Hỏi và giải đáp 461: Tính toán trong tình cảm

06 Tháng Mười Một, 2018 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư của một nam độc giả trẻ, cháu A, mới yêu lần đầu đã bị thất bại chua cay. Xin sơ lược câu chuyện của cháu, và thay đổi một ít chi tiết:

A, trên 30 tuổi, trước khi sang Úc đã tốt nghiệp đại học ở VN. Vì ôm mộng du học và ở lại Úc, trong thời gian còn ở VN, A đã “hy sinh cả tuổi thanh xuân”, không dám tiến tới yêu đương với một người con gái nào, vì sợ trong tương lai sẽ phải chia tay…

“Cháu không theo trào lưu sống hưởng thụ vô lo của giới trẻ ở VN ngày nay, và cũng ảnh hưởng những lời khuyên dạy của ba cháu, cháu tự thề hứa không bao giờ phá đời hoa một người con gái mà mình không chắc sẽ lấy làm vợ, mặc dù có nhiều cô muốn làm con thiêu thân…”

Sang Úc, cách đây mấy năm, khi chưa được thường trú ở Úc, A quen biết rồi yêu B, một cô bạn cùng trường, hai người từng đi chơi, ăn  uống với nhau, và quan trọng hơn cả là A đã trao cho B mấy lá thư tình. B nói B rất “appreciate” trước tình cảm A dành cho B, nhưng B cần thời gian suy nghĩ. Cả gần 2 năm sau, B mới dứt khoát từ chối rồi đi lấy chồng (C) một cách vội vã (A biết chắc B chỉ mới quen biết C gần đây).

Hiện nay, trong những lúc cô đơn buồn chán, A lại có ý định về VN kiếm vợ, nhưng lại dẹp bỏ ý định ấy vì mặc cảm “Việt kiều”!…

Ý kiến của Thanh Lan:

Cháu A thân mến.

Trước hết, cô khuyên cháu nên dẹp bỏ mặc cảm “du dọc từ VN” (đối với người ở Úc) và mặc cảm “Việt kiều” (đối với người trong nước). Bởi vì hiểu một cách đúng đắn nhất, khách quan nhất, các chữ như “du học từ Việt Nam”, hay “Việt kiều” chỉ để nói về nơi phát xuất của người ấy, chứ không phải là tiêu chuẩn đánh tư cách, giá trị, thiện chí nơi một người con trai đang tìm người bạn đời tương lai.

Thứ đến, cô phải thành thật nhận xét rằng trong hoản cảnh xã hội và quan niệm sống hiện nay ở Úc, những người con gái như B cũng hơi hiếm. Cô chẳng ghét bỏ gì B, nhưng bởi vì cháu đã trình bày một cách chi tiết và hỏi ý kiến, cô phải trả lời cháu một cách hơi phũ phàng, trắng trợn như sau: B thuộc thành phần con gái quan niệm “If you are rich, I am single” trong hôn nhân, nghĩa là lựa chọn trước, yêu nhau sau, tức là tính toán trong tình cảm!

Nếu C không xuất hiện, một vài năm nữa, rất có thể  B sẽ chấp nhận tình yêu của cháu, và tiến tới hôn nhân. Nhưng B đã xuất hiện và tất cả những gì cháu đã hy vọng, ước mơ nay chỉ còn là quá khứ. Một quá khứ chẳng có gì đáng nuối tiếc, bởi vì  trong quá khứ  ấy cháu đã yêu nhưng không hề được đáp trả.

Cái khó xử và khó suy nghĩ hiện nay của cháu chính là đối với người Việt ở Úc, cháu vẫn là một chàng trai “du dọc từ VN”, trong khi với người trong nước, cháu đã trở thành “Việt kiều”.

Phương hướng tốt nhất, theo ý cô là nếu cháu không thấy được thuận lợi đặc biệt nào, thì cũng không nên xem đây là một hoàn cảnh “không giống ai” như cháu đã tự nhận. Muốn thế, một mặt cháu hãy tiếp tục quen biết tìm hiểu các cô gái ở Úc (khi có điều kiện) đồng thời nhờ gia đình, bạn bè tìm cho một đối tượng ở VN, để tìm hiểu.

Thời buổi này, các cháu không nên chấp nhận những cuộc hôn nhân sắp xếp, nhưng những sự quen biết, những cuộc tìm hiểu do sắp xếp thì không có gì “wrong” cả. Bởi vì xét cho cùng, các sự quen biết, gặp gỡ theo kiểu “trên dốc đá tôi tình cờ quen nàng” phần lớn chỉ có trong phim ảnh và tiểu thuyết, còn trên thực tế, đều là do gia đình, người quen biết, hay bạn bè giới thiệu.

Cháu hãy kiên nhẫn và đừng bỏ sót một cơ hội nào, chắc chắn sẽ có ngày gặp được một người bạn đời xứng đáng.

Cô,
Thanh Lan