Nam nhân TQ đứng trước nguy cơ ế vợ

22 Tháng Một, 2015 | Phụ nữ gia đình

 


 


 









Các gia đình Trung Quốc thích sinh con trai hơn là con gái và thường tìm cách xác định giới tính thai nhi dù điều này bị coi là phạm pháp. Photo Courtesy: Reuters


 


Với tỷ lệ trẻ sơ sinh là 118 bé trai – 100 bé gái, trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ hàng triệu nam giới không lấy được vợ.


 


Cách đây ít lâu, Guardian từng có bài viết về tình trạng đàn ông Trung Quốc ế vợ do tỷ lệ nam nữ chênh lệch đáng kể. Một người nông dân tại tỉnh Hồ Nam có tên Duan Biansheng đã ngoài 35 tuổi nhưng không thể lấy nổi vợ, luôn phải lo ngại cảnh sống cô độc, không được con cái chăm sóc khi về già.


 


Duan Biansheng không phải là trường hợp hiếm hoi tại Trung Quốc rơi vào cảnh ế vợ. Theo thống kê của giáo sư Li Shuzhuo, Đại học Tây An, chỉ trong vòng hai thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ có khoảng 30-50 triệu đàn ông không lấy được vợ.


 


Theo Reuters, ngày 21.1, Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cho biết sự mất cân bằng giới tính giữa trẻ sơ sinh tại quốc gia này được xem là “nghiêm trọng và dai dẳng nhất thế giới”. Đây được xem là hệ quả từ chính sách một con của quốc gia đông dân nhất thế giới.


 


Tình hình này đòi hỏi Chính phủ Trung Quốc loại bỏ các chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt, mà theo nhiều học giả, sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong tương lai gần.


 


Giống như hầu hết các quốc gia châu Á, bố mẹ người Trung Quốc thường thích sinh con trai hơn con gái. Nhiều gia đình phá thai hoặc bỏ rơi đứa con gái của mình để đảm bảo có đuợc con trai, vì vậy tỷ lệ sinh tại Trung Quốc là 118 bé trai/ 100 bé gái, so với tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới là 103 bé trai/ 107 bé gái.


 


Mặc dù việc xét nghiệm giới tính thai nhi đã bị cấm tại Trung Quốc, nhiều phụ nữ vẫn lén lút gửi mẫu máu ra nước ngoài để xét nghiệm. Cơ quan này cam đoan sẽ giám sát chặt chẽ vấn đề này trong thời gian tới.


 


Theo quan chức y tế, mất cân bằng giới tính không chỉ kéo theo tệ nạn xã hội, bạo lực, tấn công tình dục, buôn bán phụ nữ… mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lực lượng lao động. Năm 2013, độ tuổi lao động của Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể.


 


Theo Lan Phương/Vietnam.net