Hỏi và giải đáp 386: Con gái 17

13 Tháng Năm, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa, TVTS contributor: Henry Heng

Nhân dịp Mother’s Day, TL nhận được thư của nữ độc giả A, một bà mẹ đang lo âu trước sự thay đổi bất thường nơi con gái. Xin trích đăng nguyên văn đoạn chính:

…Em chỉ mới sắp bước vào tuổi 40, tức là thuộc thế hệ đi sau chị, nên đối xử với con cái theo quan niệm tây phương nhiều hơn là Á đông. Thí dụ, L con gái lớn của em năm nay 17 tuổi, muốn đi đâu với bạn (bạn gái) cũng được, miễn là phải xin phép và được ba má đồng ý. Em theo dõi tìm hiểu thì cháu chưa có boyfriend, trong khi ra đường em thấy nhiều cô (Á đông) còn mặc đồng phục trung học mà đã ôm hôn bạn trai tỉnh bơ ở ga xe lửa, bến xe bus…, nên em cũng yên tâm về cháu phần nào, vì em chỉ mong sao khi nào qua cái ải VCE cháu mới nên dính vào chuyện tình cảm.

Nhưng gần đây, L bỗng thay đổi tính tình, ít nói và không còn vui vẻ hồn nhiên như trước nữa. Em dò hỏi có “problem” gì không thì cháu nói “nothing”. Cháu vẫn đi học bình thường, về đúng giờ giấc, trong lần interview với thầy cô vừa qua, em hỏi thì họ cũng nói không thấy vấn đề gì trong việc học tập cũng như “behaviour” của cháu.

Như vậy, chỉ còn một cách duy nhất là xem email hay đọc nhật ký của L nhưng email thì không biết mật mã để mở, còn nhật ký thì em lưỡng lự, bởi vì em biết đọc nhật ký của người khác là việc làm sai trái, và ngày xưa chính mình cũng không muốn cho ai đọc nhật ký của mình, chẳng lẽ bây giờ mình lại lén đọc của con?

Nhưng em không thể gạt bỏ ý định đó, và trong đầu em còn có tiếng nói bênh vực: mình đọc chỉ để biết “problem” của con, vì “welfare” của con chứ có phải vì tò mò đâu!

Em xin ý kiến của chị…

Ý kiến Thanh Lan:

Em A thân mến,

Nếu em là độc giả thường xuyên của mục TTBĐ, tức là biết quan niệm sống và chiều hướng giải quyết của TL, thì có thể đoán trước câu trả lời: tuyệt đối không nên đọc nhật ký của người khác, trừ khi có liên quan tới tính mạng hoặc một điều vì hệ trọng tương tự. Còn trong trường hợp của cháu L hiện nay, nếu cháu có “problem” thì cũng không mang tính cách sinh tử. Vậy em phải gạt bỏ ngay ý tưởng đọc lén nhật ký của con. Lập luận rằng mình đọc chỉ để biết “problem” của con, vì “welfare” của con chứ không phải vì tò mò, là ngụy biện.

Rất có thể một số bà mẹ không đồng ý với TL, và cho đây là một trường hợp “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, nhưng nếu suy nghĩ tới nơi tới chốn, đây là một hành động không thể chấp nhận.

Nhật ký của một người đã có trí khôn dù đã viết ra giấy trắng mực đen thì cũng là một phần của nội tâm, tức là phần riêng tư tối thiểu của con người. Mình đọc lén, con không biết, cũng là phạm tội một mình, không tin có trời đất thì cũng phải biết hổ thẹn, áy náy với lương tâm.

Bây giờ nói về sự thay đổi nơi cháu L, TL cũng chỉ biết suy đoán: ở tuổi này, hai nguyên nhân thường thấy nhất là (1) tương tư, hay thất tình, (2) lo sợ trước kỳ thi VCE sắp tới.

Nếu cháu L tương tư ai, hoặc thất tình mà không tâm sự với em thì em đành chịu thua; tuy nhiên cũng nên nhớ dù tương tư hay thất tình thì vào cái tuổi 17 cũng chỉ là những rung động, tình cảm vui buồn đầu đời, mà hầu như ai cũng trải qua, tác động trên mỗi người có thể khác nhau, nhưng nói chung không có gì đáng ngại, bởi vì thứ tình cảm này đến rồi đi, mà không để lại những vết thương như người đã trưởng thành và yêu nhau sâu đậm.

Còn nếu cháu L lo sợ trước cái “ải” VCE, thì cha mẹ có thể giúp con phần nào. Đó là từ tốn, khôn khéo hỏi han cháu về việc học hành, đề nghị giúp đỡ – chẳng hạn cho đi học kèm, hoặc mướn thầy cô về nhà kèm thêm – nếu cháu cảm thấy yếu một môn nào.

Trường hợp L nói cháu OK (trên thực tế có nhiều cháu vì tự ái, hoặc quan niệm sai lầm nên dù yếu vẫn không chịu học kèm!) thì đừng thúc ép, chỉ nên quan tâm lo lắng về tinh thần cũng như vật chất, để cháu bớt lo sợ chút nào hay chút ấy.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không nên đem học lực, hoặc sự chăm chỉ, tính hiếu học của con người khác ra để so sánh, thậm chí chị em trong nhà cũng không nên. Bởi vì L đã lo sợ, đừng khiến cháu mang thêm mặc cảm, tai hại vô cùng.

Tóm lại, em hãy cố dẹp bỏ những ưu tư thắc mắc trước sự thay đổi của L, và thay vào đó là sự yêu thương, gần gũi, và khích lệ, để cho dù nguyên nhân là tình cảm hay học hành, cháu cũng sẽ giảm bớt ưu phiền, lo sợ.

Thanh Lan