Hỏi và giải đáp 525: Rể là “khách”!

09 Tháng Tư, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời một lá thư hơi “lạ” nhưng thực ra cũng là chuyện bình thường: ở rể. Em A là “út nam” trong một gia đình “nghèo”, khi quyết định tiến tới hôn nhân với B, con gái độc nhất của một gia đình ‘giàu”, thì bị nhà vợ ra điều kiện “ở rể”. A viết:

“Em không care việc này nhưng bố mẹ em không vui, và ngăn cản. Bởi bố mẹ em bảo ở rể là “chó chui gầm chạn”, nhất là gia đình vợ giàu có, sẽ bị mang tiếng là ăn bám, là kẻ nhu nhược, lệ thuộc nhà vợ, trong khi em thành đạt, có công ăn việc làm tốt, đủ tư cách để từ chối. Nhưng vì em thương B, khi B năn nỉ em lại xiêu lòng…”

 

Ý kiến Thanh Lan:

Em A thân mến,

Quan niệm không tốt về việc “ở rể” có những nguyên nhân chính đáng của nó. Tuy nhiên, vào thời buổi này, nhất là với cuộc sống ít nhiều bị xáo trộn ở hải ngoại, quan niệm nói trên không nên duy trì. Không phải vì tất cả “những nguyên nhân chính đáng” không còn chính đáng nữa, mà vì hoàn cảnh đơn chiếc trong cuộc sống tha hương và điều kiện độc lập tài chính dễ dàng ở xã hội mới.

Trước hết nói về hoàn cảnh, hai bên suôi gia phải biết thông cảm cho nhau, chứ không nên so đo, kèn cựa. Chẳng hạn trong trường hợp ba má của B, vì B là con gái độc nhất, thương yêu gần gũi suốt bao năm trời, nay bị người ta “bắt” mất thì thật là khủng khiếp. Cho nên việc ba má B đòi hỏi A phải ở rể không phải là ỷ mình giàu có để làm khó dễ đàng trai, mà chỉ vì không muốn xa cô con gái cưng.

Thứ đến là độc lập tài chính, nếu chàng rể có công ăn việc làm tử tế và không lợi dụng tiền bạc của nhà vợ, thì đâu có sợ mang tiếng ăn bám nhà vợ!

Và một khi đã không lệ thuộc tài chính, thì không có gì phải mặc cảm. Em A nên nhớ rằng không phải bất cứ lời khen chê, bình phẩm nào trên cõi đời này cũng thành thật, cũng phát xuất từ lòng tốt, kể cả của bạn bè; mà trong nhiều trường hợp chỉ là những lời giả dối, do ganh tức, hoặc tâm địa xấu.

Suy nghĩ và thái độ đúng đắn nhất là: thương yêu vợ thì phải tìm mọi cách đem lại hạnh phúc cho vợ, mà trong trường hợp này là chấp nhận ở rể; và giữ đúng vị trí, tư thế của một chàng rể.

Người Việt Nam mình có câu “dâu là con, rể là khách”. Thoạt nghe, không ít bà mẹ chồng sẽ nhún vai: “không dám đâu ạ!”, nhưng ít nhất cũng là trên nguyên tắc, sau khi lấy chồng, người con gái sẽ trở thành một phần tử trong gia đình chồng. Còn con rể thì luôn luôn được xem như một người khách, và cũng phải hành xử như một người khách (guest). Dĩ nhiên, chữ “khách” ở đây chỉ mang nghĩa tương đối, cho biết đôi bên cần “thủ lễ” ở một mức độ nào đó, chứ không thể xả láng như giữa ba má với con trai.

Từ vị trí “khách” ấy, nếu dần dần về sau được gia đình vợ xem như con ruột, thì không còn gì tốt cho bằng, ngược lại nếu gia đình vợ vẫn giữ một khoảng cách hay giới hạn nào đó, thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên, đáng buồn. Bởi vì kinh nghiệm cho thấy thà duy trì giới hạn đó còn hơn vội vã sốt sắng “hòa đồng” để rồi sau này “rã đám”.

Tóm lại, trước hoàn cảnh của A, TL khuyên em nên vui vẻ thoải mái nhận lời “ở rể”. Nếu em là người vừa có tư cách, vừa có khả năng, thiện chí, thương yêu vợ và quý trọng ba má vợ, chắc chắn em sẽ được gia đình vợ yêu quý hơn là trường hợp em không “ở rể”!

Về thái độ của bố mẹ em, TL chỉ có thể giải thích là do ông bà đã trải qua một kinh nghiệm đắng cay nào đó với “nhà giàu”  cho nên không muốn em làm rể nhà giàu. Theo TL, ai trong chúng ta cũng có tự trọng, tự ái nhưng phải biết đặt đúng chỗ. Hơn nữa, giàu có, tự nó không phải là một cái “tội”.

Thân mến,
TL