Hỏi và giải đáp 401: “Miệng lưỡi thế gian”!

17 Tháng Sáu, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý với nữ độc giả AN, một người tự nhận là “người mẹ đau khổ”. Vì tính cách tế nhị của câu chuyện, TL chỉ xin viết đại khái hoàn cảnh của bà AN như sau: Y, con gái của bà có bầu với một di dân da màu.

* * *

Bà AN thân mến,

Hai nỗi lo lắng lớn nhất, và đôi khi cũng là hai sự bất lực khiến các bậc làm cha mẹ đau khổ nhất nơi xã hội mới, là quyền tự do của con em trong việc lựa chọn ngành học và lựa chọn người yêu. Tuy nhiên, trong khi việc con cái lựa chọn ngành học bất chấp mong ước của cha mẹ, chỉ khiến chúng ta buồn bực, đau khổ do hành động của chúng, thì trong việc con cái lựa chọn người yêu không xứng đáng, cha mẹ còn bị đau khổ thêm vì sự dèm pha, chê cười của người ngoài!

Theo suy nghĩ của TL, chê cười, dèm pha trên sự đau khổ của người khác là một trong những cái tệ hại nhất của con người, nhưng hầu như ai cũng mắc phải.

Nhận rõ tệ nạn này, các cụ mới khuyên chúng ta:

“Cười người chớ có cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười!”

Thế nhưng, hình như không mấy ai chịu nghe theo lời khuyên ấy, hoặc chỉ tới khi mình bị “cười” lại, mới chịu nhận ra giá trị của nó thì có hối hận cũng đã muộn. Tuy nhiên, muộn vẫn còn hơn không bao giờ!

Có đáng nói chăng là trường hợp những người may mắn không hề bị vương vào bất cứ thứ gì có thể bị thiên hạ chê cười, thì họ có quyền nhìn xuống để cười người cho thỏa thích!

Thí dụ (TL nhấn mạnh: chỉ thí dụ thôi) có gia đình ông bà Z, trước năm 1975 ở VN đã quyền thế, danh giá, giàu có, xinh đẹp…, tức là được ông trời ưu đãi về tất cả mọi mặt. Với những điều kiện thuận lợi ấy, đương nhiên việc vượt biên cũng thoải mái, an toàn hơn, rồi sang xứ người, con cháu cũng có nhiều điều kiện, cơ hội thành đạt hơn là những gia đình kém may mắn.

Tới khi thế hệ thứ hai trưởng thành, thì việc dựng vợ gả chồng cũng dễ dàng đạt tiêu chuẩn “môn đăng hộ đối”. Rồi các cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối” ấy lại tiếp tục sản sinh ra những cậu ấm cô chiêu xinh đẹp ăn vóc học hay, v.v… và cứ thế mà tiếp nối.

Đó chính là những trường hợp đủ sức bác bỏ câu nói “không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”!

Nhưng, như TL đã cẩn thận rào đón ở trên khi viết: “… thì họ có quyền nhìn xuống để cười người cho thỏa thích”, tức là cùng ở vào cái thế có quyền cười người khác, nhưng trên thực tế không phải ai cũng hành xử cái quyền ấy.

Đó là những người hiểu biết, tự trọng, đánh giá người khác qua nhân cách, tâm hồn của họ chứ không qua vật chất và thành công ở đời. Những người này, cảm kích trước việc được trời phật ưu đãi hơn người, thường tìm cách trả lại ơn ấy qua các công việc từ thiện, một cách âm thầm chứ không phải ồn ào để lấy tiếng. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp có mục đích lấy tiếng, chúng ta cũng phải nhận xét, phê phán một cách công bình: chẳng hạn, trong khi lấy tiếng, cũng đem lại phúc lợi cho biết bao người, thì cái việc lấy tiếng cũng là một hình thức làm gương cho người khác.

TL phải vòng vo tam quốc để bà nhận ra rằng gia đình kia trong khi có “thế” để chê cười gia đình bà, thì lại chẳng có gì đáng để  nể trọng, bởi vì tất cả chỉ là “cha truyền con nối”. Bà không nên mặc cảm, còn trong trường hợp con trai bà mang mặc cảm với bên vợ thì đó là cái “dở”, cái “yếu” của con bà!

Đi vào việc giải quyết chuyện tình cảm của cháu Y, giờ này bà có chê trách cháu thì cũng đã quá muộn. Thái độ đúng đắn nhất là tôn trọng chuyện tình cảm của cháu, tôn trọng quyền làm cha, làm mẹ của cháu và người bạn trai. NHƯNG dứt khoát không cho cưới hỏi trong lúc này. Nếu anh ta thực sự yêu thương cháu Y và đứa con, anh ta sẽ phải tìm cách vươn lên để ở lại Úc, rồi sau này hợp thức hóa cũng không muộn. Hơn là vội vã hợp thức hóa trong khi không biết lòng dạ, ý đồ của anh ta ra sao.

Con gái không lấy chồng mà sanh con đương nhiên sẽ trở thành đề tài của miệng lưỡi thế gian, nhưng nếu bà tổ chức đám cưới và chỉ 4, 5 tháng sau cháu Y đã sinh con, thiên hạ cũng có đề tài “tiền dâm hậu thú” để chê cười, trong khi đó, cháu Y có thể sẽ bị ê chề, dở dang một đời trong trường hợp sau này bị anh ta bỏ rơi để về lấy một người vợ bản xứ!

Thanh Lan