Hỏi và giải đáp 427: Dắt con về ngoại!

16 Tháng Tám, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư cháu X, một người mẹ… con với hoàn cảnh như sau:

Cách đây… năm, X về Việt Nam lấy chồng (Y). Vì hoàn cảnh gia đình, hai người chỉ mới đoàn tụ cách đây mấy năm nhưng cứ gây gổ hoài. Lúc chưa bảo lãnh Y qua, X không đi casino nhưng sau khi đoàn tụ, có lẽ vì chuyện vợ chồng không được vui vẻ cho nên X cùng bạn bè sinh tật đi casino, đến nỗi bao nhiêu tiền cũng hết, và Y cũng chơi theo! X viết:

…Một thời gian vợ chồng cháu ai cũng chơi hết tiền hết bạc. Rồi vợ chồng cháu hứa sẽ bỏ cờ bạc và làm lại từ đầu. Vợ chồng cháu đã bỏ nhau nhiều lần rồi, cháu bỏ đi nhiều lần và cũng đã nhiều lần anh năn nỉ cháu về. Nhưng bây giờ cháu đã không còn đi casino nữa, còn chồng cháu còn đi hay không cháu cũng không biết. Anh cứ lạnh lùng với cháu, cháu ở nhà cũng giống như con sen vậy, dọn dẹp quần áo nhà cửa. Còn anh muốn cháu nấu ăn cho anh, anh bỏ đại mấy chục bạc kêu cháu mua đồ về nấu ăn. Anh đi làm thích về giờ nào thì về, nhiều khi cháu và mấy đứa con ở nhà trông chờ anh tới tối mới về. Còn những ngày anh không đi làm thì anh qua nhà bạn bè rủ nhau đi chơi mấy ngày mấy đêm mới về. Cháu không chịu nổi cảnh này nữa, có nhiều lúc cháu muốn bỏ chồng cháu để dắt mấy đứa con về ngoại ở nhưng cháu lại không làm được vì sợ mấy đứa con của cháu tụi nó không có cha. Nhưng chồng cháu cứ đi đi về về mà không thèm nói gì với cháu, cháu thiệt khổ tâm lắm…

Cháu không biết phải làm sao. Cháu có nên tiếp tục chịu đựng cái cảnh này hay là cháu bỏ chồng cháu cho rồi và dắt mấy đứa con về bên ngoại sống?…

Ý kiến của Thanh Lan:

Cháu X thân mến,

Trước hết cô thành thật chúc mừng cháu đã bỏ được tật đi casino, bởi vì nếu cháu không bỏ được thì dù cô có đưa ra những ý kiến hay tới mức nào, cũng bằng thừa.

Bây giờ nói về chuyện gia đình của cháu, vì trong thư cháu không cho biết nguyên nhân tại sao ngay từ ngày mới đoàn tụ, vợ chồng cứ gây gổ hoài, cho nên cô cũng không có lời khuyên nào trong việc vun xới hạnh phúc, tình nghĩa vợ chồng. Về cách giải quyết tình trạng hiện nay, theo cô, cháu nên khuyên nhủ, cảnh cáo Y trước khi có quyết định. Vợ chồng chung sống với nhau có bằng đó đứa con thì chẳng đặng đừng mới phải nghĩ tới giải pháp chia tay.

Trước hết, cháu phải cho Y biết một người chồng, một người cha mà đối xử với vợ con như Y hiện nay là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cháu không nên “lên lớp” Y như cha mẹ dạy bảo con cái, mà phải nhỏ nhẹ giải thích cho Y thấy bổn phận của một người chồng, người cha: căn bản là đi làm về đúng giờ giấc, và phụ giúp vợ trong việc dạy dỗ, chăm sóc con cái. Cháu cũng nên nhấn mạnh việc mấy đứa con còn nhỏ rất cần tình thương của cả mẹ lẫn cha…

Nếu Y không thay đổi, cháu phải cảnh cáo, cho Y biết sức chịu đựng của con người có hạn, và tới một lúc nào đó không thể tiếp tục chịu đựng, cháu sẽ dắt con về bên ngoại.

Nếu Y vẫn bất cần, vẫn tiếp tục sống như hiện nay, cháu nên đưa các con về bên ngoại sống. NHƯNG trước khi làm công việc này, cháu không nhất thiết phải “bỏ chồng cháu cho rồi”. Cháu cũng nên biết theo phong tục tập quán và truyền thống gia đình của người Việt Nam, việc một người vợ đem con về nhà cha mẹ tá túc, chưa đủ để gọi là “bỏ chồng”, mà nhiều khi chỉ mang ý nghĩa cảnh cáo để chồng nghĩ lại.

Thông thường, nếu quan hệ giữa vợ chồng chưa tới mức cạn tào ráo máng, tức là không muốn nhìn mặt nhau nữa, thì người đàn ông cho dù không còn mặn nồng với vợ, cũng phải nghĩ tới các con, và tới bên ngoại xin đón vợ con về.

Trường hợp anh ta tự nhủ “đi cho đi luôn” thì chẳng còn gì để nói nữa. Cháu có thể tự đưa ra một thời hạn nào đó, thí dụ nửa năm, nếu Y vẫn không qua bên ngoại bày tỏ thiện chí thì cháu có thể “bỏ chồng cho rồi”.

Nhưng cho dù vợ chồng cạn tào ráo máng, không còn muốn nhìn mặt nhau, thậm chí coi nhau như kẻ tù, thì cũng phải nghĩ tới các con, đừng bắt những đứa trẻ vô tội ấy trở thành nạn nhân của cha mẹ. Có nghĩa là không được gieo vào đầu óc chúng những tư tưởng bi quan, tiêu cực bằng cách cố gắng vẽ ra một hình ảnh xấu xa về người cha của chúng. Hãy để chúng tự nhận xét phê phán khi đã có đủ trí khôn.

Theo các nhà tâm lý học, một phần không nhỏ hậu quả tai hại do các vụ ly thân ly dị gây ra chính là việc cha, mẹ cứ tìm cách nói xấu lẫn nhau với mục đích lôi kéo con cái về phe mình, mà không biết rằng làm như thế là đầu độc chúng.

Thanh Lan