Kể chuyện đường xa: 3 ngày ở Kuala Lumpur

24 Tháng Bảy, 2019 | Mã Lai
Đường từ khách sạn Shangri-La tới Tháp đôi Petronas vào ban đêm. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Thích lên những tháp cao để xem thành phố, nên vừa tới Kuala Lumpur lúc trời chập tối, tôi xin tiếp viên khách sạn một bản đồ, hỏi đi tới tháp đôi Petronas Twin Towers mất bao nhiêu phút, cô nhân viên chỉ vào bản đồ nói đi bộ khoảng 10 phút. Muốn có tiền mặt tiêu khi đi bộ dọc đường, tôi hỏi khách sạn có đổi tiền Úc ra tiền Ringgit của Mã Lai (MYR), nhưng cô bảo nếu tôi quá cần thì hãy đổi tại khách sạn, bằng không hãy ra ở Tháp đôi Petronas sẽ đổi được nhiều hơn. Tôi chịu ngay các nhân viên ở đây, vừa phục vụ cho chủ nhân vừa phục vụ cho khách.

Ban chiều thấy tháp màu bạc, buổi tối đi từ xa thấy nửa tháp ở trên cũng trắng sáng bởi đèn điện. Từ đường cái trước mặt tháp đã thấy dòng người đi vào sân hay đứng ngoài đường để có thể chụp được toàn cảnh của cái tháp hiện cao hàng thứ tám của thế giới. Nhưng tôi thấy khách không đi vào cửa chính của tháp đôi mà vào tòa nhà  thấp hơn ở bên cạnh.

Sau đó,  tôi mới biết lối vào tháp đôi chỉ dành cho nhân viên văn phòng của các công ty, còn khách mua sắm thì đi vào tòa nhà ít tầng hơn nằm giữa hai tháp, đó là KLCC (còn gọi là Suria KLCC), một trung tâm mua sắm được xem là lớn bậc nhất nằm gần khách sạn Shangri-La, và đó cũng là lý do tôi chọn khách sạn này.

KLCC viết tắt của Kuala Lumpur City Centre, cái tên nói lên đây là khu trung tâm của thành phố, trái tim của thủ đô, nằm trong phức hợp tòa Tháp đôi Petronas. Trong khu vực này có nhiều khách sạn cao cấp và một trung tâm mua sắm, ăn uống, giải trí, triển lãm, một nơi mà trong ba ngày ở thủ đô, chúng tôi đều có đến ngắm và mua sắm.

Thăm viếng một buổi tối, trên đường đi bộ về khách sạn chúng tôi ghé ở một tiệm trong dãy phố quá vui nhộn, hai bên đường có nhiều du khách ngoại quốc ăn uống. Còn lạ nước lạ cái, đang tìm chỗ ăn ngon mà rẻ, một anh chàng nước da sậm cầm tờ quảng cáo màu mè mời chúng tôi. Thực đơn ghi Food & Beer Fiesta. By 1 main course & get 1 free beer;  từ grand burger 38.90 đồng Mã đến lamb chop 79.90 bao gồm một ly bia hơi Carsberg.

Tôi chọn beef steak 69.90 (khoảng $25 Úc kim), nhà tôi chọn grilled salmon fish 42.90 đồng Mã (khoảng $15 Úc kim). Giá cả như vậy ở khu đô thị sang trọng là phải chăng, nhưng quả thật thịt bò không ngon bằng ở Úc, Tân Tây Lan hay Mỹ và cá hồi nướng cũng không lấy gì làm hấp dẫn.

Ngoi ăn nửa bên trong, nửa sát đường không có tường che nên có vài du khách (tây phương) nam cũng như nữ  tha hồ hút thuốc có ống hút dài và bình nước lớn, được bồi bàn khiêng tới cho họ hút, phì khói thuốc như toa xe lửa, tràn qua bàn bên cạnh. Vì bỏ thuốc đã lâu và không tìm hiểu, nên tôi cũng không biết đó là loại thuốc gì, nhưng cách hút, rít giống như thuốc lào.

Nhà hàng nằm sát mặt đường nơi chúng tôi ăn tối đầu tiên, đối diện với Thai Club có “Tiệm Cà phê Việt Nam”. Hình: TVTS

Tôi hối hận đã chọn ngồi trong khung cảnh khói thuốc, nhưng may mùi thuốc này cũng dễ chịu và khói mau tan biến.

Nhìn qua bên kia đường, tôi thấy có  một số phụ nữ trẻ Á châu, đứng ngoài lề đường xem điện thoại di động hay vào trong quán Thái Club & Bistro. Tôi nghi họ là những cô gái Việt Nam nhưng chưa có dịp hỏi cho biết.

* * *

Ngày hôm sau, chúng tôi tìm đến một tháp khác mà chúng tôi đã nhìn thấy từ hồ bơi và khi trở về khách sạn sau buổi ăn tối. Đó là Kuala Lumpur  Tower hay theo tiếng Mã,  Menara Kuala Lumpur.

Nghĩ cũng chỉ xa khách sạn như Petronas Twin Towers, nên chúng tôi đi bộ. Nhưng càng đi mới thấy gần nhà mà xa cửa ngõ. Bởi phải lên dốc và con đường ngoằn ngoèo nên dài hơn. Không khí trở nên nóng nực khó chịu, nhưng đã lỡ thì phải ráng thôi. Cuối cùng cũng đến.

KL Tower là tháp (tower chứ không phải building) cao hàng thứ bảy trên thế giới với chiều cao 421 mét, và là tháp cao nhất Đông Nam Á.

Giống đa số những tháp cao xây bằng xi măng hồi gần đây, KL Tower có nhà hàng quay tròn (revolving). Tháp cao nhất thế giới là Tokyo Skytree xây bằng thép xong năm 2011 cao 634 mét, và hiện là kiến trúc (structure) cao thứ hai trên thế giới sau Burj Khalifa ở Dubai.

Du khách có thể lên tháp KL Tower để ngắm cảnh ở ba tầng khác nhau. Tầng thấp nhất gọi là sàn vọng cảnh (observation deck), sau đó là nhà hàng xoay tròn (revolving restaurant  có tên Atmosphere 360) và cuối cùng, cao nhất là sàn tổ chức tiệc có tầm nhìn tuyệt vời (megaview banquet deck).

Nhà hàng all you cat eat xoay tròn Atmosphere 360 trên tháp KL Tower, mất 90 phút mới quay một vòng, ngồi sát tường kính trả thêm 25 đồng Mã cho hai người. Hình: TVTS

Hiện có hai tầng mở cửa cho du khách và tôi nghĩ lên tới mức cao 276 mét của sàn vọng cảnh là có thể ngắm được mọi  cảnh của thành phố bởi Kuala Lumpur chỉ có khoảng 30 tòa nhà cao trên 200 mét mà thôi, nên sẽ không che chắn tầm nhìn của du khách. Nhưng cũng đã gần đến trưa rồi, nên chúng tôi muốn lên ăn trưa ở nhà hàng xoay giữa ban ngày.

Chúng tôi đã ăn tối ở một số nhà hàng quay ở các tháp trên thế giới vào ban đêm. Cảnh thì đẹp và trữ tình đấy, nhưng thấy không rõ, nên lần này chúng tôi chọn ăn nhà hàng xoay vào ban ngày, giá chỉ khoảng gấp đôi sàn ngắm cảnh, nhưng lại được ăn thả dàn (all you can eat) ngoại trừ uống nước ngọt và bia rượu, được  tính riêng.

Bạn đoán thử bao nhiêu? Tôi trên 60 tuổi nên được bớt chút đỉnh (tôi không thích người ta liệt mình vào lớp senior, nhưng bớt tiền tại sao không nhận? Nếu ngồi bàn sát cửa kính để ngắm cảnh không bị ai choáng, thì phải thêm 25 đồng Mã cho hai người. Tổng cộng 199 đồng Mã (khoảng $71 Úc kim).

Ngồi ở bàn ăn cao hơn mặt đất 282 mét (tháp cao 421 mét tính cả cây ăn-teng), nhà hàng Atmosphere 360 phải mất 90 phút mới quay đủ một vòng 360 độ.

Nếu bạn chưa vội xem cả thành phố dưới chân, cứ lai rai uống cà phê, trà (miễn phí) và bắt đầu chọn thức ăn (buffet/ self service) từ cá hồi cho đến thịt cừu, nghêu sò. Lần này tôi không uống bia dù trời nóng vì muốn xem thắng cảnh và nhận diện những cảnh vật ở dưới và xa xa tận núi, và còn muốn tỉnh táo để đi shopping ngắm và sắm nữa.

Buổi trưa này khách chỉ có hơn mười người nên đi lại ăn uống rất thoải mái. Có thể ngồi tại chỗ ngắm, có thể di chuyển ở nơi khác để ngắm khi nhà hàng đã xoay một đoạn mà mình muốn trở lại ngắm chỗ cũ cho rõ hơn.

Bên trong trung tâm mua sắm Suria KLCC dưới Tháp Petronas. Hình: TVTS

Vì chỉ mới đến KL chưa tới một ngày nên tôi cũng không biết nhiều về thành phố  này, tôi nói với nhà tôi phải đợi lát nữa xuống sàn vọng cảnh ở dưới, xem những bảng ghi chú, chỉ dẫn cảnh vật trước mắt mình,  nhưng tiếc một điều, ở lầu vọng cảnh tuy có viễn vọng kính miễn phí, có thể nhìn thật xa, nhưng không có nhiều bảng hướng dẫn cho du khách như ở một số tháp khác trên thế giới.

Trước hết, chúng tôi thấy được Tháp đôi Petronas, nhưng ở tư thế đứng trên Tháp KL, chúng tôi chỉ thấy một tháp rưỡi của Petronas, một nửa tháp kia bị che.

Chúng tôi cũng thấy cao ốc The Exchange 106 sừng sững một mình cao bằng Tháp đôi Petronas, sẽ hoàn tất cái chóp trong năm nay. Nhiều cao ốc và nhiều công viên mà tôi không biết tên, nhưng rõ ràng, thành phố có nhiều không gian xanh (rừng cây) bên cạnh những công viên, sân cỏ.

Xa xa trước khi đến gần kề một vành đai cao ốc mà tôi nghĩ là khu chung cư và sau đó núi cao, tôi thấy có hai dãy tòa nhà màu trắng và nhiều mái vòm màu vàng. Đó là khu cư ngụ của vua Mã Lai, gồm khu vực vua ở và khu vực vua làm việc hay tiếp quan khách, trải dài cả 10 cây số với diện tích gần 100 hếc-ta. Dùng viễn vọng kính, tôi có thể thấy những con đường và xe đi vào cổng dinh vua làm việc.

Khác với vua Thái Lan, người ngoại quốc ít  biết đến vua Mã Lai và tên của ông. Tháng Giêng vừa qua, vua Sultan Muhammad V của Kelantan đột ngột từ chức (lần đầu tiên trong lịch sử Mã)  sau hai năm lên ngôi và Mã Lai đã bầu vua mới là Sultan Abdullah của Pahang.

Các tiểu vương (sultan) của các tiểu bang thay nhau được bầu lên làm vua (king, tiếng Mã là Yang di-Pertuan Agong) của nước Mã Lai, nhiệm kỳ 5 năm và chỉ có tính cách biểu tượng chứ không trị quốc, việc nước hàng ngày do thủ tướng đảm nhiệm theo thể chế đại nghị như Anh hoặc  Úc.

Ngoài ra, có nhiều khách sạn gần Tháp KL. Tôi nhận ra được khách sạn Shangri-La và tên khách sạn  chúng tôi ở ngay dưới, thấy cả hồ bơi như  tôi đã thấy Tháp KL từ hồ bơi.

Pavilion là một trung tâm mua sắm lớn, sang trọng và có khu vực ăn uống bình dân (hình nhỏ) với những món ăn của người Mã và Hoa. Hình: TVTS

Mot buổi ăn trưa thật thú vị, vì đồ ăn ngon, ăn mệt nghỉ. Du khách nên tận hưởng (vì tôi thấy thực phẩm ở Kuala Lumpur khá rẻ, rẻ hơn Bangkok).

Sau đó, chúng tôi gọi xe taxi đi qua khu mua sắm KLCC ở ngay dưới chân Tháp Petronas mà chúng tôi đã đến hôm trước. Trả tiền cho trạm bán vé taxi cạnh chân tháp, 30 đồng Mã, gần 11 Úc kim một cuốc, khỏi phải đi bộ giữa nắng nóng, khí hậu ẩm.

Ngày hôm sau, chúng tôi lại đi shopping, nhưng qua một khu vực khác được gọi là trung tâm mua sắm (shopping mall) lớn nhất thủ đô  và nằm trong 10 khu mua sắm lớn nhất thế giới, gọi là Bukit Bintang, mất khoảng $10 Úc kim đi taxi (có lẽ du khách không phải lo ngại các tài xế gian lận lấy tiền cao, và bạn có thể hỏi giá một cuốc đi trước khi lên xe). Một nhân viên khách sạn nói với tôi đấy là thiên đường mua sắm của các bà, các cô!

Khu mua sắm được coi là lớn nhất và đầy đủ nhất gồm nhiều cửa tiệm bán hàng hiệu cao cấp và trung bình, nằm đối diện nhau ở ngã ba đường nên trông rất nhộn nhịp.  Đó là các trung tâm Pavilion, Starhill và Farenhert. Theo tôi, hai trung tâm đầu bán đồ cao cấp và trung bình, có những khu ăn uống thoải mái và rẻ  (như Pavilion) chứ Farenhert đối diện với hai khu kia chẳng co gì đặc biệt. Chúng tôi đã mua được ít đồ ở nơi đây với giá phải chăng.

Nhưng đồ đẹp nhất và trung tâm thoáng và sang nhất phải là KLCC, theo tôi nghĩ.

* * *

Tối cuối cùng trước khi trở về Melbourne, chúng tôi ghé ăn một tiệm ăn có tên tiếng Việt là “Tiệm Cà phê Việt Nam”, sát vách Thai Club & Bistro mà tôi nghi là nơi các phu nữ Việt Nam đến để hành nghề mại dâm.

Thực đơn có nhiều món ăn Việt Nam với giá khá rẻ. Chả giò 5.6 đồng Mã ($2 Úc kim), cơm chiên 17.92 đồng Mã (khoảng $6.5 Úc kim), chỉ có bia đắt 31.13 đồng Mã (khoảng $11 Úc kim).

Hai phụ nữ ngồi uống nước ở quầy “Tiệm Cà phê Việt Nam” trước khi qua hộp đêm Thai Club bằng những bậc cấp bên phải. Tháp KL Tower có thể thấy xa xa ở trên.  Hình: TVTS

Hai vợ chồng ăn uống no bụng chỉ 78 đồng Mã (khoảng $28 Úc kim) là cũng dễ chịu. Thấy một anh trung niên từ trong quán ra sân nghỉ, ngồi hút thuốc, tôi hỏi anh có phải là chủ không thì anh nói chỉ là người nấu ăn.

Khi nhận bill và thấy hóa đơn ghi tên tiệm là Thai Club, thì tôi mới biết rằng đề tên tiếng Việt chỉ là cách để khách Việt Nam biết mà tới ăn uống. Thấy mấy cô ngồi ăn sát quầy tiệm (lai rai hột gì đó hoặc chỉ uống nước), tôi làm bộ hỏi anh tiếp viên dọn bàn đấy là những cô gái nước nào vậy, anh ta nói họ là người Việt Nam. Tôi lại giả bộ ngây thơ hỏi họ làm nghề gì vậy mà ngồi ở đây, anh ta nói làm điếm chứ làm gì, các cô đến đây để làm sex workers!

Khoảng 8 giờ tối thì những cô gái ngồi uống nước rời ghế bước qua Thai Club & Bistro cùng vách. Sau đó, thấy những cô gái khac hai bên đường tiến vào Club này. Tôi đi ngang ghé sát mắt nhìn qua tấm phên gỗ, ngoài nghe nhạc xập xình, tiếng nói ồn ào, thấy những phụ nữ Á Châu ngồi cạnh những người đàn ông, uống nước và sau đó sẽ làm gì, chắc bạn đọc đã đoán được rồi?

Không phải mọi phụ nữ trẻ Việt Nam đi một mình qua Mã Lai để du lịch hay kiếm một việc làm (rất khó kiếm) ngoài làm công việc xưa nhất trên trái đất.

Một nhận xét cuối cùng. Tôi không nhớ những ngày ở Bangkok tôi có thấy người ta đi xe đạp trong trung tâm thành phố hay không, nhưng ở Kuala Lumpur, gặp con đường dành cho khách bộ hành có lúc chồng chéo với đường dành cho người đi xe đạp, tôi nhắc nhở nhà tôi là chớ đi bộ trên đường dành cho xe đạp, thì nhà tôi nói có thấy ai đạp xe đâu. Và quả thật, trong ba ngày ở đây, chẳng thấy chiếc xe đạp nào!

Hẹn bạn đọc lần tới trong một chuyến Kể Chuyện Đường Xa khác, sẽ xa gấp đôi hay gấp ba lần chuyến đi Thái và Mã, mà phần lớn thời gian cũng chỉ để nghỉ ngơi và mua sắm nhưng có thể mang lại vài thông tin hữu ích cho bạn đọc.

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 29.6.2019

 

(Trích từ báo in TVTS số 1736 phát hành ngày 3.7.2019)