Hỏi và giải đáp 499: Chọn vợ “hiền” hay “sắc sảo”

07 Tháng Hai, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý kiến với nữ độc giả A, một bà mẹ đang chuẩn bị lên chức “mẹ chồng” nhưng vẫn chưa có quyết định dứt khoát trong việc lựa chọn “con dâu”.

Sơ lược câu chuyện của A như sau: X là con trai lớn của A, đã ăn học thành tài, có việc làm vững chắc. Y diện mạo trung bình nhưng tướng tá ngon lành nên rất “đắt đào”, chỉ có điều tính X ba phải, vị nể, nên cho tới nay cũng chưa biết chọn cô nào làm girlfriend chính thức. A nhấn mạnh: X không phải “playboy”, mà chỉ xem tất cả các cô như “goodfriend”. A và chồng (B) đang muốn nhắm một cô gái trong số nói trên (tất cả đều có trình độ trên trung học) để khuyên X tìm hiểu, nhưng chính vợ chồng lại không tâm đầu ý hợp.

Nguyên A thì ưng cô Y, nhan sắc chỉ trên trung bình, nhưng rất khôn ngoan, lanh lẹ, sắc sảo, mà A cho rằng sẽ trở thành một người vợ lý tưởng; trong khi B thì lại chấm cô Z, rất xinh đẹp, con dòng cháu giống, tính tình kín đáo, nhỏ nhẹ. A quan niệm “không đảm đang, lại chậm chạp, khờ khạo, thì không thể cáng đáng việc gia đình”; ngược lại, B viện vào hai câu nói “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” và “vợ hiền dâu thảo” của người Việt để bênh vực lập trường của mình…

Ý kiến của Thanh Lan:

Xưa nay không ai có thể nói mình nay, mình đúng trong việc lựa chọn người bạn đời, và cả cha mẹ dù đã một đời kinh nghiệm cũng không thể quả quyết chàng trai hay cô gái mà mình đã chấm, sẽ đem lại hạnh phúc cho con mình. Nguyên nhân rất dễ hiểu: chỉ sau khi chung sống, đụng chạm với thực tế, đối diện với khó khăn, người ra mới để lộ hoàn toàn bản chất của mình. Cho nên mới có những cặp mà người trong cuộc thì tin rằng tâm đầu ý hợp, người ngoại cuộc thì khen xứng đôi vừa lứa, nhưng chỉ sau  mấy năm chung sống, có khi có con với nhau rồi, đã bị đổ vỡ.

Nhưng viết như thế không có nghĩa là cứ lấy “đại”, rồi… que sera sera, mà người trong cuộc (con cái, cha mẹ) cũng phải làm hết sức mình trong việc quan sát, tìm hiểu, so sánh, và tiên liệu.

Trong bằng đó việc, TL cho rằng “tiên liệu” là khó khăn và quan trọng nhất – nếu không muốn nói là mang tính cách sinh tử. Chúng ta không thể tiên đoán được “thiên cơ” nhưng chúng ta có tiên liệu được phần nào những gì sẽ xảy đến qua căn cứ vào những gì mình thấy trước mắt. Chẳng hạn nếu cháu X lấy một cô gái nào đó cũng có tính ba phải, vị nể, thì với một cặp vợ chồng như vậy, trong khi chuyện giàu nghèo, thành công thất bại không ai có thể đoán trước, việc nuông chiều, thả lỏng con cái, việc bị người đời lấn lướt, qua mặt, lợi dụng, là những gì gần như chắc chắn sẽ xảy ra.

Ai cũng muốn lấy được “vợ hiền”, ai cũng muốn có “dâu thảo”, thế nhưng nếu hiểu chữ “hiền” theo nghĩa tiếng Việt 100% (chứ không phải chữ “hiền” trong từ Hán – Việt), thì một người vợ hiền quá sẽ không dạy dỗ được con cái, sửa trị được ông chồng và đối phó với mẹ chồng – trong trường hợp con cái cứng đầu, ông chồng bê bối, và mẹ chồng khắc nghiệt.

Chính vì không biết trước được chồng con của mình sẽ ra sao, mẹ chồng của mình là người như thế nào, khi đi lấy chồng, nếu cô gái mang theo được chút hành trang “khôn ngoan lanh lẹ sắc sảo” thì tốt hơn là những thứ “xinh đẹp, con dòng cháu giống, kín đáo, nhỏ nhẹ, hiền lành…”

Tới đây, đi vào việc chọn vợ cho cháu X, TL hoàn toàn đồng ý với em A trong việc chấm cô Y (nhan sắc chỉ trên trung bình, nhưng rất khôn ngoan lanh lẹ sắc sảo). Nguyên nhân chính, mà các bà mẹ giàu kinh nghiệm có thể nhận ra ngay, là vì X là một chàng trai “ba phải, vị nể” nên cần phải có một cô vợ khôn ngoan lanh lẹ sắc sảo, bằng không trong tương lai, cuộc sống nội bộ cũng như “đối ngoại” của gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Chỉ có một điều mà ai trong chúng cũng cầu mong, là người vợ khôn ngoan lanh lẹ sắc sảo ấy, chỉ sử dụng “bản lãnh” của mình trong những trường hợp cần thiết, làm sao để chồng con nể phục nhưng không kinh sợ, để mẹ chồng nể nang nhưng không ghét bỏ, để người ngoài nể sợ nhưng không thù hằn.

TL không dám quả quyết cô bạn Y của cháu X sẽ trở thành một người vợ “perfect” ấy, nhưng nếu em A là người biết tiên liệu, TL khuyên em nên chọn Y, chứ không nên theo ý của chồng mà chọn cô Z.

Thanh Lan