Hỏi và giải đáp 514: Trai Việt, trai Úc 

14 Tháng Ba, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư em H, một cô gái độc thân đầy đủ mọi điều kiện (dung mạo, học thức, sự nghiệp…) nhưng đã gần 30 mà vẫn  chưa tìm được người vừa ý.

Trước hết, H cho biết trong số những chàng gốc Việt đang theo đuổi hoặc quen biết, H không chấm được ai:

…Người thì nóng tính, người thì độc đoán, cố chấp, người thì nhu nhược, nhút nhút, người thì keo kiệt bần tiện, người lại hào phóng hoang  phí… Bên cạnh đó, theo truyền thống đàn ông Á Đông (trong đó có VN) thường quan niệm người chồng là boss trong gia đình, miệng lúc nào cũng nói “ladies first” nhưng trong lòng lại nghĩ  khác…

Trong khi đó, H quen biết và có cảm tình với một thanh niên Úc và nhận thấy tính tình anh ta rất thoải mái. Nhưng:

…Em cũng thường nghe nói, có khi em thấy tận mắt thực tế người tây phương (thuộc cả hai phái) rất là hời hợt về mặt tình cảm, hôn nhân rất dễ tan vỡ, đường ai nấy đi là thường…

Theo suy nghĩ và quan sát của em, ưu điểm nhan sắc chỉ có giá trị trong thời gian quen biết, còn khi đã thành vợ chồng rồi thì bản lãnh quan trọng hơn. Vậy nếu em là một người con gái thiếu bản lãnh thì nên chọn người chồng tương lai là Việt Nam hay  ngoại quốc?

Trả lời của Thanh Lan:

Em H thân mến,

Thư em viết hơi dài và… lung tung, nên cô cũng không hiểu hết  ý của em để mà trả lời một cách chính xác. Cho nên, cô chỉ biết đưa ra một số ý kiến, coi như những lời khuyên chung chung, thấy cái nào đúng vào hoàn cảnh của mình thì em áp dụng nhé.

Trước hết là những “nề nếp cũ” của Á đông và quan niệm sống hiện đại của người tây phương. Thông thường, người ta có khuynh hướng “đổi cũ thay mới”, nhưng nếu áp dụng vào trường hợp này thì giả sử một người tây phương thích theo truyền thống Á đông, ta sẽ gọi là “bỏ mới theo cũ” hay sao!

Vì thế, suy nghĩ và cách tiếp cận đúng đắn nhất trong quan hệ giữa người Á đông với người tây phương là cũ mới hài hòa bổ sung cho nhau.

Cái “cũ” của người Á đông chúng ta chúng ta là trong gia đình thì vợ phải phục tùng chồng, tuy ngày nay vẫn còn duy trì nhưng so với thời trước, chẳng hạn cách đây nửa thế kỷ, thì nay mười phần chỉ còn hai, ba.

Còn cái “mới” của người tây phương là vợ chồng bình đẳng một cách tuyệt đối; nhưng trên thực tế, kể cả những người thuộc thành phần tranh đấu cho nữ quyền (feminist) cũng chỉ hô hào ngoài miệng, còn trong bụng chỉ mơ ước được một nửa là mừng lắm rồi. Cũng thế, không chỉ có đàn ông Việt Nam mới “…miệng lúc nào cũng nói “ladies first” nhưng trong lòng lại nghĩ  khác, mà chính đàn ông tây phương cũng “nói dzậy mà không phải dzậy”, tức là cũng cảm thấy khó chịu trước những cảnh đàn bà là “người mặc quần trong gia đình”!

Họ (đàn ông tây phương) tuy không dám nói ra công khai, nhưng trrong bụng luôn luôn mơ ước đưa đàn bà về vị trí ngày xưa, không phải để làm “nô lệ”, mà để làm “nội tuớng”.  Vì thế cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi đã có hàng nghìn quân nhân Mỹ trong thời gian chiếm đóng Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai, đã kết hôn với phụ nữ địa phương. Và trái với những lời trù ẻo độc ác (vì ghen tức) của một số bà cô ở Mỹ, đại đa số các cuộc hôn nhân dị chủng ấy đều bền lâu.

Tóm lại, TL không thể khuyên em nên chọn ai, nên tìm hiểu riêng ai trong số những người con trai em quen biết, Úc cũng như Việt, mà chỉ khuyên em nên thực tế hơn để bớt khắt khe với những người trai Việt mà em nhận xét là …nóng tính, độc đoán, cố chấp… Có như thế em mới có thể nhận xét, so sánh một cách công bằng và chính xác để chọn người chồng tương lai là Việt Nam hay ngoại quốc.

Còn về bản lãnh để giữ chồng, thời buổi ngày nay, TL cho là chuyện phụ. Bởi một khi đã phải sử dụng bản lãnh với nhau, thì… hết nước nói.

Thanh Lan