Hỏi và giải đáp 566: Mẹ hồi xuân, con phản đối! (2)

07 Tháng Bảy, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

Sau khi góp ý kiến với lá thư của nữ độc giả X tuần vừa qua, TL nhận được thư góp ý của bà NB, một tên tuổi quen thuộc trên trang TTBĐ. Xin cám ơn bà NB và giới thiệu nguyên văn đoạn chính tới toàn thể độc giả, chứ không chỉ bà X và con gái của bà.

* * *

Những gì cô TL nêu ra, như  “thái độ cay đắng và hằn học” tới mức khó hiểu của người con gái trong truyện ngắn viết về vụ cặp kè của một bà mẹ hồi xuân, hay bất công của con cái “cha lấy vợ khác thì OK nhưng mẹ lấy chồng khác, hoặc chỉ cần có bạn trai” là có vấn đề, hoặc “quan niệm vô lý”: đàn bà đã ly dị chồng thì không được quyền hưởng hạnh phúc thêm một lần nữa, v.v…, tôi hoàn toàn đồng ý. Viết thư này, tôi chỉ muốn đào sâu, khai triển một vấn nạn mà cô TL đã nêu ra, đó là những bất công mà phụ nữ, từ đông sang tây, phải gánh chịu.

Cũng xin thưa trước, ý kiến của tôi rất có thể sẽ không được mọi người chấp nhận, nhưng tôi vẫn nêu ra, cho dù sự thật mất lòng.

Trước hết nói về bất công, tạm quên những quốc gia cực đoan nơi mà phụ nữ ngoại tình bị ném đá, còn đàn ông ngoại tình chỉ bị bắt bồi thường một con dê, con trừu, hay một số tiền là sòng phẳng, để chỉ nói tới các nước tự nhận là văn minh, thì người phụ nữ nói chung vẫn còn phải chịu nhiều bất công, của xã hội, của gia đình, của người khác phái (phái mạnh!).

Riêng trong những trường hợp người phụ nữ mưu cầu một hạnh phúc mới, sự bất công càng rõ nét hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đưa tới sự bất công ấy, trong đó “sự mâu thuẫn của con người” là nguyên nhân chính. Ông LNĐ có lần đã đưa ra một nhận xét rất tinh tế, thú vị: tại các rạp xi-nê bình dân của Sài Gòn xưa kia, hai loại phim ăn khách nhất là phim Ấn-độ và phim cao-bồi Mỹ. Phim Ấn-độ ăn khách vì đào kép đẹp, thường có cốt truyện thần tiên hoặc “xạo”, và kết cuộc luôn luôn có hậu (happy ending); phim cao-bồi Mỹ ăn khách vì các trận thư hùng giữa kỵ binh Mỹ và người da đỏ, giữa cảnh sát và bọn cướp, và cứ mỗi lần tới đoạn cảnh sát phi ngựa tới để “cứu bồ”, tức là tới để trừng trị bọn cướp thì cả rạp đồng loạt vỗ tay, mà trong số vỗ tay ấy có cả những tay du đãng chuyền nghề cướp giựt. Sau khi vỗ tay hoan hô cảnh sát, ra khỏi rạp, những tay du đãng ấy lại trở về vị trí cũ “ngoài vòng pháp luật”!

Sở dĩ có sự mâu thuẫn ấy là vì khi hòa mình vào truyện phim,  vô hình trung những tay du đãng ấy đã trở lại với “nhân chi sơ tình bản thiện” của con người.

Viết tới đây, tôi liên tưởng tới nàng góa phụ trẻ Scarlett O’Hara trong truyện (và phim) Cuốn Theo Chiều Gió. Đọc truyện, xem phim, bà cô nào mà không mến phục cái can đảm tới mức ngang tàng, cái sự bất chấp tới mức nổi loạn của Scarlett, nhưng trở về cuộc sống thực, người nào mà “ngon lành” như Scarlett chắc chắn sẽ lãnh búa rìu dư luận. Cũng thế, đọc tiểu thuyết của  Quỳnh Dao, ai mà không thương cảm cho những nhân vật đáng thương trong truyện, nhưng trên thực tế, tính nhân bản nơi người đọc chỉ được đóng khung trong truyện, một khi cuốn truyện được gấp lại, người ta lại trở về với con người thật của mình ở đời thường!

Bản thân tôi xưa kia cũng không tốt lành gì, nhưng có điều là càng lớn tuổi, tôi càng dành thì giờ để tự xét mình với mục đích phục thiện, cố gắng sống sao cho tốt đẹp hơn trước, sao cho con người của mình khi ra ngoài chợ cũng giống con người của mình lúc còn trong sân chùa!

Một bà bạn thân của tôi là con chiên Chúa cũng có suy nghĩ tương tự: bà ấy nói mục đích chính của mình khi đi lễ nhà thờ mỗi ngày Chủ Nhật là tĩnh tâm, kiểm điểm lại những điều không hay không tốt đã vấp phải trong tuần qua, rồi tự hứa tuần tới sẽ sống tốt lành hơn, chủ yếu là dẹp bỏ tính ghen ghét, nói xấu người khác; chứ đừng như ai đó vừa bước ra khỏi cửa nhà thờ đã vội phát ngôn “Cái con mẹ ngồi hàng ghế phía trước mới về Việt Nam sửa tùm tum, thấy mà phát gớm!”

Tôi không dám lên mặt đạo đức để khuyên mọi người phải chúc phúc (bless) những phụ nữ bị chồng bỏ hoặc đã ly dị chồng tìm được một hạnh phúc mới, tôi chỉ cầu mong mọi người thể hiện một sự công bằng tối thiểu, bởi vì nếu những con người kém may mắn trên đường tình ấy tìm được một hạnh phúc mới, chúng ta cũng có bị thiệt hại gì đâu!

Sau cùng, tôi cũng xin góp ý chút đỉnh về ý kiến cuối cùng của cô TL:

“Bà X và những phụ nữ đồng cảnh ngộ phải chấp nhận mọi phản ứng không thuận lợi của con cái cũng như của người ngoài”, tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng còn “nên ý tứ, giữ gìn trong cách biểu lộ tình cảm, và cả cách ăn diện, sao cho mọi người càng có ít lý do đàm tiếu càng tốt”, tôi cho rằng cô TL đã hơi lo xa.

Bởi vì theo tôi trên thực tế, “số cặp hồi xuân biểu lộ sự âu yếm nhau một cách quá thân mật ở những nơi chốn công cộng” chẳng những “không nhiều lắm” mà phải nói là “rất hiếm”. Già rồi chứ có phải học sinh trung học đâu!

Nhưng “những bà ăn mặc, trang điểm không thích hợp một chút nào với cái tuổi của mình” thì có thấy, và tôi hoàn toàn đồng ý với cô TL “đây là nguyên nhân chính khiến những người đàn bà khác có cớ để dèm pha, dị nghị, và hạ thủ một cách không thương tiếc”. Mình đang ở vào thế “thủ”, tại sao lại tạo thêm điều kiện cho địch “tấn công”?!

NB