Hỏi và giải đáp 451: “She says – He says”

11 Tháng Mười, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Như quý vị còn nhớ, cách đây không lâu, TL đã trả lời thư của một người vợ trẻ với những điều “khó nói” trong quan hệ tình dục với chồng. Đại khái là vì anh chồng trẻ không chiu quan tâm tới “feelings” của vợ, nên đưa tới tình trạng “bad timing” (chồng đòi hỏi vào lúc vợ đang mệt mỏi, khó chịu, hoặc lúc vợ hứng tình thì chồng lại tỉnh bơ, v.v…)

Tuần này, TL nhận được thư của cháu A, một người chồng trẻ nêu ra những gì hoàn toàn ngược lại: vợ không chịu “chiều” chồng, hoặc có khi tỏ thái độ hờ hững, thậm chí cáu gắt…

Vì khuôn khổ của một ‘tờ báo gia đình”, TL không thể đăng thư của cháu A, và phần góp ý kiến cũng sẽ được trình bày một cách chung chung để tránh việc người trong cuộc có thể nhận ra chính mình đang bị đưa lên bàn mổ!

* * *

Trước hết là tình trạng mà cháu A gọi là các bà vợ trẻ sau khi có một hai đứa con, đã quên mất ông chồng của mình, hoặc hạ thấp chồng xuống “ưu tiên 2”.

Đây không phải lần đầu tiên “khiếu nại” này được đưa lên ‘Hỏi và giải đáp’, mà trước kia đã có vài ba ông chồng than thở rồi. Và TL không thể đưa ra những ý kiến chính xác cho từng trường hợp. Bởi vì trên thực tế, có khi lỗi của cô vợ, có khi lỗi của ông chồng, cũng có khi sự việc được tả oán quá mức.

Một cách chung chung, thì dù người vợ có lỗi ấy, cũng phải xét xem nguyên nhân chỉ là sự vô tình (bận bịu với con cái nên không còn thì giờ dòm ngó tới chồng) hay là cố tình (chán nản không còn hứng thú nữa). Nói cách khác, người chồng phải tự xét lại bản thân xem mình có thông cảm, phụ giúp đỡ đần vợ trong “việc nhà” hay không, nhất là trường hợp cả hai vợ chồng đều đi làm. Nếu không thì phải sửa đổi, không phải chỉ với mục đích “lấy điểm” vợ mà còn vì đó chính là “tình nghĩa” vợ chồng.

Trường hợp mình đã tận tụy mà vợ vẫn chỉ coi chồng là “ưu tiên 2” thì phải chấp nhận, và tìm cách “chiêu hồi” bằng thiện chí, âu yếm, ngọt ngào hơn là than phiền trách móc, không có lợi gì cả!

Thực ra, ở vào tuổi 30, người đàn vẫn còn sung sức. Tuy nhiên “hoàn cảnh” (chứ không phải sức khỏe) mới đóng vai trò then chốt trong việc hứng tình.

Cho nên, những cơ sở “sex therapist” của người tây phương mà cháu A nhắc tới, quả thật không chỉ có những khách hàng đã nửa chừng xuân mà nhiều khi cả những cặp vợ chồng trẻ. TL không thể đưa ra những kết luận tích cực hay tiêu cực về nghiệp vụ này, mà chỉ có thể viết: nếu vợ chồng lấy nhau vì tình yêu, cả hai đều có sự hiểu biết và ý thức, thì không cần phải nhờ tới “sex therapist”.

Như TL đã đề cập tới trong phần góp ý kiến cho người vợ trẻ đã nhắc tới ở trên, nếu người vợ quan niệm rằng phái nữ luôn luôn bị thiệt thòi trong chuyện phòng the, thì thật là tai hại cho cuộc sống vợ chồng. Tuy nhiên, thái độ hiện nay của vợ cháu A chưa hẳn đã là thể hiện của quan niệm ấy, mà nhiều khi chỉ vì hoàn cảnh.

Như vậy, muốn giải quyết, trước hết là giải quyết “hoàn cảnh” ấy. Phải tìm cách cho vợ được thoải mái, và nếu cần, phải “nín thở qua sông”, nghĩa là trong lòng không vui cũng không nên tỏ lộ ra ngoài mặt, có bất mãn cũng đừng than phiền trách móc, mà phải tận dụng mọi cơ hội để bày tỏ sự quan tâm, yêu thương… có như thế mới “dụ” nàng được. Còn nếu cứ tiếp tục cung cách “đòi nợ” thì chỉ khiến tình hình ngày càng tệ hại mà thôi.

Thanh Lan