Hỏi và giải đáp 500: Lấy chồng một đời vợ

10 Tháng Hai, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý với lá thư của cháu X, một cô gái đang tuyệt vọng vì bị gia đình chống đối việc hôn nhân. Tóm tắt hoàn cảnh của cháu như sau:

X, gần 30, sự nghiệp, nhan sắc, ngoại hình, và cả gia thế đều hơn người, được khá nhiều chàng trai theo đuổi nhưng lại yêu A, một người hơn X hơn 10 tuổi, từng có vợ con nay đã ly dị. Khi hai người mới quen nhau, chẳng những A không dấu diếm hoàn cảnh gia đình của mình mà còn khuyên X nên nhận lời một trong những người đang theo đuổi X mà A cho là xứng đôi vừa lứa. Nhưng X dứt khoát bác bỏ, bởi vì đã dành trọn trái tim cho A.

Dĩ nhiên, gia đình X kịch liệt phản đối, vì cho rằng một người con gái có quá nhiều ưu điểm như X không thể chấp nhận thiệt thòi làm “kẻ tới sau”, trong khi có bao người khác theo đuổi!

Không chỉ phản đối suông, gia đình còn cấm A tới nhà, và cho X biết nếu X lấy A thì sẽ từ!

Hiện nay X rất đau khổ, hoang mang, không biết phải quyết định cuộc đời của mình ra sao, nhưng chắc chắn X thà ở vậy chứ không lấy ai khác ngoài A…

Ý kiến Thanh Lan:

Cháu X thân mến,

Đứng trước hoàn cảnh của cháu, không chỉ một mình TL mà tới 99% độc giả sẽ về phe cháu. Nhưng nếu chuyện ấy xảy ra trong gia đình mình, nghĩa là cũng có một con gái “số một” như cháu mà lại “phải lòng” một người đàn ông đã từng có vợ con, thì có lẽ cả cô lẫn không ít độc giả sẽ xét lại!

Bởi vì khi dựng vợ gả chồng cho con cái, cha mẹ nào cũng mong muốn môn đăng hộ đối, xứng đôi vừa lứa. Vì thế, lời khuyên đầu tiên của cô là cháu không được oán trách gia đình, mà phải hiểu rằng phản ứng quyết liệt của gia đình chẳng qua cũng chỉ phát xuất từ trách nhiệm làm cha mẹ. Nói cách khác, gia đình cháu có quyền “ghét” A, nhưng cháu không có quyền “ghét” gia đình mình.

Nhưng những gì cô vừa viết ra, hoàn toàn không có nghĩa nói cháu phải theo lệnh của gia đình, mà chỉ có mục đích để cháu duy trì những suy nghĩ tốt đẹp về những người thân yêu ruột thịt của mình. Bởi vì không cần biết rồi đây cháu sẽ quyết định ra sao, đường tình duyên của cháu sẽ tốt đẹp hay lận đận, cháu phải làm sao để gia đình luôn luôn là điểm tựa, là nguồn an ủi, hay ít ra cũng là nơi chốn cất giữ bao kỷ niệm thân thương, êm đềm.

Sau khi đã có những suy nghĩ đúng đắn, cháu mới có thể an tâm quyết định theo một chiều hướng đúng đắn. Viết thẳng ra là dành tất cả mọi ưu tiên cho hạnh phúc của đời mình.

Trước hết, nói về lĩnh vực tình cảm, chuyện yêu đương giữa cháu và A không có gì “wrong”. Thứ đến, nói về xứng đôi vừa lứa, nếu hai người vừa thật lòng yêu nhau, vừa xứng đôi vừa lứa thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu tiến tới hôn nhân mà hoàn toàn, hoặc đặt nặng trên tính toán sao cho xứng đôi vừa lứa, coi nhẹ sự hòa hợp thì cuộc hôn nhân ấy không bền, hoặc nếu có bền thì cũng chỉ vì không muốn, không dám bỏ nhau sợ người ta cười!

Cho nên, một khi cháu yêu A và biết chắc A yêu mình thì phải tranh đấu một cách bền bỉ. Trong thời đại này, thông thường thì 10 gia đình, có ít nhất 9 sẽ phải chấp nhận, dù không đẹp lòng, dù phải miễn cưỡng đứng ra lo liệu.

Quan sát những cuộc nhân duyên bất thành vì không môn đăng hộ đối, vì không xứng đôi vừa lứa, cô thấy đa số là do người con gái, hoặc cả hai người, yếu ý chí, thiếu quyết tâm hơn là vì gia đình cấm cản bằng mọi giá, chống đối tới cùng. Nói cách khác, nếu cháu và A vừa cương quyết vừa chịu đựng, sớm muộn gia đình cháu cũng sẽ chấp nhận.

Thanh Lan