Hỏi và giải đáp 452: Lấy chồng “Úc ta”!

14 Tháng Mười, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời một lá thư khá hóc búa, tác giả lại là một cô gái khá bản lãnh. Xin đăng nguyên văn một số đoạn trong thư:

“Cháu sang Úc theo diện du học tự túc, hiện nay đã đủ điều kiện ở lại, nhưng cháu vẫn chưa quyết định ở lại tạm thời hay vĩnh viễn: nếu lấy được tấm chồng xứng đáng thì cháu ở lại, còn không thì về VN gần gũi bố mẹ anh em, và chắc chắn sẽ có giá (với đàn ông và với sở làm) hơn là ở Úc.

Nguyên nhân chủ yếu khiến cháu đặt khả năng ở lại Úc lên hàng đầu không phải vật chất. Không phải cháu khoe với cô, nhưng thật tình là gia đình cháu ở VN không nghèo, mà cháu muốn ở lại chỉ vì lý do tinh thần: cuộc sống ở đây thật thoải mái vô tư, con người đối xử với rất tử tế, không có tính ganh tỵ, v.v…

Nhưng được cái này mất cái nọ cô ạ, cháu thấy con trai Việt Nam ở Úc đa số đều rất lười biếng, học chỉ cần đủ để lấy một cái bằng, làm chỉ đủ tiền nuôi thân, trả tiền nợ ngân hàng mua xe, cuối năm đi holiday về là sạch bách! Ngược lại, thỉnh thoảng có một vài người căn cơ thì lại căn cơ quá, tới mức keo kiệt bủn xỉn…

Bạn bè (du học sinh) của cháu thuộc lớp đi trước có mấy chị “cách mạng triệt để” là cặp với tây, họ bảo chơi với tây thoải mái, không nhức đầu, không giữ kẽ, không giả dối như con trai Việt Nam… Đó là lời các chị ấy, cháu không có cơ hội đánh giá so sánh, cháu không thích cặp với “Úc tây” đơn thuần chỉ vì thấy nó dị thế nào ấy. Trong tương lai không biết cháu có sẽ thay đổi nhận định hay không?…

Đi vào chuyện riêng tư của bản thân cháu thì nó như thế này: hiện nay cháu có hai người con trai theo đuổi: A có nhiều điều kiện thể chất, cao ráo, dễ nhìn, ăn nói duyên dáng, rất biết cách lấy lòng cháu; còn B thì hoàn toàn ngược lại, nhưng chẳng biết vì sao cháu lại có cảm tình với B nhiều.

Đấy là diễn viên chính, còn diễn viên phụ thì có chàng C, là người Úc, bạn của bạn trai Úc của một chị trong nhóm. Bố mẹ cháu là người rất hiểu biết, đặt hết tin tưởng vào cháu, nhưng cũng đề ra một số yêu cầu cơ bản: cùng chủng tộc, tôn giáo, cùng miền thì càng tốt, nhưng không giống thì ít ra cũng phải tàm tạm, đừng quá chênh lệch…

Tạm thời gạt C sang một bên, cháu còn lại hai phương hướng: (1) tiếp tục quan hệ tìm hiểu cả A lẫn B – (2) đã nghiêng theo B thì chỉ nên quan hệ tìm hiểu B mà thôi…

Ý kiến của Thanh Lan:

Cháu AT thân mến,

Bởi vì cháu đã quyết định “tạm thời gạt C sang một bên”, cô sẽ không bàn tới “phương hướng thứ ba” (tìm hiểu cả C), nhưng cũng xin được viết một cách ngắn gọn là con người dù thuộc chủng tộc nào thì cũng có chung một quan niệm, một ý thức về cái tốt cái xấu, cho nên “tây” hay “ta” không quan trọng mà  “tây” hay “ta” ấy tốt hay xấu mới là điều đáng kể.

Tuy nhiên, một khi bản thân cháu còn cho việc đó là “dị”, cô xin miễn bàn tới.

Về hai phương hướng (1) và (2) cháu đề ra, cô không đủ yếu tố  để đưa ra bất cứ ý kiến gì, mà hoàn toàn tùy thuộc vào suy nghĩ và đánh giá của cá nhân cháu. Cô chỉ có thể góp ý kiến gián tiếp sau đây: nếu bố mẹ cháu đã đưa ra những yêu cầu cơ bản thì cháu hãy dựa theo đó để cho “thêm điểm” anh chàng nào đạt được nhiều yêu cầu hơn.

Việc B không cao ráo, dễ nhìn, ăn nói duyên dáng, biết cách lấy lòng cháu bằng A, nhưng cháu lại có cảm tình với B nhiều hơn, có thể giải thích bằng nhiều nguyên nhân, chẳng hạn vì cháu thấy B có vẻ thành thật hơn, hoặc đơn thuần chỉ vì thấy B không mấy tha thiết tới mình, cháu lại có khuynh hướng muốn chinh phục B nhiều hơn!

Cháu chưa gật đầu, cũng chưa bật đèn xanh cho chàng nào thì vẫn có thể duy trì quan hệ chừng mực với cả hai, để mỗi ngày mỗi hiểu họ hơn, đồng thời cũng là một cách thử thách sự kiên trì của họ.

Điều quan trọng là đừng để họ hiểu lầm hoặc mừng hụt. Cũng là giữ tư cách và danh dự cho mình.

Thanh Lan