Hỏi và giải đáp 424: Tiền bạc không đem lại hạnh phúc?

09 Tháng Tám, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư em A, một người vợ trẻ đang ưu tư trước việc “tiền bạc không đem lại hạnh phúc” và “ba vạn sáu nghìn ngày là mấy”….

Xin trích đăng những đoạn chính trong thư:

… Hai vợ chồng em đều có good job, từ này các con lên tiểu học hết, nếu có cơ hội là tụi em làm overtime tối đa, không ngoài mục đích bảo đảm cho tương lai lâu dài về sau. Hiện nay, chúng em đã có … căn nhà, em cảm thấy đã đủ và cũng vì bản thân bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, em muốn tốp bớt nhưng chồng em (B) không chịu. Anh ấy bảo còn khả năng làm ra tiền thì phải cố gắng. Khi em nói hiện nay mình đâu còn cần tiền như lúc mới lấy nhau nữa, thì anh ấy nói “thu nhập mỗi tuần bằng đó đã quen rồi, nay giảm bớt cảm thấy không yên tâm”…

Khi em thú nhận là em đã cảm thấy mệt mỏi, B nói em giảm bớt làm việc. Em biết B nói thật tình, vì vợ chồng tụi em rất thành thật với nhau, hiểu nhau, chứ không đẩy đưa, giả dối. Nhưng làm sao em có thể xả hơi trong khi A vẫn tiếp tục bù đầu một tuần 7 ngày, mỗi ngày hơn chục tiếng?!

Em không biết lao động tay chân thì sao chứ lao động trí óc quá sức nó tác hại tới sức khỏe của con người một cách rõ rệt… Em thực sự muốn hai vợ chồng giảm bớt làm việc, bởi vì hiện nay em đã cảm nghiệm được hai câu nói “tiền bạc không đem lại hạnh phúc”, và “life’s too short…”. Xin chị TL giúp ý kiến cho em.

Trả lời của Thanh Lan:

Em A thân mến,

TL viết ngay để em yên tâm: khi nhìn lại những đoạn đường đời mà mình đã đi qua, hầu như trong tất cả chúng ta, không ai hoàn toàn thỏa mãn với bản thân mình, và thường tự nhủ, đại khái “biết vậy ngày ấy mình đã làm thế này, thế khác…”, hoặc “giá mình được làm lại từ đầu…”.

“Không perfect” là bản chất tự nhiên của con người, và “không hài lòng với bản thân” cũng là tâm lý tự nhiên của con người. Và nếu mặc cảm “không perfect”, “không hài lòng với bản thân” ấy xuất phát từ việc mình đã “chỉ biết cày chứ không chịu hưởng thụ” thì quả chuyện… tốt đẹp!

Khi viết như thế, TL có hơi cường điệu thật đấy, nhưng không hề “vuốt đuôi”, tức là tìm cách khen vợ chồng em. Trên thực tế, có những cặp vợ chồng trẻ, hoặc người chồng hay người vợ, chỉ biết kiếm tiền; không chỉ xem đó là một nhu cầu mà trở thành “nghiện”. Hậu quả, vợ chồng không còn thì giờ dành cho nhau, cho con cái, hai chữ “hạnh phúc” trở nên trống rỗng, và trong không ít trường hợp, đã tan vỡ vì một trong hai người đi tìm nguồn an ủi trong vòng tay lạ!

Mức độ “mê tiền” nơi vợ chồng em (cứ tạm gọi như thế) chưa đáng bị xem là “bệnh”,  nhưng nếu không tìm cách giảm bớt, sẽ có tác hại. Điều may mắn cho vợ chồng em là một trong hai người đã kịp thời nghĩ lại trước khi quá muộn.

Dĩ nhiên, nếu cả hai người cùng biết nghĩ lại thì chẳng còn gì tốt bằng, nhưng nếu chỉ có một người thì người ấy nên là người vợ. Bởi vì trong gia đình, con cái cần sự gần gũi của mẹ hơn là của cha; và giữa hai vợ chồng với nhau, sự chăm lo, săn sóc (hầu hạ!), âu yếm của người vợ dành cho người chồng, cần thiết hơn là của chồng dành cho vợ.

Vậy, nếu B không chịu stop tốp bớt, tạm thời em cứ để B tiếp tục “cày”; còn em  nếu thực sự cảm thấy mệt mỏi, nên làm việc ít lại. Và để tránh mặc cảm “mình xả hơi trong khi B vẫn tiếp tục bù đầu một tuần 7 ngày, mỗi ngày hơn chục tiếng”, em phải bù đắp lại bằng cách chăm lo việc nhà, săn sóc chồng con nhiều hơn trước.

Có nghĩa là em phải tạo ra được một sự “difference” cho B thấy được và cảm kích trước sự “difference” ấy. Rồi dần dần tìm cách gián tiếp bắt buộc B phải làm việc ít đi; chẳng hạn thấy vé du lịch cuối tuần ở Tasmania chỉ còn nửa giá, thì mua liền, để “đặt con trâu trước mũi cày”; dần dần B sẽ tìm lại được những thích thú của thưở “honeymoon” ngày nào.

Tóm lại, chuyện của em không có gì rắc rối và đáng ngại, vấn đề đặt ra chỉ là làm sao em cho B thấy ngoài việc kiếm tiền, đời người còn nhiều sinh thú, nhưng chỉ có một khoảng thời gian giới hạn nào đó để mà hưởng.

Thanh Lan