Hỏi và giải đáp 538: Vấn kế Mother’s Day!

09 Tháng Năm, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

Nhân dịp sắp tới Lễ của các bà mẹ, mục ‘Hỏi và giải đáp’ nhận được lá thư  “vấn kế” của cháu A, một ông chồng trẻ có một cô vợ trẻ mà em mô tả là “rất khó chiều”. TL xin trích đăng đoạn chính trong thư:

…Y (vợ cháu) cứ suốt ngày trách móc cháu là khi chưa lấy nhau thì cháu đối xử với cô ấy rất “điệu”, các bạn gái của Y đều ganh tỵ, nói rằng họ ao ước bạn trai của họ cũng được như cháu. Nhưng sau khi lấy nhau được mấy năm và có hai con, Y bảo rằng cháu đã thay đổi hoàn toàn ngược lại, nào là ăn nói thiếu dịu dàng âu yếm với vợ, nào là không biết tự giác cái gì vợ nhờ mới chịu làm cho xong, nào là không được một lời khen khi vợ mặc một bộ áo đẹp, nào là thở vắn thở dài mỗi khi đi vợ nhờ chở đi shopping… Nhưng cháu tự xét, những cái đó là phản ứng tự nhiên, còn trong lòng cháu thấy mình vẫn yêu Y, có khi còn tình nghĩa hơn xưa, trong khi Y lại trách cháu chỉ biết cưng yêu con cái, còn vợ mới đã thành vợ cũ! Nhân ngày Mother’s Day sắp tới, cô bày kế cho cháu với…

Trả lời của Thanh Lan:

Cháu A thân mến,

Trước khi làm công việc bày kế, cô kể cháu nghe một chuyện khôi hài mà hầu như người Việt nào thuộc các thế hệ trước cũng đều nghe qua. Chuyện như thế này:

Ngày chưa lấy nhau, chàng thường vuốt ve và hôn lên mái tóc thề của nàng, nói rằng đó là điểm đáng yêu nhất nơi nàng. Mấy năm sau khi lấy nhau, trong một bữa cơm tối, chàng gắp một gắp rau lên, đưa sát mắt nhìn, rồi quát: “Lại tóc nữa! Tôi đã nói với cô bao nhiêu lần rồi, muốn để tóc dài thì khi nấu nướng làm ơn cột lại, còn không thì cắt ngắn phứt đi cho rồi!”

Qua nghe câu chuyện trên, chúng ta không thể đi tới kết luận anh chồng đã hết yêu vợ, hoặc bớt yêu vợ. Mà chỉ là thực tế của cuộc sống nhiều khi đã khiến con người ta không còn tỏ ra đáng yêu, dễ mến như cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Hoặc có thể giải thích theo kiểu các ông uống rượu: ngày xưa, khi tui nói như thế (khen mái tóc thề) là “tình yêu” nói, chứ không phải tui nói!

Dĩ nhiên, không phải người chồng nào sau khi lấy được vợ cũng hết ga-lăng như Y đã trách cháu, nhưng nói chung, kể cả trường hợp mức độ ga-lăng không giảm bớt, thì cung cách bày tỏ sự ga-lăng ấy cũng thay đổi. Theo các nhà tâm lý gia đình, khi một người vợ mở miệng trách chồng không chịu ga-lăng như xưa nữa, thì chưa chắc đã là trách thiệt mà chỉ là trách yêu!

Cho nên, một mặt cháu đừng quá ưu tư trước những lời trách móc của Y, một mặt cháu phải tìm mọi cơ hội để tỏ sự quan tâm tới vợ (xin lỗi, có đóng kịch một chút cũng không thể gọi là giả dối). Đơn giản và dễ nhớ nhất là hễ khen con một câu thì phải khen vợ hai câu, nựng con một cái thì phải nựng vợ hai cái. Giữa vợ chồng với nhau, dứt khoát không nên “thủ đoạn”, nhưng cũng phải hiểu được rằng tất cả những gì tốt đẹp mà mình cố gắng tỏ ra với nàng chính là “bỏ con tép bắt con tôm”, không bao giờ sợ bị lỗ.

Không ít người chồng cứ so bì rồi cho rằng mình đã bù đầu với công việc ở sở thì khi về nhà, vợ phải lo săn sóc, làm đẹp lòng chồng chứ không phải chồng phải lấy điểm vợ. Quan niệm như thế là hoàn toàn sai lầm, không tốt một chút nào trong cuộc chung sống cả.

Ngày xưa, những người có tính khinh thường đàn bà con gái hay nói rằng “khối óc của đàn bà không lớn hơn cái hạt đậu”, thì bên cạnh cái sai lớn, câu nói ấy cũng có một cái đúng nhỏ: trong tình cảm, phái nữ rất dễ bị xí gạt, chỉ căn cứ vào những gì xảy ra trước mắt. Vì thế, việc chính là cháu phải tự xét mình để tỏ thái độ thương yêu chăm sóc vợ, còn quà Mother’s Day chỉ là phụ, miễn sao có ý nghĩa và hạp ý vợ cháu là được rồi. Cách cho quan trọng hơn của cho là thế.

Thanh Lan