Hỏi và giải đáp 523: Đàn ông “đáng yêu” vì “đáng ghét”

04 Tháng Tư, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

Trong hai số vừa qua, TL đã đăng hai lá thư, một của em A, một người chồng trẻ than phiền về người vợ (B) mà em cho là “lãnh cảm”, một của bà NB góp ý, trong đó bà cho rằng có thể B là một phụ nữ có khuynh hướng lesbian… Hôm nay, TL giới thiệu lá thư thứ ba liên quan tới đề tài, của một nữ độc giả (X) tự nhận đã từng trải qua “những rối loạn tinh thần và sinh lý”. Trước khi đăng nguyên văn những đoạn chính trong thư, TL xin phép nhấn mạnh: hiện nay, kể cả trong một số xã hội phương tây, lesbian và gay tuy không còn là đề tài cấm kỵ nhưng vẫn bị xem là “nhậy cảm”, vì thế mục ‘Hỏi và giải đáp’ chỉ xem lá thư của nữ độc giả (X) là kinh nghiệm cá nhân, ý kiến cá nhân. Sở dĩ TL phải nhấn mạnh như thế là để tránh những hiểu lầm cho rằng mục ‘Hỏi và giải đáp’ muốn mở một cuộc tranh luận trên mặt báo về đề tài này, để rồi các nhà chuyên môn lại mất công tham gia ý kiến.

* * *

Chị TL thân mến,

…Em không dám khoe mình biết nhiều hơn bà NB nhưng chỉ vì bản thân mình đã trải qua cho nên có những điều mà người nào không trải qua không biết được. Trước khi viết về chuyện của mình, em xin liệt kê 3 thành phần con người xét theo tính dục:

– heterosexual: là đa số thường thấy, yêu người khác phái và chỉ người khác phái mà thôi.

– homosexual: nam gọi là “gay”, nữ gọi là “lesbian”, là người chỉ yêu người cùng phái và chỉ người cùng phái mà thôi.

– bisexual: là người có khả năng yêu cả người cùng phái lẫn người khác phái, như nữ diễn viên  Mỹ Lindsay Lohan.

Ngoài 3 thành phần kể trên, còn có một số rất nhỏ, có thể xem là thành phần thứ tư, đó là “asexual”, là những người chẳng yêu phái nào cả, bởi vì họ không cảm thấy bị thu hút bởi người khác, không cần biết là người cùng hay khác phái. Em tạm gọi là “người không thích yêu” hay “người không muốn yêu”.

Như vậy, trong trường hợp của hai vợ chồng A và B, cùng với giả thuyết cho rằng B là người lãnh cảm với đàn ông, là một cô gái lesbian hay bisexual, còn phải đề cập tới giả thuyết B là người không thích yêu.

Theo sự mô tả của A và diễn tiến tình cảm, tình dục trong cuộc sống vợ chồng của B: lấy chồng – có con – lạnh lùng, em nghi B thuộc thành phần “asexual” hiếm hoi, và nếu em nghĩ đúng, A sẽ là một người chồng kém may mắn nhất, bỏ vợ thì không nỡ, mà tiếp tục chung sống thì khổ tâm suốt đời, chưa kể không được thỏa mãn chăn gối như những người chồng có một người vợ bình thường.

Bây giờ viết về kinh nghiệm bản thân em đã trải qua. Khi mới dậy thì, em không thích con trai bởi trong đầu óc em, phái nam có bản tính đáng ghét, trong đó có cả cha em, các anh trai của em! Từ chỗ ghét phái nam, em gần gũi phái nữ, tới mức độ có thể gọi là yêu, nhưng dần dần em nhận thấy phái nữ cũng có nhiều cái đáng ghét như phái nam. Sau một thời gian phân vân kéo dài mấy năm, hoàn cảnh cơ hội khiến em gặp người con trai sau này trở thành chồng em. Thời gian đầu, em cứ ngỡ những khoái cảm trong quan hệ tình dục nam nữ đã khiến cái ghét đàn ông trong người em tạm thời lắng xuống, nhưng càng ngày về sau, em càng thấy yêu anh ấy bằng cả trái tim của mình, mặc dù anh ấy không thiếu một cái đáng ghét nào của đàn ông con trai. Nghĩ lại em thấy thật lạ lùng, càng nghĩ tới những cái đáng ghét của anh ấy em lại càng thấy đáng yêu!

Từ đó em rút ra kết luận như sau:

– Nhân vô thập toàn, nếu mình đòi hỏi nhiều quá, sẽ không thấy ai vừa ý mình.

– Hoàn cảnh, môi trường có tác dụng chi phối xu hướng luyến ái, nghĩa là thích người đồng phái hay khác phái. Cho nên em nhớ có một nữ diễn Mỹ nọ chung sống bao năm với người tình lesbian, gặp chàng quay phim thu hút bèn thử đổi “gu”, kết quả nàng đã dứt khoát với người tình lesbian, lấy chồng và có con!

Cuối cùng, em cũng nghĩ như bà NB là nếu B tiếp tục lạnh nhạt chăn gối với A, và không chịu nhờ các chuyên gia tình dục giúp đỡ, thì A nên chia tay B, để giải thoát cho cả hai.

X