Hỏi và giải đáp 505: Hồng nhan đa truân?

21 Tháng Hai, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư em A, một thiếu phụ đang chán nản trong cuộc hôn nhân mà em gọi là “bốc đồng”. Xin rất sơ lược nội dung thư:

A, ngoài 30, là một người khá nhan sắc. Ngày mới tới Úc, A sống với thân nhân nhưng không hòa hợp, cho nên sau khi quen và yêu X, A muốn tiến tới hôn nhân càng sớm càng tốt, nhưng gia đình X lại không chấp nhận A. X hứa sẽ tự mình đứng ra kết hôn với A, nhưng sau khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì lơ là dần, cuối cùng A quyết định chấm dứt. Ngay sau đó, A quen Y, một người có vợ con còn ở VN, nhưng đã dứt khoát với vợ sau khi hay tin bà ta đã chung sống với một người đàn ông khác. Y bảo lãnh các con sang Úc, rồi cưới A.

Mặc dù vật chất dư thừa, cuộc chung sống chưa bao giờ được hoàn toàn hạnh phúc, mà theo A nguyên nhân chính là Y không chiều chuộng vợ (không bạo hành nhưng ăn nói cục cằn thô lỗ), bên cạnh đó, các con riêng của Y càng lớn càng tỏ ra hỗn láo với kế mẫu, mà A nghi là có sự xúi dục của mẹ chúng. A ân hận, muốn ra đi nhưng vì đã lỡ có con với Y nên thương con mà cứ chần chờ…

Ý kiến của Thanh Lan:

Em A thân mến,

Tất cả mọi rắc rối trong cuộc đời là em gọi là “đa truân” của mình, em phải chịu trách nhiệm ít nhất là một nửa do sự thiếu suy nghĩ của mình. Không hòa thuận với người thân thì có nhiều phương cách để tự lập, sống riêng, không nhất thiết phải vội vã lấy chồng.

Thời nay, hầu như giới trẻ đã hoàn toàn chủ động trong việc tìm người bạn trăm năm – có kết hôn hoặc chỉ de facto – mà không chịu nhận thức một điều: có ý kiến của người lớn bao giờ cũng tốt đẹp hơn. Em kém may mắn vì không có cha mẹ anh em ở cạnh, nhưng biết bao cô gái khác có nhưng lại “có cũng như không” vì không chịu nghe những lời khuyên đúng đắn của những người trừng trải hơn mình, khách quan hơn mình.

Cho nên ai chê TL bảo thủ thì cứ chê, TL vẫn duy trì quan niệm cha mẹ phải gần gũi con cái (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) để dẫn dắt chúng và trở thành nơi nương tựa khi chúng cần tới.

Chẳng hạn trường hợp em A, nếu có cha mẹ anh em ở Úc, thì chưa chắc em đã có ý định kết hôn sớm, và trong trường hợp em bị gã sở khanh X lường gạt thì chưa chắc em đã tìm lối thoát bằng cách vội vã kết hôn với Y…

Nhưng thôi, trở lại với chuyện của em A, bây giờ mọi chuyện đã lỡ, em nhận hay không nhận những dại khờ, lầm lỡ của mình trong quá khứ thì cũng vậy thôi. Giờ này là lúc nhìn về phía trước với thực tế là những đứa con riêng của chồng và thái độ của chồng.

Trước hết nói về những đứa con riêng của chồng, TL xin ngắn gọn như sau: hãy quên chúng đi, sớm muộn một ngày nào đó chúng cũng sẽ tự lập và rời bỏ gia đình.

Bởi vì thực tế cuộc đời đã cho thấy giữa dì ghẻ và con chồng luôn luôn có một sự phân cách, nhiều khi biến thành đối lập. Trong trường hợp của em, mẹ của chúng lại còn sống, thì dù bà ta có bước thêm 3, 4 bước nữa thì cũng vẫn là người đã sinh ra chúng, em khó lòng cầu mong quan hệ tốt đẹp với chúng được. Vậy thì chỉ còn cách nhẫn nhục đợi tới ngày chúng vỗ cánh bay xa.

Thứ đến là chồng em. Dù trong thư em không viết rõ nhưng TL biết là Y có công ăn việc làm vững chắc và địa vị hơn người. Nghĩa là nếu không lấy em, Y có thể lấy một cô gái khác một cách dễ dàng.

TL không biết người vợ trước của Y xinh đẹp hấp dẫn, bản lĩnh tới mức nào, nhưng việc bà ta chê “miền đất hứa” để ở lại VN với một người đàn ông có chức phận thì  TL có quyền hiểu rằng bà ta rất “có giá”! Mà bà ta càng “có giá” thì Y càng tiếc, càng  đau!

Có thể giờ này Y không còn tiếc nữa, nhưng cái đau thì không biết tới bao giờ. Cho nên rất có thể thái độ (ăn nói cục cằn thô lỗ) của Y chỉ là hành đông giận cá chém thớt, hoặc chỉ để giải tỏa những bực tức trong lòng.

Vì thế, TL góp ý kiến với em như sau:

Tiên trách kỷ hậu trách nhân, em phải tự xét xem Y luôn luôn có thái độ ấy hay chỉ thỉnh thoảng, và nếu chỉ thỉnh thoảng thì những lúc ấy em có làm gì sai trái hay không?

Kể cả trong trường hợp em không làm gì sai trái, thì cũng phải tìm hiểu xem Y đang tức giận bực mình vì ai, vì cái gì? Có khi Y bực mình với mấy đứa con nhưng lại tội nghiệp chúng “không có mẹ” nên không dám tỏ thái độ với chúng, cứ thế dồn nén tới mức không thể đựng được nữa bèn trút lên đầu vợ!

Tóm lại em phải nhìn lại con người mình. Trường hợp hiện nay hoặc rồi đây, em cho rằng mình đã làm hết sức mình để xây dựng hạnh phúc gia đình, đã hy sinh nhịn nhục mà Y vẫn tiếp tục đối xử với em như thế, thì em có quyền ra đi.

Trường hợp việc đó xảy ra, lời khuyên của TL sẽ là: nếy ra đi thì ra đi với mục đích tìm cách xây dựng lại cuộc đời, chứ không phải ra đi rồi sống buông thả vì đã chán ngán tình người, vì đã quá mệt mỏi trong hôn nhân.

Thanh Lan