Hỏi và giải đáp 430: Hôn nhân đa chủng

23 Tháng Tám, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL xin được góp ý kiến với nữ độc giả A về việc “cưới rể” bất đắc dĩ. Xin rất sơ lược câu chuyện như sau:

X, con gái bà A, yêu anh bạn học Y, một du sinh từ một quốc gia Á châu. Từ lâu bà A đã biết X say mê và thân mật với Y, nhưng bà vẫn cắn răng chịu đựng, và thầm cầu mong cho X sáng suốt nghĩ lại. Nhưng chẳng những việc đó đã không đến, nay X còn đòi kết hôn với Y. Bà A và cả đại gia đình đều phản đối, vì cho rằng Y muốn lợi dụng X để được ở lại Úc… Nhưng X đã nhất quyết “Ba má không chịu đứng ra thì tụi con tự lo liệu…”

Ý kiến Thanh Lan:

Bà A thân mến,

Trước khi vào đề, TL xin được rào đón như sau: cho tới nay, nếu không kể việc sử dụng máy dò nói dối, thì chúng ta vẫn vô phương xét đoán lòng dạ con người – nhất là trong lĩnh vực tình yêu. Cho nên mọi ý kiến, cố vấn đều chỉ biết dựa trên đa số, còn đúng hay sai, chỉ tới khi có kết quả, mới có thể biết được.

Đi vào câu hỏi của bà, TL có thể viết ra thực tế phũ phàng mà không một ai có thể phủ nhận, đó là những cuộc hôn nhân mà trong tiếng Anh người ta gọi là “marriage of convenience”: hôn nhân với mục đích thủ lợi.

Trường hợp tốt đẹp nhất là đôi bên đều có lợi. Chẳng hạn các cuộc hôn nhân giữa đàn ông tây phương với phụ nữ Á châu, phụ nữ Đông Âu. Một phía thì kiếm được một cô vợ trẻ đẹp, một phía thì tới được miền đất hứa.

Trong những trường hợp đôi bên đều có lợi ấy, về lâu về dài lại đưa tới những kết quả khác nhau, tính từ trên xuống dưới là:

(1) Hòa hợp, hạnh phúc lâu bền.

(2) Thiếu hòa hợp, không hạnh phúc cho lắm nhưng vẫn không đi tới chia tay, có thể vì người đàn ông “tiếc của”, có thể vì người đàn bà không đến nỗi tàn nhẫn vô lương tâm, hoặc vì cả hai.

(3) Chia tay vì không hòa hợp.

(4) Chia tay sau khi người có đầu óc lợi dụng đã đạt được mục đích của anh ta, cô ta…

Chuyện tình cảm của cháu X nói riêng, của các bạn trẻ yêu, kết hôn với du sinh nói chung, cũng sẽ đi tới những kết quả tương tự, có “better” chăng là có thời gian, cơ hội tìm hiểu nhau trước khi tiến tới tình yêu hay hôn nhân.

Nhưng dù tìm hiểu kỹ lưỡng tới đâu, chúng ta cũng chỉ có thể thăm dò, ước đoán, chứ không thể biết đích xác lòng người. Đó là những trường hợp sáng suốt, chưa nói tới những trường hợp say mê mù quáng!

Vì thế, cho dù X là một cô gái thận trọng, và gia đình bà không phản đối, không cho rằng Y muốn lợi dụng X để được ở lại Úc, TL trong cương vị một người giúp ý kiến, và với những gì đã xảy ra trước mắt, cũng khuyên bà như sau: một khi cháu X đã đưa ra “tối hậu thư”: ba má không chịu đứng ra thì tụi con tự lo liệu, bà phải chấp nhận thua, nhưng thua cách nào để nếu xảy ra những kết quả tệ hại nhất, mình cũng đỡ “đau”.

Đó là nên tổ chức đám cưới càng đơn giản càng tốt, với mục đích hợp thức hóa hơn là ra mắt họ hàng, bạn bè. Để sau này nếu xảy ra trường hợp thứ tư (Y chia tay sau khi đã đạt được mục đích của anh ta) mình cũng không đến nỗi phải cắn lưỡi.

Nhưng trong khi không tổ chức linh đình, thì trước mắt cũng không tỏ ra hậm hực, cay đắng với con gái, và không nên ghét bỏ, lạnh lùng với Y. Bởi vì biết đâu, những gì tốt đẹp nhất sẽ đến. Dù mong manh, vẫn nên nuôi hy vọng.

Thanh Lan