Hỏi và giải đáp 492: Sự nghiệp và con cái

22 Tháng Một, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL giới thiệu lá thư của bà A, một nữ độc giả đang quan tâm tới tình trạng mà bà gọi “không chịu sanh con” của thế hệ trẻ trong tập thể người Úc gốc Việt. TL xin đăng nguyên văn những đoạn quan trọng:

…Nhận xét của tôi căn cứ trên thực tế trước mắt cho thấy một tỷ lệ không nhỏ các cô vợ trẻ gốc Việt hiện nay không muốn có con; còn số muốn có con thì chỉ một hai đứa là ngưng. Có nhiều nguyên nhân: nào là ưu tiên cho sự nghiệp, tới khi có sự nghiệp rồi thì lại lười, lại ngại, để rồi cuối cùng xù luôn việc có con cái.

Nếu nói rằng một cặp vợ chồng không con thì cũng chẳng khác nào một cặp tình nhân chung sống de facto, chắn chắn sẽ có nhiều người phản đối, bởi vì  theo họ, hôn nhân là một “commitment” (sự giao kết) khác với những cặp  “de facto” chỉ có “agreement” (sự thỏa thuận). Nhưng theo ý kiến của tôi và cũng là của nhiều người tây phương, thì không cần biết hai người sống với nhau với tư cách vợ chồng chính thức hay chỉ là “de facto”, nếu không có con, không thể gọi là một “gia đình”. Con chó con mèo (gọi chung là pet) dù có đáng yêu, khôn ngoan tới mức nào cũng chỉ là loài vật!

Khi phải tranh luận và sắp đuối lý, những người chủ trương nuôi chó mèo thay vì có con cái, luôn luôn chỉ có một lập luận: con chó con mèo trung thành hơn con người!

Tôi không muốn gây nhức đầu cho độc giả với mớ kiến thức lý luận của mình, cho nên chỉ xin viết một cách rất ngắn gọn và đơn giản:

Sở dĩ con vật mình nuôi (pet) được xem là, hoặc tỏ ra trung thành hơn con người bởi vì bộ óc của nó không biết gì hơn là trung thành, một sự trung thành bẩm sinh với nguồn lương thực và chăm sóc mà nó được hưởng. Chỉ khi nào con vật có đầu óc ngang với con người, mà tỏ ra trung thành hơn con người thì mới nên so sánh.

Cho nên tôi có thể viết ra một cách phũ phàng như sau:

Những cặp vợ chồng nuôi thú vật để xem đó là nguồn vui thay cho con cái, thì một là họ là những người ích kỷ quá mức, hai là họ thiếu tự tin, thiếu can đảm để nhận lãnh trách nhiệm làm cha mẹ.

Đó là nói về nội bộ gia đình, còn về mặt xã hội, việc tầng lớp có học thức, có trình độ không chịu sinh con, hoặc hạn chế tới mức tối đa, sẽ góp phần gây trì trệ cho sự tiến bộ, nếu như tầng lớp kém cỏi hơn lại sanh con nhiều hơn. Và đây là thực tế phũ phàng của xã hội Úc ngày nay.

Không ít người Úc không muốn sinh con, nuôi con, đã nói bừa rằng sắc dân nào thích có nhiều con thì cứ để họ sinh con thả dàn để tăng dân số, tăng lực lương lao động của nước Úc trong tương lai. Nhưng xin đặt câu hỏi ngược lại: nếu số trẻ con có xuất thân kém cỏi ấy lại noi gương cha mẹ, ông bà của chúng, không chịu vươn lên thì rồi đây chúng sẽ trở thành những người xây dựng đất nước Úc hay chỉ là gánh nặng cho xã hội?!

Tôi không kỳ thị nhưng đọc những kết quả nghiên cứu về xã hội ở những quốc gia Âu vì lười sinh con mà nhận di dân thả cửa, nay không chỉ phải hối tiếc mà còn đối phó với bạo động giai cấp, như đã từng xảy ra ở Pháp cách đây mấy năm.

Cho nên, để kết luận, tôi mong sao các bậc cha mẹ Á đông, nói thẳng ra là người Việt, bên cạnh việc lo cho con cái ăn học thành tài, đạt được địa vị hoặc trình độ chuyên môn cao, còn phải khuyến khích chúng, nếu cần phải áp lực chúng sinh con, tệ nhất cũng là mỗi gia đình 2 đứa, để trong tương lai nếu không “quân bình được tỷ số” thì ít ra cũng có đủ nhân lực đối phó với những sắc di dân không chịu làm việc mà chỉ cố sanh cho nhiều con để lãnh tiền trợ cấp xã hội.

Nếu tôi nhớ không lầm thì đã có một ký giả uy tín của Úc đưa đề tài này lên mặt báo, và sau đó đã bị những người đạo đức giả  lên án là kỳ thị chủng tộc. Nếu xem việc làm đúng đắn của ký giả nói trên là kỳ thị, tôi cũng tình nguyện trở thành một người kỳ thị như ông ta.

A.