Hỏi và giải đáp 387: Không chịu lấy chồng!

15 Tháng Năm, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

TL trả lời một lá thư hơi khác lạ, đó là thư của cháu A, một cô gái không muốn lấy chồng! Tóm tắt nội dung thư như sau:

A, trên dưới 30, nhan sắc trên trung bình, ngoại hình sexy, trình độ đại học, nghề nghiệp vững vàng. A từng có một số bạn trai (thân mật), nhưng chưa bao giờ có ý định lấy chồng (vì không “sure’ về khuynh hướng tình cảm của mình), trong khi gia đình thì cứ hối thúc. Hiện nay, quan hệ giữa A (sống tự lập) và bà mẹ đã trở nên căng thẳng. A không bao giờ muốn đánh mất tình cảm của gia đình. A phải làm sao?

Trả lời của TL:

Cháu A thân mến,

Theo yêu cầu của cháu, cô sẽ không mổ xẻ chuyện lấy chồng hay không lấy chồng, cũng như xu hướng lesbian hoặc bisexual của cháu. Bởi vì đúng như cháu đã suy nghĩ, đây là phạm vi riêng tư nhất của con người, cần được tôn trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận: ít nhất là cho tới nay, việc quan hệ với người khác phái, và việc thanh niên nam nữ tới tuổi trưởng thành thì lập gia đình, vẫn phải được xem là “mainstream” – tạm gọi là “xu hướng chủ đạo”. Và nếu gia đình cháu mong muốn cháu đi theo xu hướng của đại đa số ấy, thì gia đình cháu đã làm một việc đúng đắn. Chỉ có điều việc làm đúng đắn ấy đi ngược lại với sở thích, ý hướng, và quan niệm của cháu về quan hệ nam nữ, về hôn nhân, cho nên cháu mới cảm thấy mình bị phân biệt đối xử (discriminated) so với các anh chị em khác trong gia đình.

Vì thế, nếu quả thực cháu trân trọng tình cảm gia đình và không  muốn đánh mất, thì trước hết cháu không được oán trách gia đình, đặc biệt là mẹ cháu.

Xưa nay ở đời, hầu như trong bất cứ cuộc xung đột nào, đôi bên cũng cho là mình phải, mình đúng. Trên thực tế, cô phải nhìn nhận: có những trường hợp cả đôi bên đều đúng. Nhưng nếu cả đôi bên đều đúng, tại sao có xung đột?!

Câu trả lời rất đơn giản: bởi vì bên này không chấp nhận cái đúng của bên kia! Vì thế, từ trên trường quốc tế xuống tới các tòa án gia đình, mới phải có những người làm công việc hòa giải. Nhưng trong những trường hợp như của cháu, thì chẳng có ai đứng ra hòa giải cả, mà kết quả, hay hậu quả sẽ tới hoàn toàn tùy thuộc vào suy nghĩ và phản ứng của đôi bên. Nghĩa là, gia đình cháu cần phải biết thông cảm cho cháu, và cháu cũng phải biết thông cảm cho gia đình.

Trong khi cả đôi bên cần có thái độ giống nhau, thì vì cháu là con, phải biết tôn trọng cha mẹ; còn cha mẹ cháu, vì đã sinh cháu ra, phải thương yêu cháu.

Thực vậy, một người con hư tới mức nào, nếu biết kính trọng cha mẹ và cha mẹ vẫn thương, là chuyện bình thường; nhưng một người con đã hư lại còn không biết kính trọng cha mẹ, mà cha mẹ vẫn thương, cũng không phải là điều khó hiểu.

Bởi thế, không ít cha mẹ đã bị mắng vốn, bị chỉ trích, chê bai vì thương yêu cả những người con chẳng ra gì. Không phải những cha mẹ ấy không biết phải trái, đúng sai, nhưng tình thương con cái là những gì tự nhiên, xuất phát từ trái tim chứ không từ khối óc, thì biết làm sao bây giờ?!

Cho nên, cháu phải dứt khoát từ bỏ suy nghĩ cho rằng cháu bị gia đình ghét bỏ chỉ vì cháu không chịu nghe lời cha mẹ để lấy chồng. Những gì mà cháu cho là sự phân biệt đối xử (discrimination) của cha mẹ, thực ra chỉ là hình thức bày tỏ lập trường trước lối sống khác người của cháu (cha mẹ cháu nghĩ như thế). Cha mẹ cháu coi sự bày tỏ lập trường ấy là bổn phận, là trách nhiệm làm cha làm mẹ. Thái độ của cha mẹ cháu sẽ thay đổi hay không là tùy thuộc vào việc cháu có nghe lời hay không, nhưng có một điều chắc chắn là cha mẹ cháu không bao giờ hết yêu thương cháu! Cháu phải tin vào điều này, bởi đó là quy luật tự nhiên. Và nếu tin, thì cháu sẽ thấy chính mình đang làm cho cha mẹ phải đau khổ, mặc dù cháu tự xét mình KHÔNG LÀM ĐIỀU GÌ SAI.

Vậy, lời khuyên duy nhất của cô là: cho dù cháu nghĩ gì về cha mẹ mình, hãy tiếp tục kính trọng, và đừng tìm cách xa lánh gia đình. Dĩ nhiên, cháu không thể tránh được những cảm giác khó chịu, nhưng vẫn còn tốt đẹp gấp trăm nghìn lần việc cháu tự ý từ bỏ gia đình!

Thanh Lan