Hỏi và giải đáp 529: Tình yêu hay lợi dụng?

18 Tháng Tư, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL xin được góp ý kiến với bà X trước việc hôn nhân của con trai mà bà cho là “bị người ta lợi dụng”. Vì tính cách tế nhị của đề tài, TL xin rất sơ lược câu chuyện và thay đổi một số chi tiết như sau:

Y, con trai bà X, yêu cô bạn học Z, một du sinh từ Việt Nam. Từ lâu, bà X biết Y và Z cặp kè với nhau nhưng vì Y không bao giờ đề cập tới chuyện hôn nhân, bà cũng làm lơ. Gần đây, Y và Z tỏ ra rất thân mật với nhau, bà X nghi ngờ nhưng chưa kịp dò hỏi thì Y đã cho mẹ biết Y dự tính kết hôn với Z. Trước sự việc này, gia đình bà X chia ra phe bênh chống: bà X chống vì cho rằng Z muốn lợi dụng Y để được ở lại Úc, chồng bà chống vì Z xuất thân từ một gia đình “có công với cách mạng”, trong khi tất cả các anh chị em của Y thì lại bênh Y. Bà X cũng cho biết thêm chi tiết: Y là một người con rất có hiếu nhưng rất cứng đầu, không chịu nghe ai cả!

Ý kiến Thanh Lan:

Bà X kính mến,

Tự cổ chí kim, từ đông sang tây, mọi người chúng ta đều đồng ý với nhau rằng lòng người khôn dò, nhất là trong lĩnh vực tình cảm. Thế nhưng, không phải vì vậy mà những người chưa yêu lần nào sẽ không dám yêu, mà trên thực tế, người ta chỉ trở nên bi quan yếm thế, nghi ngại trước tình yêu sau khi đã bị ê chề.

Như vậy, quan niệm chung chung và đúng đắn nhất vẫn là nên bước vào tình trường với một thái độ tin yêu. Tin yêu không có nghĩa là mù quáng, mà chỉ là một khi chưa có dấu hiệu nào về mặt xấu của đối tượng, chúng ta không nên đưa ra quá nhiều câu hỏi, bởi vì những câu hỏi không được trả lời thường biến thành lo âu, nghi ngại.

Bên cạnh đó, còn không nên thành kiến về xuất thân (tông giống, lập trường chính trị…) bởi một khi đã sẵn thành kiến, chúng ta thường có khuynh hướng gia tăng mặt xấu và giảm bớt hoặc phủ nhận những cái tốt nơi đối tượng.

Đi vào trường hợp của cháu Y, tại sao bà không thử tìm hiểu xem cô Z có thành thật yêu con trai của mình hay không, mà lại vội vã cho rằng Z muốn lợi dụng Y để được ở lại Úc? TL không dám chê bà là người hẹp lượng, mà chỉ có thể xếp bà vào loại người đa nghi, mà những người đa nghi thì không bao giờ cảm thấy thoải mái 100% trong cuộc sống, vì lúc nào đầu óc cũng tìm cho bằng được một cái gì đó để nghi!

Lại càng đáng ngại hơn nữa, một người đa nghi khi đã nghi thì sau đó rất khó lòng chấp nhận mình đã nghi sai!

Về phần chồng bà, ông chống lại việc con trai đòi lấy con gái của một gia đình “có công với cách mạng” là hoàn toàn sai. Nếu không kể tới việc “ăn cây nào rào cây ấy”, sống dưới chế độ nào phải phục vụ chế độ đó, thì ít nhất cũng phải suy nghĩ một cách công bằng: những người con sinh ra trong các gia đình “có công với cách mạng” ấy đâu có tội tình gì, trừ trường hợp Z công khai tỏ thái độ hãnh diện hoặc ra mặt bênh vực chế độ chính trị hiện nay.

Tóm lại, trong vụ này TL hoàn toàn đứng về phía cháu Y và anh chị em của cháu. Hơn nữa, cháu Y đã gián tiếp đưa ra “tối hậu thư”: bố mẹ không chịu đứng ra thì chúng con sẽ tự lo liệu, ông bà phải chấp nhận thua. Nếu ông bà không muốn bị “mất mặt”, thì nên tổ chức đám cưới đơn giản, với mục đích hợp thức hóa hơn là trình diễn ra mắt họ hàng, bạn bè. Thế nhưng trong khi không tổ chức lớn, thì trước mắt cũng không nên tỏ ra hậm hực, cay đắng với con trai, và không nên ghét bỏ, lạnh lùng với con dâu. Bởi vì lòng người khôn dò, biết đâu rồi đây ông bà sẽ thấy những gì tốt đẹp nhất mà trước kia mình không bao giờ dám cầu vọng. Còn trong trường hợp những gì tệ hại nhất sẽ xảy ra, thì chẳng qua đây cũng chỉ là một trong vô số cuộc hôn nhân với mục đích thủ lợi, chứ đâu có phải chỉ một mình gia đình bà phải hứng chịu đâu?!

Thanh Lan