Nguy cơ ‘tự tử theo’ khi người nổi tiếng tự tử

13 Tháng Sáu, 2018 | Sức khỏe
Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn cầu, có gần 800.000 người tự tử mỗi năm, một tỉ lệ khoảng 1 người tự lấy đi sinh mạng mình mỗi 40 giây. Photo courtesy: St Joseph Health

Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đồng ý rằng các vụ tự tử của những người nổi tiếng có thể dẫn đến sự gia tăng nguy cơ tạm gọi là “tự tử theo”.

“Tự tử theo” là quá trình mà hành động tự tử của một hay một số người có thể làm gia tăng hành vi tự tử ở người người khác, đặc biệt là ở những người đã có ý định tự tử hoặc có những yếu tố rủi ro có thể thực hiện hành vi này.

“Khi một người gặp khó khăn do trầm cảm hay có ý nghĩ tự tử, họ đã tìm hiểu xem những người khác đã trải nghiệm điều đó (tử tự) như thế nào. Đặc biệt, khi người nổi tiếng, hình mẫu thành công trong cuộc sống tự tử, điều này có thể gây nên cảm giác về sự tuyệt vọng”.

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí PLOS ONE vào tháng 2-2018, số vụ tử tự tăng 9,85% – tương đương với việc có thêm 1.841 cái chết – được ghi nhận ở Mỹ trong vòng 4 tháng sau khi diễn viên hài Robin Williams tự tử năm 2014.

Nghiên cứu này dựa vào số liệu các vụ tự tử hàng tháng của trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) trong giai đoạn từ 1999 đến 2015. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các số liệu, và chú ý đến giai đoạn trước và sau cái chết của nam diễn viên. “Tự tử theo” cũng được nghiên cứu ở phạm vi trường học, quân đội, nhóm bạn bè và gia đình.

Những yếu tố nguy cơ của việc tự tử gồm: gia đình có người đã tự tử, có lịch sử đối xử không tốt với con cái, người đã tự tử không thành, có tiền sử rối loạn tâm lý, nghiện rượu bia hay ma túy, trong tình trạng tuyệt vọng,… và một số nguy cơ khác.

Trên một diễn đàn của CNN, các chuyên gia cho rằng xã hội có xu hướng tránh nói về vấn đề tự tử và coi đó như một chủ đề cấm kị và việc này nên chấm dứt. Jodi Gold, bác sĩ tâm lý và giám đốc của Trung tâm Gold Center for Mind Health and Wellness, cho biết: “Nói về việc tự tử không khiến người nghe thực hiện hành động. Ngược lại, không nói thì có thể”.

Chúng ta nên nói về vấn đề này như một chủ đề bình thường và hỏi thẳng: “Bạn có nghĩ đến việc tự tử không”? “Tôi có thể giúp gì/làm gì?”. Người đối diện có thể không có câu trả lời nhưng việc đặt câu hỏi tự nó tạo ra sự khác biệt.

Khi nghe câu trả lời là có, bạn có thể giúp người muốn tự tử bằng cách liên hệ với nhà tư vấn, bác sĩ, người thân,… – mục đích là không để người đó tự cô lập và thúc đẩy các kết nối với người khác.

Những lời khuyên khác bao gồm: đừng nhắc đến danh sách những người mà người muốn tự tử cần sống vì họ. Điều này làm họ cảm thấy mình tệ hơn và có thể suy nghĩ tự trách mình, người thân của tôi sẽ sống tốt hơn mà không có tôi.

Cô Janet Schnell, nhân viên công tác xã hội ở bang Indiana, người tổ chức các lớp tập huấn nhóm ngăn ngừa tự tử cho biết:  Đối với thân nhân của người đã tự tử: đừng đổ lỗi hay căn vặn chi tiết. Xu hướng muốn biết lí do tại sao ai đó lại tự tử là rất tự nhiên nhưng bạn không có lý do gì để chờ đợi câu trả lời.  Cũng đừng nói “Người thân của bạn đã ở một nơi tốt hơn”, “Họ sẽ không bao giờ còn phải đau khổ” vì những câu này sẽ khiến họ day dứt và cảm thấy tội lỗi: “chẳng lẽ cuộc sống cũ không tốt hay sao”.

Tốt nhất, hãy thể hiện sự hỗ trợ: “Tôi có thể ở cạnh bạn bất cứ lúc nào, kể cả lúc 3 giờ sáng”.

Theo TTO