Vườn Hồng. Ông nói với giới truyền thông:

“Đấy là một trường hợp nguy hiểm. Đáng lý họ không nên làm như thế, ngắn gọn và giản dị, có vậy. Tôi không rõ họ nghĩ thế nào, nhưng tôi có thể nói điều tôi nghĩ: tôi cho rằng đây là một hành động khiêu khích”. Vô hình chung, vụ tàu Iran đã tăng thêm tầm quan trọng trong chuyến đi của Tổng Thống Bush.

 

Ông tổng thống còn cho biết một trong 3 vấn đề của cuộc công du Trung Đông sẽ là mối đe dọa của Iran, đặc biệt là Iran không tuân hành hai nghị quyết của Liên Hiệp Quốc theo đó Iran phải đình chỉ việc làm giàu chất Uranium. Ông tổng thống cũng nói ông sẽ nhắc nhở các đồng minh rằng “Iran trước kia đã là một đe dọa, bây giờ vẫn là một đe dọa và luôn luôn  tiếp tục là một đe dọa nếu họ được học cách làm giàu chất Uranium.”

 

Hôm mồng 8 Tổng Thống Bush cũng đã thảo luận 3 vấn đề Iran, Iraq và nạn khủng bố với ông Abdullah Gul, tân Tổng Thống nước Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Mục đích cuộc gặp gỡ giữa hai tổng thống là để xiết chặt mối quan hệ đã lâm vào tình trạng căng thẳng do Hoa Kỳ xâm lăng Iraq và Ủy Ban Đối Ngoại của Hạ Viện Hoa Kỳ coi việc Đế Quốc Ottoman đã phạm tội “diệt chủng” với dân Armenian từ thế kỷ trước.

 

Cùng họp báo với Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Gul, Tổng Thống Bush ca tụng Thổ Nhĩ Kỳ, một nước theo Đạo Hồi duy nhất là thành viên Tổ Chức Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương, là một “cái cầu có tính xâydựng” giữa Đông và Tây và, theo ông Bush, khối Liên Âu sẽ được lợi nếu thu nhận Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên mới của Liên Âu.

 

Tổng Thống Bush nói:

“Thổ Nhĩ Kỳ là một gương sáng vô vùng to lớn cho các quốc gia khác trên thế giới nhận thấy rõ ở đâu có thể có một  nước dân chủ chung sống với một tôn giáo lớn như Hồi Giáo và đó là điều quan trọng.”

 

Hai thủ đô Hoa Thịnh Đốn và Ankara đã gia tăng sự hợp tác chống khủng bố trong suốt tháng trước do Hoa Kỳ đã cung cấp nhiều tin tình báo về các căn cứ hoạt động của đảng Lao Động Vurdistan (PKK) tại Bắc Iraq. Đảng PKK đang mưu cầu nền tự chủ hoặc độc lập ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ,  đang là mối đe dọa lớn cho nền an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Hôm qua Tổng Thống Bush cũng đã thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng sự phát triển kinh tế tại vùng tranh chấp và cố gắng đưa ra một giải pháp chính trị rộng rãi hơn.

 

Cũng hôm qua Tổng Thống Bush đã họp với nhóm an ninh quốc gia của ông và những thành viên của các toán tái thiết lâm thời (Provisional Recreatruction Teams =PRT) của Iraq để đánh giá cái mà ông tổng thống gọi là “Tăng viện dân sự” (civilian surge) nhằm mục đích nhanh chóng phát triển 18 tỉnh ở Iraq. Tổng Thống Bush cho biết nhân dân Iraq đã bắt đầu thấy có tiến bộ về chính trị và kinh tế cùng với nhịp độ an ninh gia tăng.

 

Từ 10 toán PRT cách đây một năm khi Tổng Thống Bush tăng viện quân sự và nhân viên ngoại giao, bây giờ đã có tới 24 toán được gắn liền với các đơn vị quân sự.

Tại Bắc tỉnh Kirkuk, toán PRT địa phương đã môi giới được sự thương thảo đưa được những người thuộc giáo phái Sunni trở lại hội đồng hàng tỉnh sau một năm tẩy chay.

Tại Nam Najaf, một toán PRT khác đã làm việc với chính phủ địa phương xây dựng một phi cảng hiện đại để giúp những cuộc hành hương tới thánh địa Shiite này được dễ dàng.

 

Hôm mồng 8 tháng Giêng, Tổng Thống Bush cũng đã đàm luận với Thủ Tướng Iraq Narri al Maliki.

 

Trong buổi họp báo được trực tiếp truyền hình, ông Bush đã nói thêm với giới truyền thông: “Còn nhiều việc phải làm nhưng cuộc hội đàm “với Thủ Tướng Mahki qua hệ thống video conference có nhiều triển vọng”.

 

* * *

 

Chắc còn phải đợi qua tuần lễ này, Tổng Thống Bush mới trở về Hoa Thịnh Đốn.

Lúc đó mới có thể biết rõ kết quả cuộc viễn du mưu tìm sự kết thúc cho những vấn đề lớn mà Tổng Thống Bush đã tạo ra cho Hoa Kỳ và thế giới suốt 8 năm trời nay mang danh hiệu “Triều Đại George W.Bush”

Nguyễn Tú   09.01.08