Hỏi và giải đáp 488: Người khác miền!

13 Tháng Một, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời vắn tắt hai lá thư, thư thứ nhất của cháu A viết về sự nghi kỵ, thành kiến giữa hai gia đình khác miền có con trai con gái quen biết, tìm hiểu nhau.

Vì tính cách tế nhị của sự việc và cũng để không ai nhận ra những người trong cuộc, TL chỉ xin góp ý một cách chung chung như sau:

Người mỗi miền đều có những đặc tính, quan niệm sống, lối sống khác nhau, và lẽ dĩ nhiên là hãnh diện về những thứ đó. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều người khác miền chơi không hợp, thậm chí ghét nhau. Tuy nhiên, “nhiều” không có nghĩa là “tất cả”, và trên thực tế, nhất là sau khi ra hải ngoại có nhiều điệu kiện tìm hiểu, giao tiếp, tỷ lệ người khác miền chơi không hợp, hoặc ghét nhau đã giảm một cách đáng kể.

Bên cạnh đó, trình độ hiểu biết cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc này: nghĩa là những người hiểu biết thì dù trong lòng không ưa nhau, không hợp nhau, vẫn cố gắng giữ lễ tối thiểu để tránh đi tới tình trạng ra mặt ghét nhau.

Ngoài ra, còn phải kể tới ảnh hưởng tiêu cực của những lời đồn thổi, hoặc thổi phồng, bịa đặt… nhưng vẫn có vô số người tin, không chỉ tin mà còn bỏ công loan truyền rộng rãi. Rốt cuộc tới 9 phần 10 những gì ta được nghe nói về người miền này, miền nọ đều do nghe kể lại mà thôi.

Hiện nay, bản thân TL và đa số bạn bè đều giao kết với người khác miền một cách thoải mái, và tin rằng nếu “lỡ” con cháu – tức đám trẻ khác miền ấy yêu nhau và muốn tiến tới thì cả hai bên gia đình đều vui mừng chấp thuận.

Như vậy nếu có trở ngại chăng chỉ là trong những trường hợp hai trẻ khác miền yêu nhau mà hai gia đình không quen biết trước. Khi ấy, hai gia đình phải vì tương lai hạnh phúc của đôi trẻ mà làm đẹp lòng nhau (không làm đẹp lòng được thì cũng cố gắng đừng gây khó chịu cho nhau), còn đôi trẻ phải ra sức làm gạch nối, tốt khoe xấu che, chứ đừng về bên này thì kể xấu bên kia, sang bên kia lại kể xấu bên này!

TL có biết một hai cặp sui không những chỉ khác miền mà còn khác trình độ, không cách chi hòa hợp nhau, nhưng đôi trẻ vẫn sống hạnh phúc, bởi vì cả đôi bên đều là những người hiểu biết (common sense), muốn chê phía “đối tác” điều gì thì đợi ra khỏi nhà người ta hãy chê, và chỉ chê giữa vợ chồng biết với nhau chứ không kể lại cho con cái, thân nhân, bạn bè.

TL không muốn lên mặt dạy đời bởi chính bản thân mình cũng còn nhiều khiếm khuyết, mà chỉ đưa ra một nhận xét chung chung, đó là đa số chúng ta, nhất là đàn bà, thích kể chuyện về người khác, và chỉ kể chuyện xấu mà thôi.

Nếu chúng ta cho rằng phơi bày được cái xấu của người khác, bản thân mình sẽ đương nhiên được xem là tốt hơn, thì chúng ta đã lầm, còn nếu chúng ta kể chuyện xấu của người khác chỉ với mục đích cho “đã  miệng” thì hãy nhớ rằng những người khác bề ngoài họ đang tỏ ra thích thú lắng nghe chúng ta kể, nhưng thực ra trong lòng họ đang đánh giá thấp chúng ta đấy!

Suy ra, làm sui với nhau, dù không hòa hợp, một khi đôi trẻ chưa bỏ nhau thì mình phải cố gắng giữ “lễ” ở một mức độ nào đó, và tuyệt đối không nên nói xấu, kể xấu về nhau!

Thanh Lan

* * *

Không nên nhờ vả!

(Thư cháu X/…)

Nếu đã có đủ điều kiện, cháu nên tự mình làm đơn xin ở lại Úc, thì tốt hơn là ở lại theo diện fiancée, hay vợ chồng. Bởi vì nếu ở lại theo diện fiancée, vợ chồng, cho dù sau này không bao giờ chồng cháu nhắc lại, chỉ cần gia đình chồng khơi lại cũng đủ để cháu phải mặc cảm.

Cho nên cháu hãy làm theo lời khuyên của cô. Làm như thế không có nghĩa là mình không yêu người ta, mà chỉ muốn không để ơn nghĩa lẫn lộn với tình yêu. Để cuối cùng, thành vợ chồng  thì không còn gì tốt đẹp bằng, nhưng nếu không thành cũng không có gì áy náy, khó xử! TL