Hỏi và giải đáp 371: Hàn gắn hay dứt khoát?

08 Tháng Tư, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý với một trường hợp rất tế nhị: hàn gắn  hay chia tay? Xin sơ lược hoàn cảnh của gia đình bà A như sau:

X, con gái bà và Y kết hôn được …năm, có …con. Hai vợ chồng quen biết, yêu nhau từ ngày còn đi học, cả hai đều có công ăn việc làm. Tính chung mọi mặt, đây là một cặp vợ chồng khá lý tưởng. Nhưng chỉ được 3, 4 năm, bắt đầu có hục hặc, X đã mấy lần bồng con về nhà cha mẹ, nhưng sau đó lại hai vợ chồng lại làm hòa với nhau. Nhưng lần này thì quá mức, bởi vì X bị Y hành hung. Nguyên nhân, theo lời X là Y có bồ, và những bất đồng về tiền bạc. Bà A cho biết trước đây bà đã nhiều lần khuyên X chia tay Y, nhưng X không chịu…

Ý kiến của Thanh Lan:

Bà A kính mến,

Trước khi đi vào việc góp ý kiến, có hai điều mà cả bà lẫn TL phải nhìn nhận: thứ nhất, thời đại này, trong xã hội này, không chỉ có những cặp vợ chồng trẻ mới chia tay nhau, mà cả những cặp trung niên vẫn ly dị nhau như thường; thứ hai, quyền lựa chọn trong hôn nhân là của con cái, thì nay chia tay hay hàn gắn cũng là quyết định của con cái, cha mẹ chỉ nên an ủi, nâng đỡ tinh thần, chứ không nên ‘xúi’. Bởi vì thông thường, cha mẹ nào cũng bênh con, và vì thế rất có thể sẽ nhận định một cách sai lạc.

Đi vào trường hợp của cháu X, những gì xảy ra cho thấy cháu phải yêu Y dữ lắm, cho nên mới để Y tự do tiêu xài tiền bạc, và bỏ qua những vụ lăng nhăng của Y. Đây là một trong những trường hợp mà chúng ta gọi là ‘lụy’ vì tình. Đã gọi là ‘lụy’ thì không thể giải thích, và ngườI trong cuộc rất khó sáng mắt. Nhưng nếu tìm hiểu, đi sâu vào nội tâm của ‘nạn nhân’, ở đây là cháu X, thì cũng chẳng có ai chấp nhận bị đối xử bất công, tệ bạc mà không đổi lấy được điều gì. Nói cách khác, cháu X đã chấp nhận để duy trì cuộc chung sống.

Nhưng nay, đã tới mức X bị bạo hành thì phải đặt vấn đề. Tạm thời cho rằng Y không phài là một người đàn ông có máu vũ phu, mà chỉ hành động ‘đột xuất’ vì nóng nảy, không tự kiểm soát được, thì ít nhất ông bà cũng phải có đôi lời phải trái với Y (theo TL, việc này nên để chồng bà nói chuyện riêng với Y thì tốt hơn).

Một chi tiết rất quan trọng mà trong thư bà không đề cập tới là ‘anh chị sui’, không hiểu quan hệ giữa đôi bên ra sao? Trong cuộc sống của người Á đông, quan hệ giữa đôi bên sui gia có ảnh hưởng không ít tới cuộc chung sống của một cặp vợ chồng trẻ. Tình cảm tốt đẹp giữa đôi bên sẽ khiến một cặp vợ chồng trẻ nếu đang hạnh phúc, thì hạnh phúc ấy sẽ được bảo đảm hơn, trường hợp có ‘problem’ thì cũng sẽ được giải quyết một cách dễ dàng, êm thắm hơn.

Vậy nếu giữa vợ chồng bà và anh chị sui có một quan hệ tốt đẹp, thì người lớn rất nên… xen vào. Tuy nhiên, TL cũng xin cảnh cáo trước: đây là một việc vô cùng tế nhị, nếu không khôn khéo có thể sẽ khiến sự việc trở nên tệ hại hơn. Nếu anh chị sui là người biết điều thì còn đỡ, bằng không người ta sẽ cho là mình tới để… mắng vốn! Vì thế, vợ chồng bà chỉ nên nêu ra ‘problem’ giữa đôi trẻ, để mong anh chị sui cùng hợp tác để giải quyết. Tuyệt đối không nên kể tội Y, bởi vì như đã viết ở trên, phủ bênh phủ huyện bênh huyện, cha mẹ nào cũng có khuynh hướng bênh con mình.

Ông bà nên đem phúc lợi (welfare) của các cháu ra để đánh đòn tâm lý, bởi chẳng có ông bà nào, dù nội hay ngoại, lại muốn cháu mình có cha mất mẹ, có mẹ mất cha…

Đó là tất cả những gì vợ chồng bà có thể làm trong lúc này. Điều quan trọng là trong khi không xen vào quyết định của X, thì cũng không nên đay nghiến cháu, hoặc chê cháu mù quáng, chọn lầm người…, bởi vì mọi lời trách móc trong hoàn cảnh này chẳng ích lợi gì, trái lại chỉ khiến cháu thêm rối trí, hoặc bực bội mà thôi. Chỉ cần cho cháu biết: bất cứ chuyện gì xảy ra, gia đình vẫn luôn mở rộng vòng tay.

TL không thể đoán biết mọi việc rồi sẽ ra sao; chỉ xin đưa ra một nhận xét của cá nhân, qua kinh nghiệm đường đời: nếu cho họ cơ hội và thờI gian, nhiều người con trai sẽ tỉnh ngộ và ăn năn hối hận. Mong rằng cháu Y sẽ là một trong những người ấy. Bằng không, thì tùy cháu X quyết định vậy.

Thanh Lan