Hỏi và giải đáp 402: Chồng cũ “hồi tâm”?

19 Tháng Sáu, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư cháu X, một người bị chồng bỏ và nay đang muốn quay về. Xin tóm tắt câu chuyện của cháu X như sau:

X và chồng (A) quen biết và yêu nhau từ ngày còn đi học. Sau khi có sự nghiệp, hai người kết hôn, con cái ra đời, cuộc sống khá hạnh phúc. Chỉ “khá” chứ không “hoàn toàn”, bởi vì A là một chàng trai đào hoa, bay bướm nên dù đã có vợ, vẫn được các cô gái độc thân dành cho nhiều cảm tình.

Rồi chuyện gì phải tới đã tới: A đi lại với B, một cô gái sexy và rất chịu chơi. Khi hai vợ chồng đối mặt, A không hề chối, cũng không nói sẽ chấm dứt với B, cho nên X quyết định ly dị. A rời nhà đi chung sống de facto với B. Mấy năm sau, A và B chia tay, A ngỏ ý muốn quay trở lại với gia đình. Ba má X khuyên con gái không nên “ráp lại”, riêng X thì phân vân, không còn yêu A như xưa nhưng vẫn thương, lại muốn con cái có cha sống bên cạnh…

Ý kiến Thanh Lan:

Cháu X thân mến,

Đứng trước các trường hợp vợ chồng chia tay nhau, nay có cơ hội “châu về Hiệp phố”, cô thường tìm cách khuyên hai người trở lại với nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp của cháu, cô phải e dè, thận trọng.

Thứ nhất, bản chất của A là đào hoa, bay bướm. Chính vì thế mà ngày xưa cháu, cũng như các cô gái khác, đã xem A là một cái “prize”, ai cũng muốn chiếm lấy, mà không cần nghĩ tới việc A sẽ có thay đổi sau khi thành vợ chồng hay không?!

Và những gì xảy ra sau đó cho thấy A không hề thay đổi. Bất cứ cuộc chia tay nào giữa vợ chồng cũng có những nguyên nhân phức tạp, mà người ngoài không thể biết, hoặc không thể hiểu được, vì thế không nên phán đoán. Nhưng riêng với những người  đàn ông đã có con với người bạn đời, thì một khi họ quyết định chia tay vợ, chúng ta có quyền suy đoán như sau:

Một là người vợ ấy quá quắt, người chồng không thể nào chịu đựng nổi nữa, đành phải chia tay, mặc dù biết rằng làm như thế là mình mất quyền nuôi nấng, kề cận các con. Hai là người chồng ấy, tình nghĩa phu thê đã chẳng coi ra gì, mà tình phụ tử dành cho con cái cũng nhẹ tựa lông hồng, cho nên mới đánh đổi tất cả để lấy vòng tay của một cô gái trẻ đẹp, thu hút hơn.

Tới đây, có lẽ cô khỏi cần phân tích thêm, cũng có tới 99% độc giả sẽ đồng ý với cô rằng A của cháu thuộc loại người thứ hai. Khi bỏ cháu và các con để đi xây tổ ấm với B, chắc chắn A đã không âm thầm nhỏ một giọt lệ nào cho tình nghĩa phu thê, đã không áy náy lo ngại cho phúc lợi, tương lai của mấy đứa con.

A và B tới với nhau vì đam mê, sôi nổi, vì nhu cầu hưởng thụ chứ chưa chắc đã có chút tình yêu nào trong lòng. Mà một khi đã thiếu yếu tố tâm hồn thì đam mê nào cũng có lúc nguội lạnh, sôi nổi cách mấy cũng trở thành nhàm chán!

Cô không dám nghĩ xấu hoàn toàn cho A, nghĩa là rất có thể việc A muốn quay về, bên cạnh nguyên nhân đã chán B, còn nghĩ tới  tình cũ nghĩa xưa với cháu, và tình phụ tử đối với mấy đứa con. NHƯNG, cứ tạm thời lạc quan tin rằng sau bài học nhớ đời ấy, A sẽ an phận thủ thường, tự hậu sẽ trở thành người chồng trung thành, người cha gương mẫu, chúng ta còn phải xét về phần người vợ và những đứa con.

Trước hết nói về người vợ, trong trường hợp này là cháu. Người Việt Nam mình thường ví von “ly nước đã đổ không thể nào hốt cho đầy lại như cũ”. Nếu áp dụng vào trường hợp những “đứa con hoang đàng”, không chịu mở rộng vòng tay tha thứ, có thể là cố chấp, nhưng xét về tình nghĩa vợ chồng, thì cho dù người vợ còn yêu chồng, có lòng khoan dung tới đâu, chắc chắn cũng sẽ không bao giờ quên được sự phụ bạc của người chồng.

Người tây phương có câu “forgive not forget” – tha thứ nhưng không quên. Áp dụng vào trường hợp của cháu hiện nay, cháu có thể tha thứ cho tội phản bội của A, nhưng liệu cháu có thể quên việc A đã từng ôm ấp một người đàn bà khác – không phải “one night stand”, cũng không phải là hứng tình đột xuất tìm “của lạ”, mà trên cơ sở chung sống thường trực – hay không?!

Hỏi là đã trả lời.

Cho nên, trong trường hợp của cháu, cô xin được đứng về phía ba má cháu. Cháu có thể tội nghiệp cho A, nhưng hãy nghĩ tới tương lai: hạnh phúc chưa chắc đã tìm lại được mà còn chuốc thêm đau khổ, rồi chia  tay thêm một nữa thì thật chẳng sao cả. Tốt hơn hết, cháu hãy tha thứ cho A, nhưng đừng tưa đưa mình vào hoàn cảnh khó xử. Hãy coi A như một người bạn trên đường đời, và nếu có thể, cháu hãy tìm một người “bạn đời” khác.

Thanh Lan