Hỏi và giải đáp 7: Cha mẹ làm gì trước một nền giáo dục cấp tiến như ở Úc?

07 Tháng Hai, 2008 | Uncategorized

Bạn đọc  thân mến,

Thế là chúng ta đã bước sang năm 1987, tuy nhiên năm mới mà Thanh Lan lại nói chuyện cũ: Trong khoảng một tháng qua, sau khi lá thư của chị Hoài Hương được đăng trên TVTS tiếp đến là phần góp ý của Thanh Lan thì nhiều chị em đã gửi thư cho Thanh Lan liên quan đến  đề tài giáo dục con cái.

 

Nội dung của những lá thư trên đều bày tỏ sự thông cảm với băn khoăn lo lắng của chị Hoài Thương vì đó cũng là tâm tình của đa số các bà mẹ. Tuy nhiên có ít nhất là hai lá thư đã “ lên án” Thanh Lan là đã bị “ Úc hóa” vì Thanh Lan đã ca ngợi nền giáo dục của Úc  là hợp lý trong việc đem giáo dục sinh lý vào học đường.

 

Nếu thế thì qủa thực oan uổng cho Thanh Lan vì ý của Thanh Lan chỉ muốn trình bày cùng chị Hoài Hương mọi khía cạnh hay cũng như dở của vấn đề phức tạp đó. Điều quan trọng Thanh Lan muốn nêu ra đây là: Nước Úc mà chúng ta đang sống là một  trong những nước có nền giáo dục cấp tiến nhất – đặc biệt là về luân lý và sinh lý.

 

Hiện nay hầu hết các tiểu bang đều đã đem giáo dục sinh lý vào các trường công cũng như đa số các trường đạo, trong khi đó tại Mỹ mới chỉ có phần nhỏ các trường thực hiện được vì sự phản  đối của phụ huynh. Dù chúng ta là những người “ ăn nhờ ở đậu” đi chăng nữa thì con cái cũng phải đi học, có nghĩa là bị ảnh hưởng của nền giáo dục bản xứ  này!

 

Đó là việc không tránh được, mà đã không tránh được thì phải tìm cách giải quyết. Trong những lá thư mà Thanh Lan nhận được có thư của chị Ngọc Bích, một người có nhiều kinh nghiệm về ngành giáo dục, thư của chị rất dài và súc tích, nhưng Thanh lan chỉ xin phép được trích đăng vài đoạn có liên quan đến vấn đề nêu trên.

 

“ Chị Thanh Lan thân mến,

 

… khi đưa ra những nhận xét trên, không phải tôi ỷ vào cái bằng cấp về giáo dục của mình nhưng mà là qua những kinh nghiệm 7 năm hoạt động trong ngành xã hội tại Úc, đặc biệt phụ trách về Cộng Đồng Đông Dương.

 

Ta có thể kết án xã hội Úc qua những tệ đoan của nó như rượu chè, xí ke ma túy, yêu đương cuồng loạn, ly dị tự do, phá thai bừa bãi. Nhưng ta không thể đổ tội cho nền giáo dục. Đúng như chị đã viết: Nền giáo dục nào cũng nhằm vào mục đích Chân – Thiện – Mỹ, nền giáo dục Úc cũng thế. Theo các nhà Xã Hội và Luân lý học thì sự sa đọa của giới trẻ bắt nguồn từ sau Thế Chiến Thứ Hai, khởi đầu với thuyết Hiện sinh của nhà văn Pháp Jean Paul Sarte, tiếp theo là phong trào Hippy v.v… chính quan niệm sống cho ngày hôm nay đã khiến giới trẻ yêu cuồng sống loạn, cố gắng để tận hưởng mọi thú vui trên đời một cách vội vã, không đắn đo suy tính. Và dĩ nhiên giới trẻ không được những thứ đó qua nhà trường mà là qua xã hội. Nhà trường chỉ là một trong nhiều môi trường của xã hội.

 

Trở lại với nền giáo dục tại Úc, khi chúng ta đã chấp nhận nơi này làm quê hương thứ hai (dù chỉ là tạm bợ) thì chúng ta cũng phải chấp nhận nền giáo dục này cho con cái chúng ta. Tuy nhiên nói như thế không phải là “giao khoán” hay “bán cái” mọi sự cho nhà trường để rồi sau này con hư thì đổ tội cho hoàn cảnh xã hội. Trong những năm làm việc tôi đã thấy nhiều thiếu niên Á Đông hư hỏng rất mau nhưng cũng không thiếu những em vẫn giữ được truyền thống đạo đức của dân tộc!

 

Một trong những biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất để con cái không bị hư hỏng theo chúng bạn là kiểm soát. Các bậc cha mẹ Úc thường để các con tự do quá đáng. Kết quả là con không hư ở trường mà hư vì những party quá khuya, những đêm lêu lổng ở hè phố, hoặc say sưa, nghiện hút ở nhà chúng bạn… Họ tôn trọng tư do của con cái đến độ nhiều khi cha mẹ không được phép vào kiểm soát phòng riêng của chúng!

Dĩ nhiên là một xã hội văn minh như xã hội Úc cũng có rất nhiều cái hay nhưng ta chỉ nên bắt trước những gì thích hợp với nền đạo đức và luân lý Á Đông của mình…

 

Riêng đối với vấn đề giáo dục sinh lý với học sinh lớp 11 và 12 thì theo tôi quan trọng nhất là nhà trường, hay nói rõ hơn là do tư cách và sự giảng dạy của các giáo viên phụ trách môn học đó. Do đó việc lựa chọn trường học cho con cũng là việc rất quan trọng. Còn nếu chị Hoài Hương và chị Thanh Lan sợ rằng con cái học môn học đó thì dễ hư hỏng thì tôi xin đưa ra một kinh nghiệm: nếu con cái các chị mà giao du với các bạn xấu thì không cần đợi đến lớp 11 và 12 đâu mà ngay từ lớp 7, lớp 8, khi mới có 13, 14 tuổi chúng đã “rành sáu câu” rồi!

 

Tóm lại, lo âu thắc mắc về môn học nói trên cũng là điều đương nhiên của các bậc cha mẹ Á Đông chúng ta, nhưng đừng quên rằng sự giáo dục và kiểm soát của chúng ta mới là yếu tố quan trọng nhất để giữ gìn con cái trong xã hội này…

 

Thanh Lan xin thành thật cám ơn chị Ngọc Bích về lá thư với những kinh nghiệm quý báu của chị. Mong rằng chị Hoài Hương cũng như các bà mẹ cùng hoàn cảnh cũng đã rút tỉa được những điều hữu ích.

Thanh Lan xin được phép tạm chấm dứt đề tài giáo dục con cái ở đây, khi nào thuận tiện Thanh Lan sẽ đề cập đến nhiều khía cạnh phức tạp khác trong cuộc sống xứ người này!

 

Thân mến!