Hỏi và giải đáp 10: “Một căn nhà xây – hai trái tim chì”

19 Tháng Hai, 2008 | Uncategorized

Sau đây Thanh Lan xin trích đang nguyên văn lá thư của bạn S.

 

Kính gởi Lão Ngoan Đồng và chị Thanh Lan,

Tôi theo dõi thường xuyên mục Tâm Tình Bạn Đọc của Tivi Tuần San do hai vị phụ trách; rất đồng ý với những ý kiến giúp đỡ cho các bạn trẻ về các thắc mắc tình cảm riêng tư; tuy nhiên tôi vẫn chờ đợi một thắc mắc của chính tôi và thiết nghĩ cũng của nhiều gia đình Việt Nam tại xứ Uc này để tìm được một hướng giải quyết, nhưng chờ đợi mãi không thấy nên đành mạo muội viết bức thư này.

 

Thắc mắc của tôi không phải về tình cảm cá nhân mà là hạnh phúc của gia đình, tôi thì đã xấp xỉ bốn mươi, một vợ ba con, nhà cửa đã có, công việc tạm thời ổn định.

 

Tôi đã đến Uc được 6 năm, trước đây khi chưa mua nhà thì hạnh phúc gia đình rất là đầm ấm. Nhưng sau khi mua vì phải lo trả tiền nhà nên tôi phải cày overtime tối đa, không bỏ ngày nào. Vợ tôi phải bận nhận hàng may cũng tối đa. Bận xoay tít với công việc cả tuần lễ, hàng ngày chỉ có một ngày chủ nhật là tương đối còn gần gũi nhau nhưng lại bận chợ búa, việc nhà, vì thế mà không còn thì giờ để có thể tâm tình ân ái.

 

Hễ tôi thúc vợ tôi đi ngủ sớm thì lại bị từ chối: “hàng may gấp quá, để em may ráng cho xong, giao đúng hẹn”. Khi may xong việc thì đã tới 2, 3 giờ sáng. Khi vợ tôi xong việc thì tôi lại sắp sửa thức chuẩn bị đi làm, làm từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối. Tình trạng như vậy cứ kéo dài ngày này sang ngày khác và cả vợ lẫn chồng đều “ấm ức” trong lòng. Cuộc sống tâm lý và sinh lý không phù hợp, nên thường dẫn đến việc hay nổi cộc trong xưởng làm cũng như ở nhà với con cái.

 

Theo tôi, tôi nhận thấy không thể để tình trạng này kéo dài vì mình đã quá nửa đời người, phải hưởng cái hạnh phúc trong lúc mình còn đủ sức lực, chứ cứ lo đến tiền bạc đến khi tiền đầy túi thì lại quá già, sợ đi còn chưa vững nói chi đến chuyện khác. Tôi muốn vợ tôi bán máy may hoặc bán luôn nhà để khỏi phải quá bận tâm, nhưng thấy điều nào cũng khó xử quá. Vì vậy mà mượn thơ nay xin ý kiến của hai vị, nam có, nữ có, thử tìm cho tôi một lối thoát dung hòa.

 

Xin trân thành cám ơn hai vị trước. Cầu chúc hai vị luôn luôn dồi dào sức khỏe để phục vụ hữu hiệu cho độc giả của Tivi Tuần San.

Thân chào,

Lê Văn S. (Clayton)

 

Ý kiến của Lão Ngoan Đồng:

 

Bạn đọc thân mến,

Vì lá thư kỳ này của một độc giả “đực rựa”, hơn nữa Thanh Lan muốn “kính lão đắc thọ” nên nhường cho lão góp ý kiến trước. Thú thực với bạn S. và độc giả của Tivi Tuần San, cho đến giờ này lão vẫn chưa có được căn nhà mà vẫn còn ở đậu Flat nhà nước, tuy nhiên con cái thì đứa cũng có đứa tậu được, bạn bè thì đa số cũng đã trải qua ải này nên lão cũng “nghiên cứu” qua các hoàn cảnh cá nhân đó để có một số ý kiến với một ông chủ nhà “chán đời” như bạn Lê Văn S.

 

Người Việt Nam ta có câu “an cư lạc nghiệp”, có nghĩa là phải lo có ăn, nhà trước rồi mới yên trí mà làm ăn. Ngày xưa thì các cụ thường lo lắng để làm sao khi chết đi thì để lại cho con cháu một căn nhà, giàu thì nhà ngói, tường gạch, nghèo thì nhà tranh vách đất. Nhưng nay đã qua đến xứ Úc này thì trừ một vài trường hợp đặc biệt, còn đại đa số chúng ta thì thân ai người ấy lo, sự giúp đỡ của cha mẹ, anh em nếu có cũng không đáng kể. Do đó vợ chồng trẻ vừa lấy nhau xong là nghĩ ngay đến căn nhà, họ lo làm ăn, dành dụm để cố mua cho được một căn nhà, nếu cần đến lúc đó có con vẫn chưa muộn! Khách quan mà nói những đôi bạn trẻ đó biết lo xa, rất đáng khen.

 

Nhưng trường hợp của bạn S. và của đa số những người mà lão quen biết thì lại khác, trước năm 1975 thì không là công chức cũng quân nhân, sau khi Việt Cộng chiếm miền Nam thì không bị đi cải tạo cũng lận đận long đong suốt mấy năm trời. Có nghĩa là khi đặt chân đến Úc thì nửa đời người đã qua đi mà vẫn hai bàn tay trắng (nói theo kiểu Thày Chạy là Trên Răng dưới D…). Chính vì thế mà khi làm lại cuộc đời từ bước đầu thì ta trở lại với lời dạy của ông bà đó là an cư lạc nghiệp.

 

Nói cho cùng việc mua một căn nhà ở đất Úc này không phải là chuyện khó khăn, hai vợ chồng đi làm và dành dụm trong 2 năm là dư sức, nhưng điều đáng nói là những khó khăn, những trở ngại sau khi mua được căn nhà đó! Chỉ có một số rất nhỏ thoát được cái định luật nói trên là những người thích sống “thoải mái”: nợ nhà băng ký 25, 30 năm thì cứ từ từ mà trả,… nhưng đa số thì đều mắc phải cái vòng luẩn quẩn của bạn S.: Chưa mua nhà thì cố gắng mua cho được, mua được rồi thì cố gắng trả cho hết nợ… thành thử ra, xét trên một khía cạnh nào đó thì có được căn nhà rồi còn khổ hơn là lúc chưa có!

 

Nếu vợ chồng mà “đồng tâm đồng tính” cùng muốn khổ đề cày tối đa, để 4, 5 năm sau trả dứt căn nhà thì chẳng có gì đáng nói nhưng thường thì trong một gia đình, người đàn bà bao giờ cũng hay lo xa, nhiều khi lo xa quá đến độ không còn nghĩ gì đến thực tế hiện tại nữa! Có nghĩa là quên cả chồng, con, quên cả thân mình để chỉ cố gắng làm sao kiến được thật nhiều tiền, càng nhiều càng tốt để cho mau hết nợ!…cuộc sống trong gia đình trở nên “bất bình thường” hay nói chính xác hơn là “mất ý nghĩa” hoặc “bớt hạnh phúc”.

 

Nếu cả hai vợ, chồng đều đi làm ở hãng xưởng cả, thì dù có cày overtime tối đa cũng không đến nỗi cả tuần không lấy được một đêm xum họp, ái ân… Nhưng ở đây LNĐ xin đề cập đến trường hợp của những người có cùng hoàn cảnh với bạn S.: Chồng cày Factory, vợ làm may ở nhà! Khỏi cần nói ra đây ai cũng hiểu rằng những gì bạn S. nêu ra đều đúng sự thật (hoặc chưa nói hết được sự thật!).

 

Câu hỏi đặt ra là: lỗi tại ai? Xin thưa: lỗi tại nước Úc cả! Nếu giá nhà cửa ở xứ này quá mắc như ở Singapore, Nhật Bản hay ở các quốc gia Âu Châu thì có lẽ dân tỵ nạn ta không bao giờ nghĩ đến chuyện mua nhà mua cửa… Nhưng khốn nỗi nhà cửa ở Úc lại rẻ vào bậc nhất thế giới cộng với sự dễ dãi của nhà băng và sự khuyến khích của chính phủ cho nên dân Việt Nam ta không ai là không nghĩ đến một căn nhà…

 

Nhưng tới đây, nếu cứ việc làm cho cố để trả hết nợ sớm hơn hạn kỳ mà làm cho gia đình mất hạnh phúc thì hoàn toàn lỗi ở chúng ta! Vì có ai ép buộc chúng ta làm việc đó đâu?

 

Trở lại với trường hợp của bạn S, lão xin có một vài ý kiến sau đây:

Trước hết bạn phải cắt nghĩa cho vợ hiểu rằng: trong khi cố gắng làm lụng để trả cho mau hết nợ thì đôi lúc cũng phải nghĩ đến hiện tại, nghĩ đến hạnh phúc của gia đình. Tuy nhiên vì cái job may ở nhà rất thất thường cho nên bạn không thể bắt vợ bạn làm lụng, nghĩ ngợi theo một thời khóa biểu cố định được. Bạn chỉ có thể yêu cầu vợ bạn ăn uống một cách đầy đủ và đúng bữa để giữ gìn sức khỏe, và quan trọng hơn là sau một hay hai đợt hàng bạn nên cưỡng bức bà xã nghỉ xả hơi một vài ngày để tinh thần bớt căng thẳng và để có thời gian “lấy lại phong độ”.

 

Chính cái lúc bà xã lấy lại phong độ này là lúc bạn nên “đền ơn” vợ bằng cách thi hành tích cực và tối đa “bổn phận” của người chồng. Cái tối đa của một người đàn ông bình thường ở vào tuổi của bạn thì theo lão cứ xen kẽ vào một hoặc hai đợt hàng là vừa phải, không nhiều không ít! Cái sự “đền ơn” này nó còn có tác dụng nhắc nhở vợ bạn về bổn phận và sinh thú trong cuộc sống vợ chồng!

 

Ngoài ra cái job may ở nhà nó còn làm cho người ta chẳng muốn đi đến đâu cả. Thì giờ là vàng bạc kia mà. Do đó thỉnh thoảng bạn cũng nên đưa vợ con đi đó đây chơi cho thoải mái, ví dụ như đi tắm biển, đi pinic, BBQ… Đồng thời giữa các gia đình thân thiết với nhau thỉnh thoảng cũng nên tổ chức những bữa họp mặt nhậu nhẹt lai rai. Thường thì các buổi như vậy sẽ làm cho các bà vợ nghĩ đến hạnh phúc gia đình mình nhiều hơn sau khi được chứng kiến và so sánh hạnh phúc của các gia đình khác…

Trên đây là những biện pháp ý kiến mà LNĐ gọi là biện pháp nhẹ.

 

Nếu những cố gắng của bạn mà không đem lại kết quả hay nói cách khác là bạn không thuyết phục được vợ bạn thì bạn đành phải dùng đến biện pháp mạnh mà thôi (dĩ nhiên bạn phải là một người chủ gia đình thực sự, còn nếu như vợ bạn làm chủ thì miễn bàn!).

 

Biện pháp mạnh ở đây không phải là dùng vũ lực với vợ rồi, mà cũng không phải là bán nhà hay bán máy may như bạn đã nói tới. Mạnh có nghĩa là cương quyết “không cộng tác” với vợ nữa. Bạn có thể nói với vợ: ‘Anh cảm thấy kiệt lực rồi, thôi em ạ mua được căn nhà là quý lắm rồi, cứ từ từ mà trả, chứ cố gắng quá rồi lăn đùng ra đó thì nhà băng nó đem nhà ra bán đấu giá thì mất cả chì lẫn chài đấy!”…

 

Bên cạnh đó bạn phải để nỗi buồn chán , sự tuyệt vọng, nét mệt mỏi… biểu lộ ra trên từng phần cơ thể: ánh mắt, nụ cười, lời ăn tiếng nói, dáng đứng dáng đi… Nhất nhất đều phải gợi cho vợ chú ý về sự thay đổi đáng ngại của bạn. Nhưng nếu vợ bạn vẫn say mê kiếm tiền mà không để ý gì đến thì bạn dứt khoát không làm overtime nữa, lấy lý do: ‘Thay vợ để lo cho gia đình”, hoặc nếu có làm gì thì cũng không bao giờ làm thứ bảy.

 

Nếu vợ bạn vẫn cứng lòng thì bạn có thể dùng thử một mẹo sau đây: lựa bữa nào người hơi yếu đang làm overtime bạn giả vờ lăn đùng ra, dĩ nhiên bạn bè sẽ kêu ambulance và vợ bạn cũng sẽ được cấp báo đến nhà thương để nghe bạn..trăn trôi1…

Bạn S thân mến,

 

Dĩ nhiên là LNĐ không dám bảo đảm là những gì lão đã góp ý với bạn sẽ đem lại kết quả 100%, nhưng nếu bạn là người cứng rắn thì ít ra nó cũng giúp bạn cải thiện được phần nào tình trạng hiện nay trong gia đình bạn.

 

Về phía độc giả thì lão xin thưa như sau: những ý kiến của lão rất có thể bị độc giả (nhất la quý bà) phản đối. Nhưng lão xin thưa: đó là những ý kiến xuất phát từ tận đáy lòng của lão, đúc kết qua những kinh nghiệm của anh em, bạn bè chung quanh, những người đã từng hãnh diện, đã từng sung sướng, đã từng chán chê, đã từng đau khổ… vì làm chủ được một căn nhà!

 

Sau đây là góp ý của Thanh Lan, lão hy vọng cô ấy sẽ có những nhận xét thâm thúy và những cách giải quyết thiết thực hơn, vì “trên đời đời không có ai hiểu đàn bà hơn chính họ”.

Lão Ngoan Đồng.

 

Trả lời của Thanh Lan:

 

Thú thực với bạn đọc là sau khi đọc xong lá thư của bạn S. là Thanh Lan đã có nghĩ: “Ông chủ nhà này đã quá bi thảm hóa vấn đề!”, sau đó đọc tiếp phần trả lời của LND thì Thanh Lan lại thấy vị “quân sư” này còn bi thảm hóa hơn cả ông chủ nhà kia nữa! Đồng ý là sự việc cũng có thể xảy ra như bạn S. đã viết, nhưng có lẽ chỉ một đôi khi chứ không phải thường xuyên đến độ bạn S phải nghĩ đến chuyện bán máy may, hoặc tệ hại hơn nữa là bán nhà!

 

Tuy nhiên bổn phận của Thanh Lan là góp ý với độc giả cho nên Thanh Lan cũng xin được phép có đôi lời với bạn S, nhưng trước hết xin để Thanh Lan “xây dựng” Lão Ngoan Đồng cái gọi là “biện pháp mạnh” của lão! Nếu bạn S và những bạn đồng cảnh ngộ mà dùng đến những phương cách đó thì quả thực: tình nghĩa vợ chồng chẳng còn gì nữa.

 

Xin nhớ cho rằng đàn bà bao giờ cũng lo lắng cho gia đình nhiều hơn là đàn ông, người ta đã có gọi người vợ là nội tướng kia mà. Do đó khi người vợ làm nhiều quá cũng vì nghĩ cho gia đình nghĩa là nghĩ đến chồng, đến con. Và nếu vì thế mà cuộc sống gia đình trở nên bất bình thường thì cũng không đổ lỗi hoàn toàn cho người vợ được, mà một phần vì người chồng, không biết tìm hiểu công việc của người vợ ngay từ lúc đầu để sắp xếp công việc, giờ giấc…trong gia đình đợi đến khi mệt mỏi, chán nản không chịu được nữa thì lại đổ lỗi cho người vợ.

 

Tóm lại Thanh Lan không đồng ý vỡi Lão Ngoan Đồng về cách giải quyết vấn đề bằng cách biện pháp mạnh, còn các biện pháp nhẹ của lão mà áp dụng vào trường hợp của bạn S thì cũng có nhiều điều hợp lý. Nó hợp lý ở chỗ nào thiết tưởng quý bạn đọc cũng như bạn S đã thấy, Thanh Lan khỏi cần nhắc lại. Ở đây Thanh Lan chỉ xin góp ý kiến với các chị mà hoàn cảnh gia đình giống hoặc gần giống như gia đình bạn S. Trước hết Thanh Lan xin mừng cho các chị vì đã làm chủ được một căn nhà, vì một gia đình theo ý Thanh Lan chưa trọn nghĩa nếu chưa có căn nhà, vì người ta thường nói: mái ấm gia đình…

 

Nhưng sau khi đã làm chủ căn nhà rồi, chúng ta phải làm sao để cuộc sống gia đình đừng bị thay đổi, xáo trộn quá nhiều. Về tinh thần cũng như vật chất.

 

Trước hết, về tinh thần, đừng bao giờ để chồng con cảm thấy bị “bỏ bê, lãng quên”. Trên thực tế đa số trẻ em có cha mẹ mới mua nhà dễ bị bỏ bê không ít thì nhiều: đi học về không được ba mẹ hỏi han. Vì ba thì đi làm chưa về, mẹ thì còn bận may trong phòng. Đến khi ba về, mẹ rảnh tay thì có điều gì muốn tâm sự cũng không dám vì thấy ba cau có, mẹ mệt mỏi… dần dần chúng trở nên an phận và thu hẹp vào thế giới riêng của chúng!

 

Đối với một người chồng thì sau một ngày mệt nhọc trong hãng xưởng về đến nhà là cần có sự săn đón của vợ con, những lúc buồn bực là cần có người an ủi, nhưng lúc thảnh thơi, thoải mái là cần có người tâm tình ái ân… nhưng nay vợ đã có “job tại gia” thành thử ra người bạn lòng năm xưa còn đó nhưng cũng như không!

 

Các chị có thể lập luận: có cực khổ cũng để lo cho tương lai của các con chứ lo cho ai. Xin phép thưa với các chị như sau: con cái cần có tương lai thật đấy, nhưng tương lai là gì nếu không phải là sự giáo dục, chăm sóc liên tục từ thuở bé thơ.

 

Thanh Lan nhớ xã hội Việt Nam vào thời quân đội Mỹ tràn ngập: vì tiền bạc dễ kiếm qua nên cha mẹ chỉ lo làm giàu và nghĩ rằng con cái được ở nhà lầu, được đi xe hơi là mai sau sẽ hơn người (ăn vóc học hay), do đó chẳng bao giờ dòm ngó đến con cái, hồi đó nhiều con nhà giàu hư là vì thế. Còn đối với người chồng, tình nghĩa là gì nếu không phải là tâm đầu ý hợp, yêu thương mặn nồng không những chỉ trong những năm đầu mới cưới mà còn trong suốt cuộc đời nữa.

 

Người phụ nữ thường bị phê bình ở cái điểm: khi đã có con rồi thì chẳng chịu nom dòm gì đến chồng nữa, thành thử các ông đến 40 thường “lang thang” là vì thế. Ở đây đặc biệt hơn, các chị chẳng phải vì con cái mà vì lo làm cho nhiều tiền mà để tình nghĩa vợ chồng lạnh nhạt thì lại càng đáng trách hơn.

 

Tiếp theo về vật chất, các chị phải thành thật công nhận rằng từ ngày các chị trở thành thợ may full time tại gia thì nhà cửa trở nên bê bối hơn, cơm nước chẳng còn đều đặn như cũ nữa, quần áo chồng con cũng chẳng có người dòm ngó tới. Nếu gia đình nào may mắn có được một cháu gái đã khôn lớn biết phụ giúp gia đình thì không nói làm gì, còn gia đình nào mà các con còn thơ dại cả thì chịu! Thanh Lan không dám nói tất cả, nhưng chắc chắn là đa số.

 

Tóm lại Thanh Lan không xuí dại các chị cứ tà tà mà lo trả nợ nhà cho đúng hạn kỳ đã ký với nhà băng mà ngược lại ta nên trả sớm được ngày nào hay ngày ấy, nhưng ta phải biết dung hòa. Ta không nên bắt chước người Úc làm đồng nào tiêu đồng ấy, không nghĩ đến ngày mai. Nhưng chúng ta cũng bắt buộc phải nghĩ đến và phải sống một phần nào cho hiện tại. Không đủ sức mà cứ cố gắng trả dứt nợ trong 4, 5 năm là tự làm khổ mình và gia đình.

 

Đến đây Thanh Lan lại xin đề cập đến trường hợp một số chị bạn nói rằng: tôi có cái thú làm ra tiền nên đâu thấy có cực khổ gì đâu, nghỉ may một hai ngày là thấy bứt rứt khó chịu làm sao ấy! Thanh Lan xin thưa: các chị đó “mắc bệnh” rồi đó, bệnh là “bệnh mê tiền”  hoặc nói theo các ông là “ bị cái máy may, vắt sổ nó hành”.  Các chị đó thường biện hộ: lúc nào còn làm được ra tiền thì cố mà làm, ai biết ngày mai sẽ ra sao, cái sự việc xảy ra năm 75 vẫn còn sờ sờ ra đấy. Ôi, nếu ai mà cũng lo xa quá như thế  thì cũng tốt thôi, nhưng xin nhắc lại: lo xa vừa phải thôi.

 

Trong các ngụ ngôn của Thánh Kinh Thiên Chúa giáo, Thanh Lan nhớ có đoạn Chúa Giêsu dạy: các con hãy nhìn xem chim chóc trên trời kìa, chúng đâu có tích trữ lúa vào kho lẫm mà Thượng Đế có bao giờ để chúng chết đói đâu! Dĩ nhiên Chúa không có ý nói là chúng ta cứ phải ỳ ra đấy, nhưng Ngài khuyên chúng ta đừng nên quá lo cho ngày mai! Trên thực tế một vài chị bạn đã tự thú thật: qua đây còn cực hơn Việt Nam nữa! Lỗi tại ai? Tại ta cả!

 

Đừng bao giờ so bì với thiên hạ, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, hãy bắt chước những cái hay của người khác nhưng phải nhìn lại gia đình của mình đã. Nếu ta nhìn lên mà bằng mọi cách phải theo cho kịp người khác, thì ngoài việc có lỗi với chồng con thì các chị còn tự làm hại thân mình nữa! Thanh Lan chỉ xin đưa ra 2 vấn đề gần gũi và quan trọng nhất: đó là sức khỏe và sắc đẹp.

 

Chẳng cần phải là một bác sĩ Thanh Lan cũng có thể nói rằng các việc ngồi may một ngày 14 tiếng đồng hồ (nhiều khi hơn nữa) nó hại sức khỏe đến mức độ nào, chắc các chị cũng biết về việc bụi may gậy tác hại đến hệ thống hô hấp như thế nào (mũi, phổi…) và số chị em bị bệnh tê phù vì ngồi lâu quá cũng không phải là ít, đó là chưa kể đến nhiều bệnh tật khác nữa… không phải Thanh Lan dọa các chị đâu mà đó là sự thật!

 

Nhưng nếu các chị bất cần sự thật đó thì Thanh Lan xin nói đến vấn đề then chốt, đó là sắc đẹp. Là đàn bà ai mà không muốn mình đẹp, đẹp từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong! Nhưng Thanh Lan ít thấy các chị nào may ở nhà mà đẹp từ ngoài vào trong cả!

 

Vì may ở nhà có nghĩa là không ra đến đường nên đầu tóc mặt mũi sao cũng được chẳng thèm chăm sóc gì cả. Quần áo thì bê bối, bụi bặm bám đầy. Mà càng mê làm ra tiền thì càng lười lo đến sắc đẹp (sợ tốn tiền, sợ mất thì giờ). Trong khi đó tình nghĩa vợ chồng có mặn nồng đến mấy thì người đàn ông vốn bản tính “chuộng cái đẹp” cũng sẽ thấy vợ mình ngày càng “kém hấp dẫn” đi, dù đôi khi có nghĩ đến công lao của vợ đi chăng nữa thì lúc ra ngoài phố Richmond thế nào mà tránh khỏi việc nhìn các bà các cô thơm tho xinh đẹp rồi chạnh nghĩ đến vợ mình.

 

Các chị thân mến,

Nhưng gì mà bạn Lê Văn S đã nêu ra trong thư có thể là hơi “quá lời” nhưng nếu chúng ta không biết dung hòa công việc và cuộc sống gia đình, giữa lo lắng cho tương lai và hiện tại. Rất có thể có một ngày nào đó gia đình các chị trở thành một gia đình giống như bạn S lúc nào không hay!

 

Cuối cùng Thanh Lan cũng xin trở lại với việc góp ý với bạn S và quý ông chồng: nếu thực sự quý vị đang lâm vào hoàn cảnh nêu trong thư thì xin đừng than thở hoặc đổ lỗi tại vợ con, mà trái lại nên thông cảm với công việc của vợ, dù không phụ giúp được gì trong công việc thì cũng nên chú ý đến, hỏi han, tìm hiểu. Từ đó nếu cần mới nhỏ nhẹ khuyên can được. Ngoài ra quý vị cũng nên quên hẳn cái quan niệm “việc nhà giao cho vợ” đi, vì ngày xưa ở VN các bà thường không đi làm mà ở nhà lo cơm nước, lo dọn dẹp. Nhưng nay đã qua đây người nào cũng phải còng lưng ra mà làm thì quý vị cũng phải chia sẻ “công việc nội trợ” với bà xã, về đến nhà cũng nên phụ lo cơm nước, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa…

 

Trong cuộc sống gia đình sự thông cảm giữa vợ chồng và thái độ tích cực của cả đôi bên bao giờ cũng đem lại kết quả tốt đẹp hơn là sự cau có khó chịu về một thái độ tiêu cực! Thanh Lan hy vọng gia đình bạn S và bạn nào có hoàn cảnh tương tự, cứ việc thoải mái đặt vấn đề với nhau đề tìm những cách giải quyết thỏa đáng cho từng gia đình, bởi vì cho đến giờ phút này Thanh Lan vẫn thấy vấn đề tuy có quan trọng nhưng cũng không có gì là trầm trọng quá đáng để phải nghĩ đến chuyện bán máy may hay bán nhà như bạn S đã nêu ra!.

Thân mến,

Thanh Lan

 

Thứ mới nhận được:

Thanh Lan đã nhận được thư của các em: Tím Preston, Hoài Thu (Sydney), Thanh Thảo. Chị sẽ lần lượt trả lời Tím và Thu trong các số tới. Riêng về phần T. Thảo, chị đã liên lạc với tác giả của bài nghiên cứu đó và kết quả như thế nào thì chính vị đó sẽ cho em biết.

Thân mến,

Thanh Lan.