Hỏi và giải đáp 363: Hôn nhân khác chủng tộc

20 Tháng Ba, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư của một bà mẹ tự nhận là “đang đau khổ” vì con gái có boyfriend là người khác chủng tộc. Vì tính cách tế nhị của đề tài cũng như hoàn cảnh đặc biệt của gia đình bà A, TL xin miễn đăng thư hỏi, và đi thẳng vào việc góp ý kiến với bà.

* * *

Trước hết, xin nói về mấy chữ “hôn nhân dị chủng” mà bà A và mọi người thường sử dụng. Không hiểu từ bao giờ, người Việt mình đã quen sử dụng bốn chữ này để nói về các cuộc hôn nhân giữa hai người khác chủng tộc. Xét về ý nghĩa, hai từ Hán-Việt “dị chủng” trong trường hợp này là chính xác 100%, nhưng nếu nói về tính cách “chỉnh” thì có lẽ chỉ chỉnh ở xã hội Việt Nam cách đây mấy chục năm, khi mà những trường hợp này tương đối hiếm hoi, và nếu là nữ giới thì đa số sẽ bị xem thường, bị gọi là “me Tây”, “me Mỹ”…

Sau năm 1975, ra hải ngoại, thế hệ con cháu lớn lên, hoặc sinh trưởng tại quê hương mới, ngày càng có nhiều cuộc hôn nhân với người khác chủng tộc, thì tiếp tục gọi là “hôn nhân dị chủng”, tuy vẫn đúng nhưng nghe không “chỉnh”.

Vì thế, cách đây hơn 10 năm, Lão Ngoan Đồng đã nghị sử dụng chữ “hợp chủng” thay cho “dị chủng”. LNĐ giải thích: hai người khác chủng tộc (dị chủng) lấy nhau thì việc ấy gọi là “hợp chủng” (hoặc “hiệp chủng”, như Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ).

Mặc dù không có ai theo đề nghị của LNĐ, từ ngày ấy mục TTBĐ vẫn tránh sử dụng “dị chủng”, mà gọi là “hợp chủng”, hoặc dài dòng hơn là “hôn nhân khác chủng tộc”. Nay, thêm một lần nữa, TL xin quý đồng nghiệp, quý cơ quan truyền thông, nên suy nghĩ lại. Nếu quý vị cho rằng mấy chữ “hôn nhân hợp chủng” không chính xác, không giống ai, thì xin vui lòng sử dụng mấy chữ “hôn nhân khác chủng tộc”, nghe có thể không hay, không kêu, nhưng cũng không mang ý nghĩa xem thường như “hôn nhân dị chủng”.

TL viết như thế, hy vọng đã đủ, khỏi cần tốn thêm thì giờ để lôi mấy chữ “dị giáo, dị đoan, dị hợm, quái dị…” ra để bàn thêm!

Tới đây, TL mới xin góp ý với bà A. Qua đọc phần mở đầu, có lẽ bà cũng hiểu là TL hoàn toàn đồng ý với quyết định lựa chọn của cháu Y.

Thứ nhất, sinh ra và lớn lên ở Úc, đi học trường Úc, sống theo văn hóa (culture) Úc, thì với cháu, việc trai gái khác chủng tộc không còn một chút gì gọi là bất bình thường nữa. Gia đình bà có sử dụng lý luận gì chăng nữa, đối với cháu cũng là vô lý.

Xin bà hãy bình tĩnh suy nghĩ cho tới nơi tới chốn: mục đích của  hôn nhân là gì nếu không phải hạnh phúc lứa đôi, và tiếp theo là hạnh phúc gia đình. Như vậy, yếu tố quyết định là tình yêu, chứ không phải là chủng tộc.

Trước năm 1975 ở Việt Nam, một số bà “me Tây me Mỹ” có thể chỉ bập bẹ tiếng Pháp, tiếng Anh, và văn hóa phương tây thì mù tịt, nhưng ở Úc hiện nay, tiếng Anh đã thay cho tiếng mẹ đẻ, và văn hóa phương tây là nền tảng trong cuộc sống, thì khác chủng tộc dứt khoát không còn là trở ngại nữa.

Vẫn biết, ai cũng muốn có con dâu, con rể, có xuôi gia là người Việt, nhưng nếu không được như mong muốn thì đó là “vấn đề” của người lớn, đừng bắt con em phải gánh chịu. Về việc bạn bè hay người thân quen nói này nói nọ, TL xin thẳng thắn phê bình: không phải cha mẹ nào cũng được “diễm phúc” ấy; vậy nếu người ta “thua” mình thì nên tội nghiệp hơn là chê cười.

Còn nếu cứ tự nhận mình “có phúc” hơn để hạ người khác thì xin hãy nhìn vào thực tế trước mắt để nghĩ tới tương lai: biết bao cặp “đồng chủng” đã tan vỡ, và biết bao cặp “dị chủng” vẫn vững bền?!

Cho nên TL xin khuyên bà: thứ nhất, hãy nghĩ tới tương lai, tới cả cuộc đời còn lại của con gái, để đặt hạnh phúc của cháu lên trên ước muốn của cha mẹ; thứ hai, không nên “nhìn lên” những người may mắn hơn mình. Hạnh phúc đích thực sự của đời người là sự hài lòng với bản thân chứ không phải sự hơn thua với người khác.

Cuối cùng, một khi đã biết mình bất lực, thì buồn con gái, cay đắng với người ngoài cũng chẳng ích gì, mà còn thêm khổ tâm, và rất có thể sẽ gây ra những hậu quả tai hại.

Trong trường hợp của bà, thời gian sẽ là phương thuốc hữu hiệu nhất.

Thân mến,
Thanh Lan