Hỏi và giải đáp 516: Trở ngại gia đình

19 Tháng Ba, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Hiếm họa lại có thư của một nam độc giả: em X, một người đã một lần tan vỡ, nay muốn xây duyên mới thì bị gia đình cô gái ngăn trở. Vì tính cách tế nhị của câu chuyện, TL xin miễn ghi nội dung thư hỏi, mà đi thẳng vào việc góp ý.

* * *

Em X thân mến,

Quả thật gia đình bạn gái em (A) đã quá khắt khe và vô lý. Nhưng lại là những “khắt khe và vô lý đáng thông cảm”. Bởi vì khi dựng vợ gả chồng cho con cái, ai mà không ưu tiên chú trọng tới trang lứa, ai mà không muốn con gái mình lấy được một người chồng “brand new”?!

Cho nên việc em tiến tới với A, tuy không có gì là sai, là vô vọng, nhưng rõ ràng là cần có nhiều cố gắng, khôn khéo và kiên trì hơn là những cuộc nhân duyên bình thường khác.

Trước hết và trên hết, em phải hiểu rằng yếu tố quyết định trong cuộc hôn nhân này không phải là gia đình A mà là chính A. Bởi vì mặc dầu trở ngại chính là việc gia đình A phản đối, nhưng nếu A nhất quyết tiến tới với em, thì gia đình cô ấy cũng phải chịu thua, ngược lại nếu A vẫn còn phân vân chưa dứt khoát, thì rất có thể trong một lúc yếu lòng, hoặc lo ngại khi nhìn về tương lai, A sẽ nghe lời gia đình để nhận lời tìm hiểu chàng B đang được mai mối.

Vậy em phải tìm mọi cách để chứng minh tình yêu mình dành cho A, và thiện chí của em trong việc xây dựng gia đình. Em phải luôn nhớ câu “xa mặt cách lòng” để lúc nào cũng bám sát A, đồng thời phải làm bất cứ những gì mà em nghĩ rằng sẽ khiến A hài lòng. Đừng tự ái! Người ta thường khuyên “phải đặt tự ái đúng chỗ” nhưng riêng trong hoàn cảnh của em, lời khuyên của TL là dẹp bỏ hoàn toàn tự ái. Việc này không có nghĩa là giả dối, mánh mung mà chỉ là một phương cách để chiếm hoàn toàn trái tim của người con gái mình yêu, và yêu mình.

Kể cả trong trường hợp tệ hại nhất là A mở miệng khen B điểm này điểm nọ, hoặc nhận lời đi chơi với B, em cũng không nên để tự ái chi phối đầu óc của mình.

Em và A đã quen biết và yêu nhau một thời gian đủ dài để A hiểu rõ con người của em, thì nay em chỉ cần tỏ ra có thiện chí và sự kiên trì, chắc chắn A sẽ không vì sự ngăn trở của gia đình mà chia tay em.

Sau khi đã chắc chắn A một lòng xây dựng tương lai với mình, em mới bước sang gia đoạn thứ hai là tranh đấu để em và A nên vợ chồng. Gọi là “tranh đấu” cho nó văn hoa, còn trên thực tế em  chỉ nên bày tỏ thiện chí và sự kiên trì của mình để gia đình A nhận ra hai điều: (1) em yêu A và sẽ mang lại hạnh phúc cho A, (2) không chấp nhận gả A cho em, rất có thể “hai đứa chúng nó sẽ tự động cùng nhau chung sống” thì gia đình sẽ mất cả chì lẫn chài!

Qua quan sát những cuộc hôn nhân không được gia đình đồng ý hay hài lòng trong mấy chục năm qua, TL nhận thấy tỷ lệ tan vỡ thấp hơn những cuộc hôn nhân được gia đình hoan hỉ vun xới.

Giải thích: một khi bị gia đình phản đối hoặc tỏ thái độ không hài lòng mà vẫn nhất quyết tiến tới với nhau, thì phải suy ra tình yêu của hai người rất sâu đậm; đồng thời biết thân biết phận mình không được gia đình hỗ trợ tinh thần, hai người sẽ cố gắng gìn giữ, nâng niu những gì có trong vòng tay, bởi đó là nguồn hạnh phúc duy nhất.

Viết như thế, TL không có ý nói bất đồng giữa đôi vợ chồng trẻ và gia đình là tốt cho hạnh phúc lứa đôi, mà chỉ muốn trình bày để các bậc cha mẹ thấy rằng: hạnh phúc hôn nhân tùy thuộc rất ít vào việc được gia đình chấp nhận hay không chấp nhận. Thành thử quan hệ giữa đôi bên nên duy trì trên căn bản quan hệ giữa người với người, có khác chăng là cách xưng hô, thưa gửi.

Thanh Lan