Vòng quanh thế giới (7): Cung điện và pháo đài của thời xa xưa

25 Tháng Mười, 2017 | Đan mạch
Cổng một (trái) và cổng thứ hai: Ba lớp thành và cổng trước khi vào trong sân của lâu đài  Frederiksborg Castle. (Hình: TVTS)

Mời bạn tiếp tục đi chuyến “Grand Day Trip around Copenhagen” bằng cách tới lâu đài Fredericksborg Palace cách viện bảo tàng tàu Viking chừng 40 km.

Chúng tôi được người tài xế kiêm hướng dẫn viên giải thích tường tận, nhất là về lịch sử vua chúa xứ Đan Mạch một cách chi tiết, quá chi tiết, đặc biệt là về thời đại của Viking, từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 11. Ông nói không biết mệt trên chặng đường đi đến bốn di tích thăm viếng trong ngày. Như phần lớn người Đan Mạch, ông tour guide nói tiếng Anh

lưu loát nhưng tôi không thu nhận hết mọi điều ông nói với cái giọng trầm trầm và đều đều. Vả lại, tôi thích xem các kiến trúc hơn là chuyện tình, quan hệ của vua chúa Đan Mạch và các nước Scandinavia.

Ông này làm tour guide bán thời (vài ngày trong tuần) thì giờ còn lại viết sách và dự tính sẽ viết một cuốn sách nói về những vị tướng Đức Quốc Xã mà lâu nay phần lớn bị sách vở cho là những tội phạm chiến tranh, những kẻ giết người Do Thái. Ông nói với tôi rằng có những vị tướng Đức Quốc Xã đã không tuân lệnh Hitler, không giết mà còn giúp đỡ người Do Thái.

Bồn phun nước Nepturne Fountain giữa sân thành thứ hai. (Hình: TVTS)

Rồi như biết tôi là người Việt Nam qua tên họ của tôi, ông nói người Việt Nam tị nạn ở Đan Mạch đã tự lực, đóng góp cho xã hội Đan Mạch chứ không như những người tầm trú từ Trung Đông, Bắc Phi bây giờ đến Đan Mạch đòi hỏi chính phủ điều này điều nọ, trở thành một gánh nặng của xã hội. Tôi thấy vui vui khi nghe ông nhận xét về người Việt ở Đan Mạch. Tiếc rằng tôi đã không có cơ hội tiếp xúc với người Việt ở đây, nhất là những người đi tị nạn của những thập niên trước.

Có lẽ vì là nhà văn nên phong cách của ông rất lịch sự, giúp mọi du khách đi trên xe khi cần. Công ty Hamlet Tour quảng cáo xe chỉ chở tối đa 16 người nên cá nhân du khách sẽ có nhiều trải nghiệm gần gũi với những guide tour có trình độ học vấn cao và kiến thức rộng.

Frederiksborg Palace: lớn nhất và đẹp nhất

Mang tên Fredericksborg Palace vì đây là cung điện của vua Frederick II (trị vì 1559-1588). Frederick II là vua  của Đan Mạch và Na Uy. Khi ông còn sống, tham vọng chiếm nước Thụy Điển của người anh em họ  là vua Erick XIV đã không thành công. Frederik II chết lúc 53 tuổi. Người con thứ ba là con trai trưởng, Christian IV, nối ngôi lúc 11 tuổi, đăng quang lúc 19 tuổi, trị vì từ 1588 đến năm 1648, là ông vua ngồi trên ngai lâu nhất Đan Mạch và lâu nhất trong các vị vua vùng Scandinavia.

Christian IV là một trong những vị vua nổi tiếng nhất của Đan Mạch về quân sự, nghệ thuật và cải cách. Christian đã đổi tên thành phố Oslo của Na Uy thành Christiania để vinh danh mình và thành phố này chỉ đổi lại tên cũ Oslo năm 1925.

Dấu vết thời gian: sân và mặt chính giữa của Frederiksborg Castle, lâu đài Phục Hưng lớn nhất vùng Scandinavia. (Hình: TVTS)

Christian IV sinh ra và lớn lên tại cung điện do vua cha xây. Thích thú với cảnh vật ở đây, ông đã quyết định cho xây lại cung điện nguy nga hơn, theo kiểu Phục Hưng.

Lâu đài xây trên diện tích của ba hòn đảo nhỏ. Frederiksborg trở thành lâu đài vua chúa lớn nhất vùng Scandinavia thời Phục Hưng.

Frederiksborg nằm ở thị trấn Hillerod ở phía bắc Copenhagen, cách thủ đô Copenhagen cũng chừng 40 cây số. Dân số  thị trấn Hillerod ngày nay chỉ có khoảng 32,000 người. Tuy chỉ là một thành phố nhỏ, Hillerod là nơi đặt bản doanh của vài công ty kỹ thuật cao cấp như Foss A/S chuyên cung cấp kỹ thuật phân tích cho kỹ nghệ thực phẩm toàn cầu. Và dĩ nhiên, lâu đài Frederiksborg cũng mang lại lợi ích kinh tế cho kỹ nghệ du lịch Đan Mạch.

Chúng tôi đến thị trấn Hillerod vào lúc quá trưa nên hướng dẫn viên du lịch đưa vào một nhà hàng ăn trưa, với lời giới thiệu đây là một nhà hàng thức ăn ngon và sẽ bớt 10% trong cái bill nếu nói với nhà hàng rằng mình là khách của Hamlet Tour.

Đại điện nơi diễn ra triều nghi của các vua Đan Mạch từ thời Christian IV, hiện treo chân dung các quốc vương trong đó có Nữ hoàng Margrethe II. Hình: (Hình: TVTS)

Nhà hàng nằm ở ngã ba khu phố nên có phong cảnh và tầm nhìn đẹp, nhất là thưởng thức một toán nhạc kèn đồng gồm những người lớn tuổi. Tôi thấy đoàn nhạc này mặc y phục có huy hiệu của hãng bia Carlsberg, một hãng làm bia lâu đời và nổi tiếng của Đan Mạch thu dụng khoảng 41,000 công nhân. Chính Carlsberg Foundation của hãng bia này trong vòng 150 năm qua đã tu bổ lại và làm cho lâu đài Frederiksborg duy trì được vẻ đẹp huy hoàng lộng lẫy ngày nay, như người ta quảng cáo “Frederikborg Palace là lâu đài lớn nhất và đẹp nhất của thời Phục Hưng tại vùng Scandinavia”.

Xin mở ngoặc: Bảo trì một tòa nhà lớn rất tốn kém. Tôi còn nhớ vào cuối thập kỷ 1990, tỉ phú Richard Pratt ngỏ ý tặng Chính phủ Tiểu bang Victoria biệt thư Raheen ở vùng Kew lúc đó trị giá khoảng $50 triệu đô la để làm nơi thăm viếng cho du khách hay tiếp đãi quốc khách nhưng Thủ hiến Jeff Kennett thời đó nói nếu cho thì ông tỉ phú cũng phải hàng năm cho thêm một trăm ngàn đô la để bảo trì vì chính phủ không có ngân sách cho mục này. Bà quả phụ Pratt ngày nay vẫn còn ở đấy vì ông thủ hiến đòi hỏi quá đáng. Thế mới biết nhà càng to, bảo trì càng tốn kém.

Lâu đài Frederiksborg cách trung tâm khu phố của thị trấn Hillerod chừng nửa cây số. Đi bộ dọc đường, chúng tôi lại được xem đoàn kèn đồng diễu hành tới một nhà hàng nằm cạnh sông và cầu vào lâu đài. Rồi chúng tôi được nghe ké một ban nhạc jazz trình diễn với cả trăm khán thính giả ngồi nghe, phần lớn tuổi trung niên trở lên. Đoàn kèn đồng mang huy hiệu bia Carlsberg tiến đến nhập cuộc, chơi với ban nhạc jazz, tạo một không khí vui nhộn như ngày hội.

Thăm viếng di tích thắng cách của một đất nước, tôi cũng rất thích không khí ngày hội ở những nơi đó, cho nên nếu không đủ giờ thăm bên trong lâu đài Frederickborg trong vòng một tiếng đồng hồ, nơi được cho là lưu trữ nhiều bộ sưu tập nhất ở Đan Mạch, tôi cũng hài lòng, vì như thế cũng đáng đồng tiền bát gạo rồi.

Cảnh vật nhìn từ lâu đài Frederiksborg. (Hình: TVTS)

Lần này, hướng dẫn viên du lịch để du khách tự đi vào lâu đài ngoạn cảnh cho ông được nghỉ ngơi một tiếng, hẹn gặp lại nhau trước cổng lâu đài.

Cũng nên biết thêm Frederiksborg Castle còn được gọi là The Museum of National History (Viện bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Đúng ra, theo tôi, đây là lịch sử của các triều đại Đan Mạch trong một ngàn năm qua bởi phần lớn các di vật, đồ tiểu công nghệ, chiến tích, lâu đài và tranh ảnh chỉ nói về các vua chúa từ thời lập quốc (Vua Harald Bluetooth) cho đến Nữ hoàng Margrethe II ngày nay, về một triều đại được cho là tồn tại lâu nhất Âu Châu.

Lâu đài xây trên đảo, đi vào cổng chính bằng chiếc cầu và sau đó phải qua ba cửa của ba khu vực mới vào thành  của nội cung, giống như cung điện vua chúa Trung Hoa.

Giữa sân lớp thành thứ hai là một bồn nước lớn với tháp tượng đài điêu khắc (Nepturne fountain) rất bắt mắt, hài hòa với cung điện hình chữ U nằm trong lớp thành thứ ba. Tôi có cảm tưởng qua khoảng 400 năm từ ngày vua Christian IV xây, cung điện này đã từng bị cháy nếu nhìn vào những dấu vết của lửa còn đọng lại trên mặt gạch đỏ.

Đội kèn đồng nhập cuộc chơi với ban nhạc jazz gần cổng vào lâu đài Frederiksborg. (Hình: TVTS)

Lâu đài có 3 tầng (chưa kể tầng trệt) gồm có trên 80 căn phòng lớn nhỏ mà du khách có thể vào thăm.

Tầng trệt: Ngày trước gồm những phòng để tiếp các quý tộc và mệnh phụ, ngày nay ngoài dùng triển lãm các sưu tập nghệ thuật, làm nơi bán đồ lưu niệm, cất giữ ba-lô của du khách.

Tầng một: Lưu trữ những di vật của các triều đại Oldenborg từ vua Christian I đến vua Christian IV.  Nguyện đường lộng lẫy với dàn đại phong cầm xưa nhất nước Đan Mạch may  mắn không bị hư hại trong trận hỏa hoạn năm 1859.

Tầng hai: Đại điện là căn phòng lớn nhất chiếm một cánh của tầng lầu hình chữ U.  Đại điện là nơi triều yết, trên tường có những bức tranh rất lớn của những vị vua nổi tiếng, trong đó có hình riêng của Nữ hoàng Magrethe II và hình hai vợ chồng nữ hoàng. Cạnh đó có những phòng trưng bày tranh vẽ và đồ vật gia dụng từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19.

Tang ba: Triển lãm tranh và hình ảnh của Đan Mạch trong thời hiện đại của thế kỷ 20 và 21.

Mời quý độc giả xem thêm những video clip trên mạng tvtsonline của TVTS về chuyến thăm viếng tòa lâu đài lịch sử Frederiksborg này để thấy những hình ảnh sống động hơn.

Kronborg Castle nhìn từ xa với ba lớp thành cao và hào sâu, nơi diễn ra câu chuyện văn hào Shakespeare  dựng vở kịch Hamlet. (Hình: TVTS)

Kronborg Castle: vở kịch Hamlet phát xuất từ đây

Đây là một pháo đài nằm cách Frederiksborg Palace chừng 25 cây số về phía bắc. Trong khi ba di tích chúng tôi vừa thăm nằm gần sông (The Viking Ship Museum) hay trong nội địa (Roskilde Cathedral và Frederiksborg Palace), Kronborg Castle nằm ở bờ biển, vì đây là một pháo đài, nhằm chống lại lực lượng ngoại xâm. Ngoại xâm nào đây? Đó là Thụy Điển, vì đây là phần đất gần lãnh thổ Thụy Điển nhất, cách khoảng hai cây số. Trong lịch sử, Đan Mạch đã có tổng cộng 38 cuộc chiến với Thụy Điển.

Nhưng Kronborg Castle cũng là chiến lũy bảo vệ mọi sự thâm nhập của ngoại bang từ Biển Baltic, bờ biển tiếp giáp với những nước từ phía nam lên phía bắc của Baltic Sea như Đức, Ba Lan, Lithuania, Latvia, Estonia, Nga và Phần Lan.

Mặc dầu sau này trở thành pháo đài, Kronge nguyên là một cung điện của vua chúa Đan Mạch, nổi tiếng với vẻ đẹp của nó được xây vào thế kỷ thứ 16. Nhưng đáng nói hơn, Kronborg được cả thế gới biết đến vì chính nơi đây câu chuyện Hamlet của đại văn hào William Shakespeare bắt đầu.

Nhà văn Shakespeare của Anh mặc dầu chưa bao giờ đặt chân tới vùng đất này nhưng ông đã viết ra câu chuyện báo thù của một vị hoàng tử Đan Mạch có tên là Hamlet. Cũng vì thế mà có người nói rằng vở kịch Hamlet không phải do Shakespeare viết ra mà nhờ người khác viết dùm hay  thậm chí ăn cắp. Tuy nhiên, chẳng có bằng chứng cho lời đồn đãi này.

Cổng cuối cùng để vào trong sân pháo đài Kronborg. (Hình: TVTS)

Vở  kịch The tragedy of Hamlet, Prince of Denmark hay gọi tắt là Hamlet trở thành một tuyệt tác phẩm được diễn rất nhiều nơi trên thế giới trong mấy trăm năm qua.

Đến thăm Kronborg Castle trong mùa hè, du khách có thể được xem diễn vở kịch Hamlet ngoài trời trong khuôn viên của pháo đài. Truyền thống này có từ năm 1929.

Không biết có phải vì do xuất xứ câu chuyện Hamlet không mà vào năm 2000, UNESCO đã chọn pháo đài Kronborg đưa vào danh sách di sản văn hóa của thế giới?

Lâu đài Kronborg thuộc thị trấn Helsingor có dân số khoảng 61,000 người nhưng trong thế giới nói tiếng Anh, qua vở kịch Hamlet, người ta chỉ biết tên thành phố này của Đan Mạch là Elsinore vì trong kịch Hamlet, Shakespeare gọi Kronborg Castle Elsinore.

Bên trong sân pháo đài Kronborg. (Hình: TVTS)

Đậu xe từ xa, người ta đã có thể thấy những cái tháp và thành của lâu đài Kronborg bên kia con hào sau bức tường  thành phủ cỏ xanh, đúng là hình ảnh đẹp để có thể dựng thành câu chuyện tình tiết éo le của các bậc vua chúa. Qua khỏi chiếc cầu, du khách đã vào bên trong thành và cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là những khẩu đại bác. Lại phải qua một chiếc cầu  để qua một lớp kênh hào nữa được bao bọc bởi một lớp thành xây bằng gạch ở trên phủ đất và cỏ xanh, du khách mới vào nội thành. Nơi đây có bãi cỏ rộng quảng cáo lễ hội Shakespeare Festival với sân khấu ngoài trời.

Từ khu vực này, du khách có thể ngắm biển hay công sự phòng thủ chung quanh lâu đài.

Nhưng Kronborg Castle vẫn còn nằm bên kia  một tường thành cao và dày được bao bọc bởi con hào hẹp nên du khách lại cũng phải qua chiếc cầu mới thật sự vào trong sân của lâu đài.

Ba lớp thành cao hào sâu mới vào lâu đài với ba lớp các dàn đại bác trên mỗi tường thành: đúng là pháo đài! Vua chúa Đan Mạch từng sống ở đây (như trong chuyện Hamlet) và sau này, nhưng Kronborg đóng vai trò chính yếu là pháo đài bảo vệ  Đan Mạch.

Du khách bắt đầu đi thăm địa đạo của pháo đài. (Hình: TVTS)

Đến cổng cuối cùng để vào trong sân của lâu đài, du khách phải trình vé vào cửa. Đứng bên ngoài nhìn từ xa, lâu đài trông như một khối chữ nhật. Vào bên trong sân thì ra vẻ lâu đài ba tầng  là những dãy lầu bao bọc một chiếc sân vuông, mỗi góc cạnh là một lô-cốt hay là tháp trong đó một lô- cốt có 145 bậc cấp để lên sân thượng.

Vì là lâu đài vua chúa cư ngụ nên du khách được dẫn đi xem các đồ vật vua chúa dùng;  từ bàn ghế, tủ giường, ngai vàng (ghế màu vàng) nơi vua ngự triều. Những đồ cổ này dĩ nhiên đẹp và quý. Lần đầu tiên tôi thắc mắc nói  với một hướng dẫn viên rằng cung điện thì nguy nga đấy, nhưng hãy chỉ cho tôi xem chỗ vua chúa làm vệ sinh. Yến tiệc càng nhiều càng cần chỗ bài tiết, như người ta thường nói “big party big toilet”.  Người hướng dẫn có vẻ ngạc nhiên với câu hỏi này. Ông đưa tôi tới một căn phòng nhỏ không xa chỗ vua làm việc và ngủ, chỉ vào một cái phòng nho nhỏ trông như cái phòng thử hay thay áo quần.

Tôi làm bộ hỏi vậy thì cái “lu” (loo) ở đâu, ông nói họ đi vệ sinh trong cái bô rồi có người mang đi đổ. Thì ra tây cũng như tàu, vua chúa ngày xưa sống không thoải mái và sạch sẽ như chúng ta ngày nay, khi mà rất nhiều người coi cái cầu tiêu và phòng tắm là quan trọng không thua gì phòng ngủ và phòng khách. Nhà càng lớn càng có nhiều toilet hoặc trang bị đủ thứ trong cầu tiêu!

Chúng tôi được người hướng dẫn đưa đi xem những bức tranh sơn dầu và nhất là những bức thảm dệt lớn và tuyệt đẹp.  Những bộ sưu tập nghệ thuật ở đây cũng rất nhiều, nhưng chỉ xem loáng  thoáng vì thì giờ dành cho chuyến đi không còn nhiều (đi tour mà).

Lớp đại bác cuối cùng chĩa ra biển từ trên cao. (Hình: TVTS)

Cá nhân tôi, trong những chuyến đi tham quan như thế này, tôi chú trọng xem kiến trúc nhiều hơn là tranh, vì xem nhà cửa dễ cảm nhận và nhất là không đòi hỏi thời gian.   Ngoài ra tôi thích ngắm cảnh. Nhìn đồi, thành quách rộng lớn hùng vĩ, nhìn biển rộng mênh mông, những chiếc tàu hay thuyền buồm qua lại trên biển lặng mang lại cho tôi sự thảnh thơi, quên đi cuộc sống hối hả hằng ngày.

Sau khi xem một vòng các phòng ốc, người hướng dẫn đưa mọi người xuống sân. Lúc này ông hỏi có ai muốn lên trên sân thượng của lâu đài để xem không, nhưng ông cho biết phải bước 145 bậc cấp. Một cặp  vợ chồng trẻ và vợ chồng chúng tôi đưa tay. Thế là nhóm năm người chúng tôi bước lên tháp vòng xoắn ốc để tới sân thượng của lâu đài.

Khác xem vọng cảnh ở các tháp, ngắm cảnh trên sân thượng rộng lớn của một lâu đài thích thú hơn vì được tiếp xúc với không khí bên ngoài, được nhìn thấy cảnh vật mà không gặp chướng ngại, được đi lui đi tới trong một không gian rộng, nhìn thấy biển và thị trấn  Helsingor hay Elsinore nói theo kiểu Shakespeare.

Xuống sân, người hướng dẫn đưa chúng tôi thăm hầm của lâu đài. Pháo đài thì phải có hầm. Địa đạo dài, ngoằn ngoèo, lên xuống tối om, được dẫn lối bằng những ngọn đèn mờ  khi gặp  những nơi trần thấp hơn đầu người. Có chỗ, du khách phải dùng iphone để giúp nhau thấy đường. Tôi nghĩ người ta để đường hầm tối om có mục đích cho du khách có cảm giác lạ.

Tượng đá dưới hầm: Holger the Dane, người sẽ cứu Đan Mạch khi đất nước lâm nguy. (Hình: TVTS)

Trong khu vực dưới hầm, có một căn hầm tối có bức tượng đá rất lớn của một chiến binh râu xồm ngôi trên ghế đầu cúi xuống suy tư hay như ngủ, tay cầm thanh kiếm gác ngang trên đùi và chiếc khiêng. Đây là một nhân vật huyền thoại trong văn hóa Đan Mạch, lưu truyền mấy trăm năm trong dân gian.

Tên ông là Holger the Dane. Theo truyền thuyết, khi nào nước Đan Mạch gặp rắc rối, ông ta sẽ thức dậy ra khỏi chiếc ngai bằng đá của ông trong căn hầm để bảo vệ Đan Mạch. Nhưng Holger the Dane vẫn ngồi đó lim dim ngủ dù Đan Mạch bị Đức Quốc Xã chiếm đóng mấy năm trong Đệ nhị Thế chiến.

Một ngày  đi xem bốn di tích và thắng cảnh cách xa trung tâm  thủ đô Copenhagen vài chục cây số  với sự hướng dẫn tận tình của một tour guide kiêm tài xế  có kiến thức làm mọi người trong nhóm hài lòng.

Đây là chuyến đi tour duy nhất trong 5 ngày chúng tôi thăm viếng Copenhagen. Còn dành thì giờ ăn uống, ngắm phố xá thiên hạ qua lại nữa. Mời quý bạn đọc theo dõi.

 

Nguyễn Hồng-Anh

7.10.2017

(Du lịch báo in TVTS số 1646 phát hành ngày 11.10.2017)