Hỏi và giải đáp 405: Luôn có một giải pháp!

26 Tháng Sáu, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý kiến với cháu A về một đề tài cũ hàng nghìn năm nhưng chưa bao giờ chấm dứt hẳn, đó là việc hôn nhân không được cha mẹ đồng ý.

A, đã có sự nghiệp và không còn khỏ dại, lại còn “đi sau” các em vì tình duyên lận đận. Hiện nay, A quyết định xây dựng với Y, một người mà trước mắt gia đình A, còn thua kém cả những người đã bị gia đình ngăn cản, chống đối trước kia. Nghĩa là A không một chút hy vọng gia đình sẽ chấp nhận!

A dự tính sẽ cùng Y đi về một phương trời thật xa…

Ý kiến Thanh Lan:

Cháu A thân mến,

Cháu đã ngần ấy tuổi, lại không còn nhiều cơ hội, cho nên cô xin miễn có ý kiến về chuyện tình giữa cháu và Y. Chỉ biết cầu mong cháu tìm được hạnh phúc, không được trọn vẹn thì ít ra cũng “có còn hơn không”.

Tuy nhiên, việc cháu dự định cùng Y bỏ đi xa, cô khuyên cháu bình tâm suy nghĩ cho thật kỹ. Bởi vì bỏ đi là một giải pháp bất đắc dĩ, giải pháp sau cùng!

Nếu cháu bỏ đi với Y, trước mắt sẽ không hề có chân trời hồng, chân trời tím như trong thơ nhạc, mà là một chân trời xám. Lâu đài tình ái, một túp lều tranh hai trái tim vàng, suối mơ bên bờ thu vắng… đều không có trên trần gian này. Bỏ đi hay ở lại, cháu cũng phải sống trong một thực tế: nào là công ăn việc làm, nào là bạn bè, nào là người thân, v.v…

Cô không phủ nhận việc trước kia, cô đã từng đưa ra giải pháp “bỏ đi” cho một vài bạn trẻ, nhưng chỉ đưa ra như một “option”, và cô luôn luôn khuyên các bạn trẻ ấy còn nước còn tát, khi nào đã hoàn toàn tuyệt vọng, hãy tính tới giải pháp bỏ đi. Hoàn cảnh của cháu hiện nay, nếu đi vào từng chi tiết, thì cũng không có gì đáng phấn khởi và nhiều hy vọng cho lắm, nhưng nếu nhìn một cách tổng quát, cũng chưa đến nỗi gọi là không lối thoát.

Bởi vì trong chuyện hôn nhân, cha mẹ cũng như con cái, không chỉ có một lựa chọn duy nhất: “yes” hay “no”, mà còn có “between”. Cái “between” ấy, người ta gọi là “giải pháp”.  Ngay tự chữ “giải pháp” đã cho biết giữa các bên có sự xung khắc, nhưng vì không thể một mất một còn cho nên đã buộc lòng phải thỏa hiệp, nhân nhượng.

Thực tế cho thấy, các giải pháp chính trị thường khó đạt tới, và kể cả trong trường hợp đạt được, chưa chắc các phe đã thi  hành một cách nghiêm chỉnh. Nguyên nhân là ngay từ căn bản, họ không phải là kẻ thù thì cũng là đối thủ của nhau. Nhưng trong việc giải quyết chuyện tình cảm gia đình nói chung, trường hợp của cháu hiện nay nói riêng, không ai là kẻ thù của ai cả. Vậy tại sao không chịu thỏa hiệp để đi tới một giải pháp dung hòa?!

Qua những gì xảy ra trong cộng đồng mình từ ngày tới Úc định cư, cô thấy cứ trong 10 trường hợp lúc đầu không ai chịu nhịn ai, cuối cùng có 8, 9 trường hợp giải quyết ổn thỏa.

Cô nhấn mạnh: ổn thỏa chứ chưa chắc đã êm đẹp. Bởi vì nhiều khi cha mẹ phải ngậm bồ hòn làm ngọt, và con cái phải nín thở qua sông.

Nhưng sau đó, nếu đôi trẻ hạnh phúc thì vị đắng của bồ hòn sẽ tan dần, và con cái cũng không cần phải e dè, giả dối với cha mẹ nữa.

Cho nên, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, cô có đôi lời khuyên cháu như sau:

– Cố tránh tranh luận trực tiếp với cha mẹ, bởi vì cha mẹ sẽ không bao giờ chịu đuối lý, về phần cháu sẽ chán nản, bất mãn, bực tức thêm.

– Không nên vì bị chống đối mà xa cách gia đình. Khi cha mẹ chửi mắng con cái “đi cho khuất mắt” là nói ngoài miệng, không phải tự đáy lòng.

– Không nên cái gì cũng nghe lời Y, hành động theo áp lực của Y. Bởi vì thứ nhất, Y sẽ coi thường cháu; và thứ hai, làm như thế, cháu càng khiến cha mẹ thêm buồn giận, cứng rắn.

– Anh em trong nhà cũng là những đồng minh đắc lực, nếu như cháu và Y biết cách tranh thủ cảm tình.

Cháu làm được những điều  kể trên, cô tin tưởng tới 90% cha mẹ cháu sẽ đổi ý.

Thanh Lan