Hỏi và giải đáp 361: Đàn ông lười biếng

15 Tháng Ba, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL nhận được lá thư của em V, một người vợ rất trẻ đang ở trong một hoàn cảnh rất thường thấy: vợ đầu tắt mặt tối, chồng cứ tà tà! Xin tóm tắt nội dung thư như sau:

V, khoảng 30, và chồng (A) quen biết nhau từ thuở đôi mươi. Khi hai người đã cặp với nhau, V vẫn còn được nhiều người sáng giá hơn A theo, nhưng V quyết định kết hôn với A vì thấy A hiền lành và hết lòng theo đuổi mình.

Nhưng sau khi chung sống, có con với nhau, càng ngày V càng nhận thấy A là một người lười biếng, ích kỷ, không hết lòng với vợ con. V vừa đi làm vừa phải lo mọi chuyện trong nhà, còn A thì lúc nào cũng thoải mái như trai độc thân. Từ chuyện đỡ đần việc nhà (giặt giũ, lau chùi nhà cửa…) cho tới việc dành dụm tiền bạc, A cứ mặc cho vợ, phần A đi làm về nhà coi như xong bổn phận!

V nhìn sang bạn bè, thấy ai cũng hơn mình: hạnh phúc vui vẻ, tiền bạc thoải mái… Có đôi lần V nói ra nhận xét này thì A bảo V đứng núi này trông núi nọ, hoặc có ở trong chăn mới biết có rận… Nhiều khi V cảm thấy chán nản, mệt mỏi, nhưng không có cách nào thay đổi được tính của A.

Ý kiến của Thanh Lan:

Em V thân mến,

Cô viết rằng em đang “ở trong một hoàn cảnh rất thường thấy” bởi vì hầu như 10 bà vợ thì có tới 8, 9 bà than: vợ đầu tắt mặt tối mà chồng cứ tà tà!

Dĩ nhiên, TL không phủ nhận em là một người vợ người mẹ đảm đang, biết lo cho gia đình. Nhưng bên cạnh đó, bản chất của đàn ông xưa nay vốn tà tà, thì nếu em không gặp được một người chồng biết lo, cũng là chuyện bình thường. Vì thế, xưa nay người ta thường ca tụng sự hy sinh của người vợ người mẹ nhiều hơn là của người chồng người cha. Thế nhưng trong số 8, 9 bà vợ thường than thở về chồng ấy, không phải bà nào cũng không được hạnh phúc, mà còn tùy quan niệm sống của mỗi người.

Có người coi tiền bạc là trên hết, cũng có người cho rằng vật chất không quan trọng bằng tinh thần. Khi V nói em đứng núi này trông núi nọ, em phải nhìn lại và tự hỏi: gia đình em có thực sự thiếu thốn hay chỉ “chưa bằng” người khác? Nếu mình không thiếu mà cứ muốn phải bằng người khác thì lúc nào cũng cảm thấy thua thiệt, khổ tâm. Một cái nhà, hai cái xe, ít vốn phòng thân, là đã đủ, nhưng nếu cứ so với những người có 2, 3 căn nhà thì thấy mình thua xa. Điểm quan trọng chính là ở chỗ mình thua nhưng có cảm thấy thiếu hay không!

Cho nên, TL trong khi rất thông cảm với em, cũng phải viết thẳng ra là TL không có ý kiến nào để giúp em trong chuyện khuyên A phải dành dụm, đầu tư. Riêng trong việc thay đổi tính tình của A thì cũng chỉ hy vọng phần nào. Điều quan trọng là không nên chê trách chồng, cho dù A rất đáng chê trách, mà phải nhỏ nhẹ, khôn khéo, lợi dụng những lúc thân mật giữa vợ chồng mà đề nghị A làm việc này, nhờ A làm việc kia… Rồi cho dù hài lòng hay không, mình cũng nên khen thưởng để khích lệ tinh thần. Đàn ông nhiều khi rất giống trẻ con, cho nên ngon ngọt bao giờ cũng kết quả hơn là gay gắt.

Ngoài mục đích nhờ vả (thực chất là lợi dụng, sai bảo), việc tỏ ra dịu dàng với chồng còn là một vũ khí lợi hại trong việc giữ chồng. Gần đây, Thiên Ân có viết về một nam diễn viên nổi tiếng của Mỹ sống hạnh phúc với vợ gần 50 năm, khi được hỏi về nguyên nhân đã khiến ông không bao giờ bê bối tình cảm, đã trả lời:

“Tại sao lại phải ra đường ăn hamburger trong khi nhà có sẵn bí-tết (steak)!”

Nhưng sau đó, LNĐ đã có lời bàn thêm: bí-tết cũng có nhiều loại, thượng vàng hạ cám: từ “economy round steak” dai nhách cho tới T-bone, fillet thượng hạng.

Nghĩa là, một khi đã lấy chồng, yêu chồng, và muốn hạnh phúc dài lâu, chúng ta phải tự đăt mình vào thế phải giữ chồng, cho dù phải chịu thiệt thòi. Riêng em, nên tự an ủi là ít ra, A cũng không dính một thứ nào trong tứ đổ tường!

Thanh Lan