Hỏi và giải đáp 404: Chồng, con, và người yêu cũ (2)

24 Tháng Sáu, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

Sau khi đăng câu chuyện của bà X và góp ý với bà trong việc giải quyết chuyện người yêu xưa muốn gặp con gái, TL đã nhận được thư góp ý của nam độc giả VT ở Victoria. Vì ông VT không đồng ý với ý kiến của TL, và đưa ra những phân tích nghe rất hữu lý, TL xin đăng nguyên văn thư.

* * *

Cô Thanh Lan kính mến,

Câu chuyện của bà X rất cảm động, ai đọc cũng cảm thấy ấm lòng. Phải chi người nào đó trong gia đình bà đừng tiết lộ bí mật với ông A, có phải là đẹp không?! Nhưng một khi ông A đã biết, thì câu chuyện trở nên khác hẳn.

Thú thực, đọc bài “Chồng, con, và người yêu cũ”, tôi rất trân trọng ý kiến và lý luận của cô. Đọc một lần, tôi nằm trong số 99.9% độc giả đồng ý với giải pháp cô đưa ra là tiếp tục để cháu Y nghĩ rằng ông B là người sinh thành ra mình. Nhưng đọc lần thứ hai rồi suy nghĩ, tôi nhận thấy nếu chúng ta xét tới tận cùng khía cạnh tình cảm của con người, e rằng có sự thiệt thòi cho ông A, tức là cha ruột của cháu.

Nói cách khác, giải quyết chuyện này không đơn giản, và không thể sử dụng lý luận “ưu tiên cho người xứng đáng được ưu tiên”. Nhưng kể cả trong trường hợp chấp nhận lý luận ấy thì “ưu tiên” trong câu chuyện này chỉ là ưu tiên của ông A và cháu Y. Còn ông B, sự cao thượng của ông đã được đền bù rồi, đó là hạnh phúc hôn nhân với bà, cho nên trong việc giải quyết “tình phụ tử” hiện nay, ông là người ngoài cuộc.

Như vậy, câu viết của cô TL “nếu cộng phần của B và Y lại thì rõ ràng là “cha con” họ xứng đáng được ưu tiên gấp chục lần A” không còn áp dụng được nữa. Cho nên tôi chỉ xét về phần ông A và cháu Y.

Trước hết, ngày xưa ông A không có lỗi gì vì ông không hề được biết bà X có thai với mình; thứ hai, hiện nay gia đình ông đã tan vỡ, dù ông có con thì con cũng đi theo mẹ. Như vậy ông là người cô đơn. Trên thế gian này không thiếu gì người cô đơn, nhưng nhìn vào chúng ta thấy họ vẫn sống bình thường, thậm chí đôi khi ra vẻ còn yêu đời hơn không ít đồng loại may mắn có người yêu, bạn đời, con cái…

Nhưng một khi biết mình có một đứa con gái với người yêu xưa, và biết rõ hiện nay con mình đang ở đâu, thì ông A không còn là một người cô đơn bình thường nữa. Bởi vì, tùy thuộc vào những diễn tiến sau đó, một là ông sẽ hết cô đơn, hai là ông càng cô đơn hơn trước.

Cô TL viết rằng vì phúc lợi của con, ông A phải hy sinh. Tôi hoàn toàn đồng ý nếu như cháu Y năm nay còn vị thành niên, hoặc đã trưởng thành nhưng đang học hành dở dang, hay đang vướng bận yêu đương. Nhưng ở đây cháu đã có sự nghiệp và một gia đình riêng. Việc biết sự thật về xuất thân của mình không đến nỗi là một cú “shock” cho Y, hay “đảo lộn cuộc sống yên ấm của tất cả mọi người trong cuộc” như cô TL đã viết.

Vì thế, tôi xin góp ý kiến của mình trong việc giải quyết chuyện này như sau:

– Ưu tiên áp dụng những ý kiến cô TL đã đưa ra trong kỳ trước. Trong trường hợp này, bà X phải khuyên ông A lấy hạnh phúc của con làm hạnh phúc của mình, nghĩa là từ trong bóng tối chứng kiến con mình tiếp tục sống với tình cảm, sự yêu thương của “cha mẹ” như từ trước tới nay.

– Trường hợp ông A muốn nhìn con, thì bà X phải chiều: cho cháu Y biết xuất thân của cháu, và cho hai cha con gặp nhau.

– Không nhất thiết phải cho chồng bà X (B) biết việc này. Và có nên cho ông ấy biết hay không là quyền quyết định của cháu Y.

Nhưng theo suy nghĩ của tôi thì nếu cha con A + Y đã nhìn nhau nên cho ông B biết. Tôi là đàn ông, tôi hiểu đàn ông: một khi biết sự việc, ông B sẽ không mang tư tưởng “mất con” như cô TL đã lo xa. Ông ấy đã cao thượng ngay từ đầu, không có lý gì nay lại nhỏ nhen, hẹp lượng. Hơn nữa, ông còn cảm thấy ấm lòng trước việc cha con A + Y nhận nhau, và hãnh diện với chính lương tâm của  mình.

Về phần cháu Y, cháu sẽ có tới “hai người cha”. Sự “đảo lộn”   trong cuộc sống nếu có cũng chỉ là nhưng bỡ ngỡ mang tính cách giai đoạn mà thôi.

VT