Cha mẹ biết kỹ thuật này sẽ cứu sống được con khi trẻ bị hóc

07 Tháng Tám, 2018 | Phụ nữ gia đình
Hình minh họa. Photo Courtesy: Internet

Nhiều trẻ bị hóc hạt nhãn, hóc thạch, hay dị vật đã chết não, tử vong do không được cấp cứu ban đầu đúng cách.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu bị hóc, sặc dị vật cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh. Cha mẹ tuyệt đối không được dùng tay móc dị vật. Hành động này có thể sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, khiến trẻ trở nên nguy kịch hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, việc sơ cứu hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ cứu được bé trong gang tấc. Nếu không kịp thời chỉ sau 5 – 6 phút, dị vật đường thở sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong.

Do đó,  khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị dị vật đường thở phải nhanh chóng xử trí không để trẻ ngạt thở. Nếu trẻ nói được, khóc được đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và gắp dị vật ra. Trong lúc đi, để trẻ ở tư thế ngồi hoặc mẹ bồng. Không can thiệp vì di chuyển, dị vật có thể làm trẻ ngưng thở đột ngột. Nếu trẻ ngưng thở hoặc khó thở nặng, thực hiện ngay thao tác vỗ lưng, ấn ngực để trẻ không bị ngạt thở.

Biện pháp vỗ lưng: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.

Biện pháp ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.

Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: đặt nằm đầu thấp úp mặt trên cánh tay. Dùng bàn tay kia vỗ 5 cái mạnh và nhanh vào lưng giữa hai vai bé. Nếu vỗ lưng không kết quả lật ngửa trẻ lên. Đặt hai ngón tay trên nửa dưới của xương ức ấn ngực 5 lần. Có thể thực hiện từ 6-10 lần thủ thuật này.

Nếu chính bạn bị hóc: Đặt một nắm tay lên trên rốn. Xòe tay kia nắm lấy nắm đấm của tay bên này và cúi người qua một bề mặt cứng – như mặt quầy hàng hoặc ghế. Thúc nắm đấm theo hướng vào trong và lên trên.

Nếu người bị hóc dị vật đã bất tỉnh: hãy đặt người bệnh nằm ngửa, quỳ xuống dạng 2 chân cạnh đùi người bị nạn. Đặt gót lòng bàn tay lên vùng thượng vị, dưới chóp xương ức, bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất rồi ấn mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên. Có thể lặp lại 6 – 10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

Chú ý: Khi bị dị vật chui vào đường thở không nên cố gắng dùng mẹo, dùng tay để móc ra hoặc vuốt xuôi khi trẻ hóc vì có thể làm dị vật chui sâu vào đường thở khiến tình trạng trở nên nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, sau khi làm mọi thao tác như trên mà dị vật không bắn ra được thì cần khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ tiến hành lấy dị vật, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Theo TPO