Hỏi và giải đáp 409: Xem tông xem giống

05 Tháng Bảy, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL rất đắn đo khi trả lời thư của bà X, bởi vì trong xã hội chúng ta đang sống, dù ở Úc hay Mỹ, trong hay ngoài nước, luôn có đủ mọi thành phần, mỗi thành phần có lối sống, suy nghĩ, và quan niệm khác nhau về những gì mà ta gọi là “hưởng thụ” và “đạo đức”, nếu TL viết không khéo, rất dễ gây hiểu lầm, thậm chí đụng chạm. Cho nên, xin được thưa trước: sau đây chỉ là chỉ là những góp ý của TL với với bà X, để bà giải quyết chuyện gia đình của bà, chứ TL không khẳng định quan niệm của bà về “đạo đức” là khuôn mẫu bắt buộc cho người khác.

* * *

Sơ lược chuyện của bà X: cậu A, thứ nam của bà, và cô B yêu nhau đã mấy năm trời. Ngay từ đầu, bà X đã không chấp nhận B vì lý do gia đình: cha mẹ B tuy có tiền nhưng xuất thân từ tầng lớp bình dân, cả hai đều đi casino, anh chị em của B không người nào học hành tới nơi tới chốn, ăn nói thô lỗ, cuộc sống gia đình nói chung rất thiếu đạo đức…

Nhưng A nhất quyết chỉ lấy B chứ không chịu chia tay. Mấy năm trôi qua, chồng bà X chịu thua, có ý muốn tổ chức đám cưới, nhưng bà cương quyết phản đối tới cùng, muốn chung sống thì cứ việc chung sống, nhưng bảo bà đứng ra cưới hỏi thì không bao giờ!

Cuối cùng, hiện nay cả gia đình về phe A, kể cả vị lãnh đạo tinh thần cũng khuyên bà nên chấp nhận, và bà nhờ TL làm “trọng tài”…

Ý kiến Thanh Lan:

Bà X thân mến,

Như TL đã viết ở phần đầu, bà miễn cho TL việc đánh giá người khác để chỉ nói về những gì bà nên làm cho dù trong bụng không vui.

Thứ nhất, bà viết rằng tự do yêu đương là con dao hai lưỡi, TL còn có thể đồng ý, nhưng viết là tai hại bạc triệu thì phải xét lại. Bà không thể lấy quan niệm của thế hệ trước ra để làm mẫu  mực cho thế hệ sau. Lớp trẻ ngày nay có quyền tự do lựa chọn người bạn đời thì hạnh phúc lâu bền hay tan vỡ sớm, chính họ phải chịu trách nhiệm. Cha mẹ không có quyền xen vào thì cũng không phải chịu trách nhiệm. Dĩ nhiên, về mặt tinh thần, đã làm cha làm mẹ thì phải quan tâm lo lắng, nhưng can thiệp được tới đâu hay tới đó, chứ không mang tính cách quyết định.

Vậy nếu cháu A đã chọn cháu B, sau mấy năm trường bị mẹ ngăn cản mà vẫn không chịu thua, là cháu đã tìm được tình yêu của đời mình. TL không lãng mạn theo kiểu các văn sĩ, thi sĩ, nhưng phải nhìn nhận thời buổi này mà có được những cặp yêu nhau gắn bó như thế, là điều hiếm quý.

Cho nên, TL cũng dứt khoát đứng về phe cháu A. Nghĩa là TL khuyên bà nên lo liệu việc trăm năm cho A và B, bắt đôi trẻ phải chờ đợi thêm nữa tội nghiệp. Và vô ích!

A lấy B, bà không vui là lẽ đương nhiên, nhưng nói theo kiểu người tây phương thì chưa phải là “the end of the world”. Qua kinh nghiệm đường đời, TL cũng đồng ý với bà rằng “tông giống” là yếu tố rất quan trọng để đánh giá nàng dâu, chàng rể tương lai, nhưng đó là ngày xưa, khi giáo dục của gia đình đi liền với sự phát triển của người con, còn ngày nay, bên cạnh giáo dục của gia đình, các bạn trẻ còn chịu ảnh hưởng từ nhiều môi trường khác: trường học, hội đoàn, bạn bè…, cho nên “sen trong bùn” không còn là những trường hợp hiếm hoi.

Có một điều bà phải công tâm nhìn nhận là cháu A của bà “có tông có giống”, vậy một khi cháu đã yêu B, và chỉ muốn lấy B làm vợ thì hẳn cháu phải nhận ra nơi B những ưu điểm, và một sự hòa hợp tốt đẹp. Nói cách  khác, B không “tông, giống” nhưng với A đáng yêu đáng quý. Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ!

Thứ đến, khi yêu nhau thì người ta thường tìm cách làm đẹp lòng nhau. Chiều hướng đó, cùng với môi trường mới là “nhà chồng”, sẽ dần dần thay đổi từng phần, hoặc hoàn toàn thói quen, suy nghĩ, quan niệm của B. Không phải vì B khinh chê cha mẹ, anh chị em của mình, mà chỉ vì những yếu tố khách quan đã thay đổi B một cách tự nhiên.

TL viết có lẽ hơi khó hiểu, nhưng đại ý là vợ chồng bà, các anh chị của cháu A càng “welcome” B, thì mọi việc trong tương lai càng thêm tốt đẹp.

Cái khó khăn nhất là quan hệ giữa hai gia đình suôi gia. Cần phải có sự tế nhị, có thể không thân nhưng cũng đừng ra mặt khinh chê, xa lánh. TL tin rằng khi nào A&B có con, lúc đó bà sẽ thấy ý kiến của TL là đúng.

Thanh Lan