Hỏi và giải đáp 18: Sa mạc cô đơn – Lãng phí ngày xuân – Tình yêu và sinh lý

12 Tháng Ba, 2008 | Uncategorized

Đầu tiên Thanh Lan xin trả lời thư em Thương Thương.

 

Thương Thương nói rằng em buồn vì cho tới giờ này vẫn cô đơn, bạn thì nhiều (trai, gái có đủ) nhưng không ai hiểu được Thương Thương! Bản tính Thương Thương lúc nào cũng tỏ ra bất cần ai, tự cho mình sành sỏi hơn bạn bè nên khi giao thiệp với bạn trai thấy họ thấp cơ hơn mình!

Tiếp theo Thương Thương cho biết mình không ưa những lời nói ngọt ngào của con trai vì thấy nó giả tạo, Thương Thương không biết làm sao để tin cậy nơi họ và lúc nào thì nên tỏ tình với bạn trai?

 

Cuối cùng Thương Thương than thở là ở đời người ta đánh giá cao cái vỏ bên ngoài nhiều quá: bộ áo, màu tóc làm thay đổi cả con người, chính Thương Thương cũng không tránh khỏi cái việc theo mốt, theo thời đó…

 

Trả lời của Thanh Lan:

 

Thương Thương thân mến,

Thanh Lan không hiểu năm nay em bao nhiêu tuổi mà chán đời như thế. Em nói rằng em có rất nhiều bạn trai cũng như gái thì không thể gọi cuộc sống của em hiện nay là “sa mạc cô đơn” được (em dùng chữ nghe thấy ớn quá).

 

Em nói cho tới giờ này không có người con trai nào hiểu được mình cả, chị xin sửa lại là “không có người con trai nào hiểu rõ con người thật của em cả”, bởi vì em không sống thực thì làm sao họ hiểu được trong lòng em đang cần tình yêu, cần người yêu mà bên ngoài lại làm bộ bất cần thì có chàng nào mà dám tiến tới!

 

Chị không nói em hiền lành đến độ để con trai “xỏ mũi” muốn dắt đi đâu thì đi, nhưng trời đã sinh ra phát yếu chúng ta với những đặc tính dịu dàng, nhỏ nhẹ, thích được nâng niu chiều chuộng, thích được người yêu, người chồng bảo vệ cũng như chi phối v.v…

 

Và ngược lại đàn ông con trai thích chủ động, luôn tỏ ra mình hơn phái yếu (về tinh thần cũng như về thể chất), do vậy họ chẳng bao giờ ưa được những người con gái kênh kiệu, lên mặt khôn ngoan sành sỏi hơn họ. Đành rằng trên thực tế cũng có những người con gái mà tính tình như con trai, và ngược lại cũng có những người con trai “nhát như thỏ đế” hoặc “yếu như sên”.

 

Nhưng đó không phải là đa số và những người này nếu không biết cách luyện tập để sửa đổi lại  tính tình thì khó mà đạt được hạnh phúc cũng như thành công trên đường đời như những người bình thường khác. Ở đây Thanh Lan chỉ nói về đặc tính chứ không bàn về ý chí, về sự khôn ngoan, cái mục này thì chưa biết ai hơn ai.

 

Trở lại với Thương Thương, chị nghĩ có thể em không ngoan hơn các người bạn trai đó, nhưng chưa chắc họ đã “thấp cơ” hơn em bởi vì nhiều khi họ có những ưu điểm nhưng không biết cách bộc lộ ra. Do đó muốn yêu và được yêu em phải dẹp bớt cái ý nghĩ mình là người sành sỏi hơn người.

 

Về việc em nói rành tâm lý con trai quá nên thấy những lời ngọt ngào của họ đều giả tạo! Điều đó đúng và sai! Đúng là vì người ta đã nghiên cứu và kết luận rằng nhưng tay sở khanh bao giờ cũng  ngọt ngào, ga lăng cũng đều là họ sở cả! Và để biết được họ là con người chân thật hay giả dối đều tùy thuộc vào ta cả, sự tìm hiểu và nhận xét trong một thời gian sẽ cho ta kết quả. Nhưng cũng có những tay sở khanh tài ba đến độ ta chỉ biết được bộ mặt thật khi hắn đã quất ngựa truy phong, nhưng cám ơn Trời Phật, cái số đó rất ít.

 

Còn cái việc em hỏi khi nào nên tỏ tình với bạn trai thì hơi rắc rối đấy, tỏ tình bằng cách nói “Baby, i love you” hoặc “Baby, do you want me” là chắc chắn không đượ rồi, nhưng nếu đã chấm được chàng nào rồi mà chàng vẫn chưa chịu mở lời thì em phải “bật đèn xanh”.

 

Có nhiều cách bật đèn xanh mà không làm giảm giá trị của người con gái, ví dụ như: những cử chỉ nhõng nhẽo, nũng nịu, những cái nhìnn âu yếm, những nụ cười tình tứ… có sức mạnh hơn cả những câu nói thường tình kia.

 

Đến đây Thanh Lan nhớ lại một đoạn văn của Túy Hồng tả cách nàng “chinh phục” chàng: nàng đứng tần ngần trước mặt chàng, đôi tay mân mê tà áo rồi ngước đôi mắt nai tơ nhìn chàng, gặp phải ánh mắt chàng nàng bèn e lệ cúi xuống chớp chớp làn mi đúng ba lần rồi đột nhiên lại ngước lên nhìn thẳng vào mắt chàng, đôi mắt lần này thì mở thật to còn đôi môi thì nở một nụ cười thật đẹp, thật “tình tứ”.

 

Dĩ nhiên trên đây chỉ là chuyện trong tiểu thuyết nhưng ở đời, một mối tình đẹp hay đau khổ là gì nếu không phải là một cuốn tiểu thuyết, có khác chăng là nó được viết thành sách mà thôi. Do đó nếu Thương Thương có đứng trước gương để tập cười duyên, tập đong đưa ánh mắt, tập dáng đi, tập cách ngồi cốt cách sao để chàng “tương lai” chú ý thì chị cũng không cười đâu.

 

Cuối cùng chị góp ý với Thương Thương về cái vỏ bề ngoài của con người, đó là quần áo và tóc tai. Chúng ta không thể phủ nhận sự quan trọng của nó vì xưa các cụ cũng đã có: cái răng cái tóc là gốc con người, hoặc: người đẹp vì lụa. Cho nên người đời nhất là phái yếu đôi khi quan tâm đến cái mặc còn hơn cả cái ăn nữa.

 

Tuy nhiên không phải cứ có nhiều đồ là đẹp, hoặc theo được kiểu fashion mới nhất là đã hay. Nó còn tùy thuộc quần áo có hợp với người mặc hay không. Thanh Lan đã từng thấy một bà nhà giàu nọ đặt may một cái áo dài giống hệt công chúa Diana, nhưng tiếc thay bà ta lại cao chưa tới 1m50 và khá mập thành trông rất tức cười và lố bịch, cũng như các em nhỏ mặc những bộ đồ fashion quá rườm rà, diêm dúa thì thường chỉ tạo được sự chú ý của người khác, và sau đó họ chê nhiều hơn là khen.

 

Về tóc tai cũng thế, lựa kiểu tóc thích hợp là một việc tối quan trọng, nó có thể làm mình trẻ lại hoặc già đi hoặc xinh hơn hoặc ngược lại… Còn về việc nhuộm tóc màu nếu chị có con gái lớn, chị chỉ chấp nhận khi cháu đã 17, 18 tuổi (tương đối đã biết nhận xét, biết ý thức) và chỉ trong vài dịp party, hội hè đặc biệt mà thôi!

 

Thương Thương có chê chị là bảo thủ lắm không? Nếu không thì chị chúc Thương Thương trẻ trung, yêu đời hơn và sớm… gặp chàng nhé!

Thân mến,

Thanh Lan.

 

* * *

 

Lãng phí ngày xuân

 

Thư của bạn Ngọc Lan:

 

Lan tâm sự rằng năm nay 24 tuổi, đã tự lập và mọi mặt đều trên trung bình. Lan được khá nhiều người theo đuổi nhưng Lan không muốn lập gia đình trước khi bước vào tuổi 301 trong số bạn trai có hai người được Lan chấm là thuộc mẫu người đàn ông lý tưởng, nhưng Lan chỉ sợ rằng để lâu ngày có thể họ chán nản mà bỏ cuộc chăng?

 

 Vì quan niệm sống của Lan rất thực tế, không gò bó vào phong tục tập quán Đông phương nên Lan muốn sống để hưởng thụ như các bạn gái Tây phương vậy! Nói một cách cụ thể hơn là Lan muốn “enjoy” về cả tinh thần lẫn thể xác trong khi vẫn giữ được cuộc sống độc thân thoải mái.

 

Lan cho rằng thật là vô lý khi đàn ông con trai, thì được quyền hưởng thụ đã đời rồi lập gia đình cũng chẳng sao, trong khi con gái phải đợi đến lúc làm vợ: khi biết được mùi đời là lúc phải gánh vác gia đình, lúc đó đâu còn thì giờ mà hưởng thụ nữa.

 

Tóm lại Ngọc Lan muốn Thanh Lan cho biết ý kiến xem quan niệm sống nói trên có gì là xấu không, nhưng dù thế nào thì cũng đừng khuyên Ngọc Lan lấy chồng, vì em đã rút được kinh nghiệm qua cuộc sống của các bạn gái đồng lứa lập gia đình vào tuổi 19, 20…

 

Trả lời của Thanh Lan:

 

Ngọc Lan thân mến,

Trước khi trả lời quan niệm sống của Lan có gì gọi là xấu hay không chị xin được phân tích rõ ràng hơn về phần đầu lá thư của Lan, trong đó Lan nói lập gia đình là gánh trách nhiệm, chỉ có khi còn son trẻ mới hưởng thụ được mà thôi.

 

Lan thân mến,

Không phải chỉ  có Á Đông mà cả phương Tây cũng có chung một quan niệm về yêu đương, luyến ái và gia đình. Đông Tây đều đồng ý rằng hạnh phúc của cuộc sống lứa đôi thường phải đi qua ba giai đoạn: Yêu nhau, sống bên nhau, tạo dựng hạnh phúc. Nhưng càng về sau, do ảnh hưởng của các triết thuyết hiện sinh, cũng như sự thay đổi giới trẻ đã tóm gọn hạnh phúc đời người vào hai chữ “hưởng thụ”, nghĩa là việc tìm đến với nhau là quan trọng, còn tình yêu hay hôn nhân có cũng được mà không cũng chẳng sao…

 

Các nhà đạo đức thì la toáng lên rằng chính quan niệm sống để hưởng thụ đó đã làm xã hội suy đồi, nhưng các triết gia trẻ thì nói đó là tiến trình của văn minh, con người được giải thoát khỏi những ràng buộc của tôn giáo, luân lý… sẽ sống theo ý mình. Cũ, mới xung khắc nhau rõ rệt, làm sao để có một bản “tân cổ giao duyên” lý tưởng? Đó là một bài toán hóc búa, là nhiệm vụ của các nhà luân lý học v.v..

 

Thanh Lan không đủ trình độ để đi sâu hơn nữa vào đề tài trên, ở đây Thanh Lan chỉ muốn phân tích cho Ngọc Lan thấy rằng nếu Lan lựa chọn được một người yêu lý tưởng, sau đó tiến tới hôn nhân để rồi cùng nhau xây dựng mái âm gia đình thì ai dám nói Lan không được “hưởng thụ”? có chăng là cái hưởng thụ trong hôn nhân nó có kèm theo trách nhiệm còn cái hưởng thụ mà em nói đến nó không ràng buộc gì mình nhưng chắc chắn làm giảm giá trị con người mình đi (ở đây chị không nói đến cái ngàn vàng mà chỉ nói đến cái tâm hồn!).

 

Người Tây phương vẫn tự hào về cái văn mình vật chất nhưng bên cạnh đó lúc nào họ cũng báo động về sự suy đồi của luân lý, cho nên người Á Đông chúng ta phải biết cái hay, dở của họ, hay thì bắt chước, dở thì phải tránh…

 

Thanh Lan không phải là một nhà đạo đức hơn nữa cũng không thuộc lớp tuổi của Ngọc Lan nên chỉ dám bàn đến đó. Tuy nhiên dù sao cũng là nữ giới với nhau, Thanh Lan chỉ khuyên Ngọc Lan là nếu thực sự Ngọc Lan muốn hưởng thụ để khỏi lãng phí ngày xuân thì tùy ý, nhưng ít nhất cũng phải biết suy xét vì từ chỗ hưởng thụ đến buông thả nó rất gần nhau, mà một người con gái một khi đã buông thả là tự làm hư cuộc đời của mình.

 

Cuối cùng chị kiệt liệt phản đối ý kiến của Ngọc Lan cho rằng con gái tên Lan thường đa tình cũng như tên Lệ thì nhiều đau khổ! Chị có nghe người ta coi tử vi, xem tướng số, chỉ tay… hoặc chữ ký là cùng thôi chứ chưa nghe nói đến việc cái tên có ảnh hưởng đến con người! Bản thân chị ngày còn đi học có một mối tình đầu nho nhỏ, sau đó gặp ông xã rồi sống đến ngày hôm nay chứ có gì khác người đâu?

 

Chúc em vui vẻ, sáng suốt và mau gửi thiệp hồng đến chị, lúc đó chắc chắn sẽ có quà cho em!

Mến,

Thanh Lan

 

* * *

 

Tình Yêu và Sinh lý

 

Trả lời thư của bạn Yến Thu, Vic

Yến Thu thân mến,

Như Thanh Lan đã trả lời thư một em gái trước đây, sự hiểu biết về sinh lý trong cuộc sống lứa đôi rất quan trọng, có thể nói một nửa hạnh phúc tùy thuộc vào yếu tố đó.

 

Nhưng cũng gần giống như trong nghệ thuật khiêu vũ, sự hiểu biết của người nam bao giờ cũng quan trọng, cần thiết hơn là của người nữ. Vì các đặc tính sinh lý cũng như tâm lý, các người đàn bà bao giờ cũng đóng vai thụ động.

 

Trong trường hợp của em, em phải rất khéo léo để cho chàng biết những nhược điểm của chàng, nếu không khéo sẽ chạm tự ái của chàng đấy nhé! Về sách thì Thanh Lan nghĩ là em nên đến hỏi một vị nữ bác sĩ Việt Nam, chắc vị đó sẽ biết!

 

Cứ việc thẳng thắn tự nhiên, không có gì phải mắc cở cả, vì lương y nhừ từ mẫu mà. Không nên coi phim hay đọc sách báo trong các tiệm Adult Books, sách đứng đắn thì ít, đa số thuộc loại “dâm thư” rẻ tiền.

Vì chủ trương của tờ báo, Thanh Lan xin giới hạn phần trả lời Yến Thu ở đây. Thông cảm nhé!

Thanh Lan