‘Sinh con thuận tự nhiên’ nguy hiểm cho mẹ và trẻ sơ sinh

30 Tháng Tư, 2019 | Phụ nữ gia đình
Cả mẹ và con cần được chăm sóc y tế trước, trong và sau cuộc sinh nở. Photo Courtesy: Shutterstock

‘Sinh con thuận tự nhiên’ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của bà mẹ và trẻ sơ sinh do các tai biến sản khoa không lường trước và không được xử trí kịp thời.

Theo một số nghiên cứu tại các đơn vị sản khoa đầu ngành của VN, có 5 tai biến sản khoa thường gặp xảy ra trong và sau quá trình sinh nở ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Chảy máu sau đẻ

Băng huyết (chảy máu sau đẻ) là tai biến sản khoa thường gặp nhất. Chảy máu âm đạo quá 500 ml sau đẻ được coi là tình trạng cấp cứu. Đây là biến chứng thường gặp nhất và là nguyên nhân tử vong hàng đầu với sản phụ.

Bệnh cảnh thường gặp: đờ tử cung, chấn thương đường sinh dục (đặc biệt là vỡ tử cung). Chảy máu ngay sau khi xổ nhau (giai đoạn thứ ba của cuộc đẻ) là triệu chứng phổ biến nhất.

Nguyên nhân dẫn đến chảy máu thường là do tử cung có sẹo mổ, u xơ tử cung, tử cung dị dạng; tử cung bị căng giãn quá mức vì đa thai, đa ối, thai to; chuyển dạ kéo dài; sót nhau trong buồng tử cung; sản phụ cao huyết áp; tiền sử sẩy, nạo, hút thai nhiều lần… Đỡ đẻ không đúng cách, cổ tử cung chưa mở hết mà sản phụ đã rặn cũng là nguyên nhân gây chảy máu sau sinh.

Vỡ tử cung

Sản phụ có các triệu chứng của dọa vỡ tử cung (cơn co dồn dập làm cho sản phụ đau đớn vật vã; tử cung co thắt hình quả bầu nậm…); biểu hiện sốc: mặt tái nhợt, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tụt… Có thể ra máu âm đạo; tim thai thường mất; nắn bụng có thể thấy các phần thai nhi lổn nhổn dưới da bụng…

Nguyên nhân: khung chậu hẹp, bất thường; sẹo ở tử cung (do phẫu thuật về phụ khoa như bóc tách nhân xơ, hoặc nguyên nhân do sản khoa như mổ lấy thai cũ hoặc tổn thương vào lớp cơ tử cung do nạo phá thai gây nên…); cơn co tử cung quá mạnh.

Sản giật

Là tai biến nghiêm trọng, thường xảy ra trong 48 giờ đầu sau đẻ, có thể gây tử vong mẹ và con. Bà mẹ xuất hiện cơn kích thích ở vùng mặt, miệng, mí mắt, sau đó cơn giật lan xuống 2 tay. Giai đoạn giật cứng tiếp sau với biểu hiện toàn thân co cứng, các cơ thanh quản và hô hấp co thắt lại làm cho người bệnh dễ ngạt thở vì thiếu ô xy.

Sau cơn giật cứng, các cơ toàn thân và chi trên giãn ra trong chốc lát, rồi liên tiếp những cơn co giật toàn thân. Sau đó, các cử động co giật thưa dần rồi ngưng, người bệnh rơi vào hôn mê, nếu nặng có thể tử vong.

Nhiễm khuẩn sau sinh

Là một trong những tình huống cấp cứu tai biến sản khoa, nhiễm khuẩn sau đẻ là nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục xảy ra trong thời kỳ hậu sản (6 tuần sau đẻ). Nhiễm khuẩn sau đẻ có thể gặp: nhiễm khuẩn ở âm hộ, âm đạo, cổ tử cung; viêm nội mạc tử cung; viêm tử cung toàn bộ; nhiễm khuẩn huyết…

Bệnh nhân thường có sốt, sốt cao, có thể không sốt cao nhưng sốt kéo dài. Nếu nhiễm khuẩn huyết có thể đi đến choáng, hạ huyết áp, mê man; các trường hợp nặng, ngoài ổ nhiễm khuẩn đầu tiên còn có những ổ nhiễm khuẩn thứ phát như ở thận, gan, não, phổi…, tiên lượng rất xấu.

Uốn ván sơ sinh

Là bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do trực khuẩn uốn ván (clostridium tetani) gây nhiễm trùng ở rốn, độc tố vi khuẩn uốn ván tác động đến hệ thần kinh cơ. Nhiễm trùng xảy ra do đẻ không sạch, dụng cụ cắt rốn bị nhiễm khuẩn; băng gạc không tiệt khuẩn. Trẻ thường sốt cao 38 – 39 độ C, miệng không há to được (dấu hiệu cứng hàm), sau đó xuất hiện dấu hiệu co cứng và co giật toàn thân.

Bệnh đã được loại trừ tại VN sau hàng chục năm triển khai tiêm uốn ván sơ sinh cho bà mẹ mang thai, tuy nhiên vẫn cần tuân thủ các quy định y tế để phòng nguy cơ nhiễm trùng cho mẹ và trẻ. Thực hiện đỡ đẻ sạch, dụng cụ cắt rốn phải được hấp 120 độ C hoặc luộc sôi trong 30 phút; dùng “túi đẻ sạch” nếu ở vùng sâu, vùng xa.

Theo TNO